Ngược dòng thời gian về thời mở cõi, thiên nhiên đầy rẫy sản vật nhưng cũng ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Trong rừng già cọp gầm nghe “nổi gai óc”, dưới sông cá sấu rền như trâu nghé và vạt lau sậy rậm rạp thường là nơi trú ẩn của đám rắn dữ: hổ mang, hổ vện… Cho nên việc bắt bớt rắn đem nấu cháo đậu xanh phần nào thể hiện bản lĩnh gan dạ của tiền nhân.
Đến thời nay, nhóm rắn hổ nghiễm nhiên trở thành đặc sản quý hiếm, thường dành cho giới đại gia. Nhóm khoái rắn nhưng “túi hạn hẹp” thường nhắm đến “xóm” rắn không độc, sinh sản nhanh, quan trọng hơn là không phải hàng nuôi nhốt.
Ngọt thơm rắn bông súng nướng muối ớt |
Anh này hồi tưởng: “Cánh đồng Minh Hải ngày trước rộng bao la, nhưng toàn phèn chua nước lợ. Sau mỗi lần đốt đồng, sáng ra, tôi lấy miếng lá chuối non gói nhúm muối ớt mang ra đồng ăn sáng ngon lành hơn ăn giỗ. Mình cứ hít mũi “đánh hơi”, tìm nơi nào phát mùi thơm, lấy nhánh tre khều ra, sẽ gặp tụi rắn bông súng, hổ hành “quay”, da hơi cháy xém. Cạo ra, thịt rắn còn âm ấm, ngọt hơn Thanh Kim Huệ ca vọng cổ luôn!”.
Giòn béo xương rắn ri cá chiên giòn |
Ở Sài Gòn, một chị bạn văn sĩ cũng “sập bẫy” chả rắn hổ hành bằm với ít lá lốt, sả, ớt…, ở một quán gần chợ Võ Thành Trang (TP.HCM).
Khi mời ăn thử, mọi người giới thiệu chả lươn, vì biết chị vốn rất sợ rắn. Chị thưởng thức mê say và cụng ly khí thế. Tàn tiệc, có người “phản kèo” rỉ tai mách lẻo. Cứ tưởng chị… “nghỉ chơi luôn”, nào ngờ ra về, chị vỗ vai căn dặn: “Lần sau nhớ rủ chị nhé! Nếu không, chị giận thật đấy!”.