[justify]Gắn chân, bơm bột mì làm gạch cho cua[/justify]
[justify]Theo lời giới thiệu của một đại lý chuyên cung cấp tôm, cua, cá, mực, loại hàng tươi sống này thường được chia làm nhiều loại. Ví dụ như ghẹ: Con nào còn sống, khỏe mạnh, to mẩy, nhiều trứng và gạch, được ưu tiên bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn lớn; con nào nhỏ hơn hoặc không đều nhau được chuyển cho những quán ăn bình dân; còn lại những con yếu, gãy càng, rụng mai, thậm chí đã chết trên đường vận chuyển được bỏ mối cho các hàng rong hay quầy nhỏ lưu động.[/justify]
Phần lớn trong số những con ghẹ này là đồ "phế phẩm"
đã qua công nghệ chế biến.
[justify]Nhưng chỉ cần qua bàn tay “chữa trị” tài tình của người bán, đám ghẹ “thương binh”, “ngất xỉu” này sẽ trở nên tươi rói bóng bẩy như “chưa hề” chết.[/justify]
[justify]Nhập vai một người đi xin việc, đến nhà một gia đình chuyên bán cua ghẹ rong tại bãi biển Vũng Tàu, khoảng 8h tối ngày cuối tuần, phóng viên thấy mọi người đã tất bật chuẩn bị các công đoạn cho buổi bán hàng ngày mai.[/justify]
[justify]Căn nhà cấp bốn ẩm thấp nằm sâu trong con hẻm nhỏ, chỉ khoảng 12m2, chất đầy cua ghẹ, bốc lên mùi ẩm mốc, tanh nồng khó tả. Xung quanh là những thùng xốp và chậu cáu bẩn đựng một thứ nước có màu đục nhờ nhờ, bà chủ cho biết đó là hỗn hợp nước, hàn the và bột ngọt.[/justify]
[justify]Từng con ghẹ chết sẽ được “tuyển chọn” một lần nữa, gắn lại càng và chân, sau đó ngâm vào thứ nước hỗn hợp trên. Trong quá trình ngâm, thỉnh thoảng người chế biến còn cho vào nước một chất phụ gia hóa học đựng trong gói nhỏ nhàu nát không rõ nhãn mác.[/justify]
[justify]Xong công đoạn ngâm ướp để phục hồi hình dạng cho đám cua, ghẹ, người ta xếp vào một rổ to cho ráo nước, chuẩn bị đến công đoạn bơm gạch. Hỗn hợp gạch giả gồm lòng đỏ trứng vịt, bột mỳ, chất bảo quản trộn lẫn với nhau, được bơm thẳng vào mai.[/justify]
[justify]Sau khi qua nhiều bước “tái sinh”, toàn bộ số cua ghẹ chết giờ trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng ruộm, nhìn “một trời một vực”, khác xa với hình ảnh nhợt nhạt, bốc mùi lúc trước. “Kỹ xảo” này còn được áp dụng đối với cua ghẹ đang sống.[/justify]
[justify]Hôm sau, theo chân người bán hàng, nhìn những chậu hải sản tươi roi rói với đám cua ghẹ sống đang thở sủi tăm, giơ chân giơ càng, thật khó phát hiện trộn lẫn dưới đáy chậu là những con vốn được xếp “hạng bét”.[/justify]
[justify]Dân biển chuyên nghiệp nhìn có thể biết đâu là hàng tươi sống “xịn”, đâu là hàng “tái sinh” dựa trên màu sắc của thực phẩm. Tuy nhiên khách du lịch dù tinh tường cũng khó mà phân biệt được cua ghẹ đã qua “thẩm mỹ viện” khi con nào con ấy đã được chế biến thơm phức gừng sả.[/justify]
[justify]“Ổi tiên” nhuộm hóa chất sản xuất sơn[/justify]
[justify]Cùng với đám tôm cua “bò” từ biển lên, một mặt hàng có xuất xứ từ “trên núi xuống” cũng thường gặp ở các khu du lịch là “ổi tiên”. Đây là loại quả thường được người bán giới thiệu cho khách là giống ổi mới, lai giữa đào và ổi, có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau như ổi đào, ổi tiên, ổi lê hay đào Đà Lạt.[/justify]
[justify]Tuy nhiên, thực tế thì “đào, lê, tiên…” này chỉ do công nghệ ngâm tẩm biến hóa.[/justify]
[justify]Một người chuyên bán các loại trái cây ướp lạnh tại Vũng Tàu cho biết, muốn có loại ổi tiên, cần một số công đoạn. Đầu tiên, chọn những quả ổi thường to, tròn, căng bóng, sau đó cạo sạch lớp vỏ bên ngoài rồi chà cho nhẵn bề mặt. Đây là khâu quan trọng nhất trong cả giai đoạn “hô biến” ổi bình thường với lớp vỏ xù xì thành những quả ổi đào láng mịn. Nếu bề mặt ổi không được làm nhẵn cẩn thận, khi ngâm vào nước màu, da ổi sẽ không ngấm đều màu hoặc lên màu loang lổ chỗ đậm, chỗ nhạt nhìn không tự nhiên.[/justify]
Trái ổi nhuộm hóa chất có màu xanh như quả bóng tennis.
[justify]Bước thứ hai, tất cả những quả ổi được “xoa” nhẵn vỏ sẽ được đổ vào một cái chậu lớn hoặc bể con có sẵn một hỗn hợp nước màu xanh ngắt. Các “nhà sản xuất” ổi quả quyết đó là phẩm màu không độc hại, nhưng theo một số người đã từng có kinh nghiệm, đó là hỗn hợp màu, đường và hương liệu hóa học kèm theo một chất bám dính hay được dùng trong… sản xuất sơn.[/justify]
[justify]Khi ổi đã được ngâm khoảng nửa tiếng đồng hồ, người làm sẽ chà xát, trộn đều số ổi đang được ngâm trong bể, làm như vậy ổi mới ngấm đều hóa chất, khi ăn sẽ ngọt, thơm và đẹp mắt.[/justify]
[justify]Những quả ổi thường sau khi được biến thành “ổi tiên” đều to tròn xanh mướt, da căng mịn, tỏa mùi thơm dìu dịu, khi bổ ra ruột không khác ổi thường là mấy, ăn lại giòn tan ngọt lịm. Ra thị trường, loại ổi “đặc sản” này được bán giá đắt gấp đôi, gấp 3 ổi thường.[/justify]
[justify]Người dân địa phương nếu không biết cũng dễ bị lừa, chưa nói đến khách du lịch luôn có tâm lý nếm thử những thứ mới lạ, đặc sản. Một nữ du khách ấm ức kể, lần trước đến Vũng Tàu, chị cũng vô tình mua phải loại ổi được người bán giới thiệu là giống “ổi tiên” của Đà Lạt với giá 40 ngàn đồng/kg, đắt hơn hẳn ổi bình thường.[/justify]
[justify]Nhưng chỉ sau nửa ngày, dưới cái nóng gay gắt đặc trưng của thành phố biển, số ổi mới mua lúc sáng bắt đầu rỉ ra thứ nước màu xanh, bốc mùi hôi như trái cây để lâu ngày, sờ vào có cảm giác nhớt, khi đem đi rửa thì nước xung quanh cũng bị nhuộm một màu xanh và có mùi khó chịu của hóa chất.[/justify]
[justify]Từ đó chị “cạch” không còn dám mua các loại quả bắt mắt mỗi khi đi du lịch, dù là “ổi tiên” hay “đào tiên” cũng kiên quyết lắc đầu.[/justify]
[justify]Thêm một người bán hàng trái cây gần khu du lịch cho biết, loại ổi này trước đây khá phổ biến, nhìn đẹp lại ngon nên những người ở xa đến không biết thường xuyên mua phải. Đặc điểm dễ nhận biết là ổi màu xanh rực rỡ, không có cuống, thoạt nhìn tươi xanh khá giống với quả bóng tennis, nhưng chỉ cần để qua khoảng một hai ngày, những quả ổi nhanh chóng rỉ nước và bốc mùi. Nếu thử ngâm ổi vào nước một lúc sẽ thấy nước cũng bốc mùi, chuyển sang màu xanh nhạt.[/justify]
[justify]Được biết, sau nhiều năm “làm mưa làm gió” trên các mẹt hàng bán hoa quả, loại ổi tiên này đã bị cấm nhưng một số tiểu thương vẫn lén lút mang bán chui. Dân địa phương nhìn thấy đã hãi vì được cảnh báo, vì vậy người “xơi” vào chủ yếu vẫn là khách du lịch.[/justify]
[justify]Hỏi “vì sao không “mách nhỏ” cho người ở xa đến”, một số người dân phân trần: “Mình đâu có dễ động vào “cần câu cơm” của người ta, họ đã có gan làm cái này là “gấu” lắm, cơ quan chức năng cũng chưa quản lý được nữa là…”.[/justify]