Lo lắng vì "rắn đến nhà hóa quái"
Tin đồn bắt đầu xuất hiện tại nhà vợ chồng anh Đinh Văn Hùng và Phạm Thị Lý ở xã Tông Lệnh, Thuận Châu, Sơn La với không ít câu chuyện mang hình bóng liêu trai.
Men theo quốc lộ 6 chúng tôi đến ngã ba Chiềng Pấc để hỏi thăm đường vào nhà anh Hùng, người bán thịt lợn đầu bản đã nhanh miệng bảo: "Vào đấy xem "bà rắn" à? Nhớ mua hương hoa vào mà thắp, "bà rắn" thiêng lắm đấy, cầu được ước thấy!".
"Rắn thần" bên trong miếu nhà anh Hùng. |
Theo lời anh Hùng, lần đầu tiên "rắn thần" xuất hiện vào năm 2010 tại sân nhà. Mọi người hoảng hốt đi tìm gậy đánh đuổi theo nhưng khi chạy ra thì "rắn thần" đã biến mất. Gia đình anh Hùng cũng không khỏi lo lắng vì quan niệm "rắn đến nhà hóa quái".
Mãi đến ngày 13/3/2012 (âm lịch), rắn mới trở về lần 2. Nhà anh Hùng có mấy con chó dữ nhưng hôm đó trở nên hiền lành, gặp rắn thì nằm xuống phủ phục. Chị Lý - vợ anh Hùng cho hay: "Vì nhiều người kéo đến xem nên vợ chồng tôi bàn nhau thả rắn đi. Lần một thả rắn cách xa hàng cây số, nhưng mấy hôm sau lại thấy rắn về. Lần hai thả xa hơn nhưng rắn vẫn về được. Lần ba thả cách xa nhà 7km nhưng rắn vẫn mò được về nhà". Thấy sự lạ, vợ chồng anh Hùng mới xây một cái miếu cạnh nhà cho rắn ở. Không ngờ, tin đồn lan xa nên hàng nghìn người kéo đến xem rắn.
Chị Lý bức xúc: "Có ngày hơn 3 nghìn người đến xem, họ đạp cổng trèo tường vào thắp hương xem rắn".
Chị Lý đang gọi rắn ra ngoài. |
Rắn nghe lời chủ
Theo quan sát của chúng tôi, miếu thờ "rắn thần" được anh Hùng và chị Lý xây bên cạnh góc ao, miếu được thiết kế khá cầu kỳ. Bên trong có hai tầng thông nhau. Phía tầng dưới có chứa nước để cho rắn ngâm mình. Bên ngoài được ốp đá màu đỏ thẫm, bên cạnh đó là bát hương và đồ cúng tế.
Từ ngày có "rắn thần", nhà chị Lý xuất hiện nhiều vị khách lạ, có người đến xem, có người sì sụp khấn vái, thậm chí có người đến gạ mua về ngâm rượu.
Chị Lý cho hay: "Ban đầu tôi chỉ nói đùa nhưng về sau thấy rắn nghe lời mình nên cũng không thả đi nữa. Có điều lạ là chỉ người nào có thiện chí đến xem thì rắn mới ra. "Bà rắn" rất hiền, chưa bao giờ cắn ai, tôi bắt thoải mái mà rắn cũng không có biểu hiện gì".
Ngày nào cũng có người đến xem "rắn thần". |
Chị Lý khẳng định: "Rắn thần" trong miếu là rắn ngoài tự nhiên chứ không do gia đình bắt về hay huấn luyện để lừa bịp người khác. Hơn nữa, gia đình cũng đang rất bất ổn khi có nhiều người lạ đến xem rắn bất kể đêm ngày".
Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi đến tìm gặp ông Lường Văn Biên, Trưởng Công an xã Tông Lệnh. Ông Biên khẳng định: "Từ ngày có thông tin "rắn thần" xuất hiện tại nhà anh Hùng, chị Lý có nhiều người đến xem nên chúng tôi phải thường xuyên đến kiểm tra, giữ gìn an ninh trật tự và luôn cảnh giác với những hiện tượng mang tính mê tín dị đoan".
"Từ ngày có tin đồn "rắn thần" xuất hiện ở nhà Lý - Hùng kéo theo nhiều người tò mò đến xem. Chính quyền địa phương đã xuống hiện trường lập biên bản và khẳng định là rắn thường nên tình hình cũng đã lắng xuống. Chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền chống mê tín dị đoan trên đài truyền thanh xã để bà con hiểu rõ vấn đề cũng như không tụ tập đông người, cúng bái lễ lạt gây mất trật tự an ninh trên địa bàn". Ông Hoàng Văn Hà (Chủ tịch UBND xã Tông Lệnh) "Hổ mang chúa là một trong những loài cực độc, tuy nhiên loài rắn này rất thông minh, nhạy cảm và có hệ thần kinh nhận biết thái độ ứng xử của con người. Trong trường hợp này, chủ nhà đối xử tốt với rắn nên rắn quen âm thanh của con người nên có thể nghe lời. Đó là lý do mà người ta có thể huấn luyện rắn. Tuy nhiên, không nên thấy rắn hiền mà chủ quan vì chúng có thể gây nguy hiểm khi phản ứng qua nọc độc". GS.TS Đặng Huy Huỳnh (Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam) |
Theo Bee