Nhìn vào nghệ thuật Việt Nam hiện nay, tôi có liên tưởng tới ý nghĩa của cuốn tiểu thuyết "Huynh đệ" của nhà văn Dư Hoa. Cuốn tiểu thuyết đã kể về sự bùng nổ những cặn bã xã hội trong giai đoạn khi những rào cản xã hội được dỡ bỏ. Nghệ thuật Việt Nam cũng vậy. Trong một thời đại của những quan niệm thoáng hơn, của lối sống tốt hơn, những xấu xa ấp ủ rất sâu trong bóng tối nay được dịp phát toả ra khắp nơi, đem lại một cái nhìn nhận mới.
Có thể nói, sự đi lên trong đời sống vật chất của xã hội là sự đi xuống của một con số không nhỏ các nghệ sĩ trẻ, trong đó có một số sinh viên ngành nghệ thuật. Họ đang bị tha hoá, bị lún sâu vào những vũng lầy tối tăm của những trò thác loạn, của lối sống truỵ lạc, của cặn bã văn hoá ngoại lai du nhập vào Việt Nam. Là những người mang trọng trách đưa cái đẹp đến cho cuộc sống, nhưng chính họ đang tự huỷ hoại bản thân mình, chà đạp lên danh từ cao quý họ đã và sẽ mang: "nghệ sĩ".
Đã qua rồi thời kỳ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Cũng đã qua rồi thời kỳ người nghệ sĩ phải tự mình đi lên từ những sự mò mẫm, tìm tòi không định hướng. Thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là những các sinh viên trường nghệ thuật có được những điều kiện khá đầy đủ để phát triển, để thăng hoa và để làm giàu đẹp nền nghệ thuật không chỉ của Việt Nam và thậm chí cả của thế giới. Nhưng hỡi ôi! Chính trong cuộc sống đầy đủ ấy, những gì mà một bộ phận các nghệ sĩ trẻ nói chung, một bộ phận sinh viên các trường nghệ thuật nói riêng, làm được chỉ khiến thiên hạ dùng hai chữ "rửng mỡ".
Khi lắc, sex trở thành phong cách sống
[size=2]Một trong những biểu hiện đầu tiên của cơn mưa axít xói mòn nghệ thuật là lối sống suy đồi (Ảnh minh họa)[/size]
Một trong những biểu hiện đầu tiên của cơn mưa axít xói mòn nghệ thuật là lối sống suy đồi. Những điều cấm kỵ của thế hệ đi trước họ trở nên những thứ gì đó ngớ ngẩn và lẩn thẩn. Sex, thuốc lắc, say xỉn, vũ trường và những thú vui thác loạn khác đối với họ chỉ là những hoạt động bình thường không thể thiếu trong cuộc sống. Một cựu sinh viên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh từng nói: "Trường tớ, heroin thì hiếm chứ thuốc lắc, sex thì đầy".
Các vụ bắt "nghệ sĩ trẻ", sinh viên trường nghệ thuật diễn ra liên tiếp. Chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt các vụ chất "kích thích" của Hiệp "Gà" (Dương Đức Hiệp), Cao Thuỳ Linh, của Nguyễn La Duy và đặc biệt gần đây là vụ diễn viên nhí Phạm Hà Duy sử dụng thuốc lắc tại nhà bạn. Chạy đua với thuốc lắc, vụ xì căng đan cổ điển là "sex" cũng không kém phần nhún nhường. Ngoài các vụ của Hồng Nhung, Hồ Ngọc Hà, sau đó là phim của Yến Vy, năm 2007 còn chứng kiến vụ nổ kinh hoàng, át tất cả các vụ trước kia. Đó là vụ của diễn viên Vàng Anh. Sở dĩ vụ nổ này lớn hơn tất cả các vụ khác bởi diễn viên chính của bộ phim quá trẻ, mới 19 tuổi. Bên cạnh đó, trên truyền hình, cô bé là một biểu tượng của giới "teen" về đạo đức và giới tính.
Những vụ việc trên cho thấy rằng, diễn viên ngày nay quá "tân tiến". Họ đi trước thời đại, và mang đến cho công chúng một quan niệm mới. Đó là nghệ sĩ phải tự do như chính tâm hồn họ. Rào cản xã hội chỉ là cái gì đó vướng mắt. Phải theo kịp xu hướng mới. Đó là hưởng thụ. Đó là tự do.
Khi đồng tiền vượt qua giá trị nghệ thuật
Không chỉ dừng lại ở tư tưởng tự do hoá, một bộ phận "nghệ sĩ trẻ" hay sinh viên trường nghệ thuật còn có khát vọng nhanh chóng vươn tới hạnh phúc. Họ cần sống, cần được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.
Nghệ thuật là con đường mà bất cứ ai đã đi vào đều xác định "một biển khổ luyện để lấy một giọt thành công". Không chỉ có vậy, không ai được nghĩ rằng, sẽ dùng những lợi thế của nghệ thuật để kiếm tiền một cách sai trái. Tuy nhiên, với sự xáo trộn trong xã hội ngày nay, danh từ "nghệ sĩ" và "nghệ thuật" đang bị đem ra làm chiếc lưỡi câu hai lưỡi để kiếm tiền từ những nơi tối tăm. Đó là vũ trường, là quán bar, những nơi đầy rẫy cám dỗ.
Tôi vẫn còn nhớ mang máng một câu nói trong bộ phim "Cảnh sát hình sự: Chạy án" của đạo diễn Vũ Hồng Sơn khởi chiếu trên VTV3 thời gian vừa qua. Đó là câu nói của chàng công tử Cao Thanh Lâm trong đoạn hội thoại với một chủ một vũ trường về một sàn nhảy của ông chủ đó trên Hà Nội rằng: "Vũ trường đó có màn múa khoả thân của mấy em sinh viên trường nghệ thuật". Vâng, một câu nói đơn giản trong phim đã vạch ra hiện tượng một số sinh viên trường nghệ thuật là những vũ công thoát y chuyên nghiệp, kiếm tiền từ những trò chơi thác loạn. Quả thực, việc một số sinh viên trường nghệ thuật làm "gái gọi" đã có từ rất lâu nay.
Cùng với việc kiếm tiền từ những "bụi rậm đầy cám dỗ" còn có hiện tượng sinh viên trường nghệ thuật trở thành gái bao. Nhìn vào đời sống sinh viên trường nghệ thuật hiện nay, hiện tượng "chân dài đại gia" không phải là chuyện hiếm, đặc biệt là những người có vẻ bề ngoài bắt mắt. Họ cặp với đại gia để có được cuộc sống sung túc, hưởng thụ mà không cần lao động nhiều. Họ cặp một cách ngang nhiên và thoải mái trước mọi dư luận. "Cứ chiều thứ Bảy đến cổng trường Điện ảnh sẽ tha hồ chứng kiến các đại gia đón các em đi chơi," một cựu sinh viên trường Điện ảnh tiết lộ.
Nguy hiểm hơn, đã có hiện tượng sinh viên trường nghệ thuật dính vào vòng xoáy của thuốc lắc. Họ đã phá huỷ tương lai của nhiều người khác và thậm chí của chính mình bằng việc buôn bán thứ thuốc độc chết người. Chỉ trong tháng Mười một này, công an đã phá một đường dây thuốc lắc do Nguyễn Anh Tú, sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Thanh Hoá cầm đầu cả vùng Thanh Hoá.
Lập dị hay suy đồi?
Một điều đớn đau khác có thể thấy trước mắt, đó là sự suy nghĩ của bộ phận sinh viên nghệ thuật hay nghệ sĩ trẻ. Họ tự cho phép mình có "quyền được suy đồi" cũng như các quyền lợi công dân khác. Cũng một cựu sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã từng cho tôi biết, sở dĩ các sinh viên học về nghệ thuật suy đồi như vậy bởi họ có lối sống khác người. Họ sống trong môi trường nghệ thuật và luôn phải có cái gì đó nổi bật hơn so với người thường.
Lời giải thích trên có vẻ như hợp lý bởi ai cũng biết rằng, môi trường nghệ thuật là một môi trường đặc biệt. Trong một môi trường mà con người ta phải thăng hoa, vượt qua tất cả để hướng tới cái đẹp, để khám phá cái đẹp. Những tình cảm của người nghệ sĩ không thể bị những rào cản xã hội gò bó và họ, để hy sinh cho nghệ thuật, sẽ phải vượt qua tất cả. Có thể, những tư tưởng cao đẹp đó cũng có một phần khiến cuộc sống của họ có điều gì đó khác biệt. "Có tài, có tật" hay "lắm tài nhiều tật" là hình ảnh phổ biến có thể thấy ở nhiều vĩ nhân.
Tuy nhiên, lập dị và suy đồi là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Lập dị không có nghĩa là suy đồi. Việc hiện nay, một số bộ phận nghệ sĩ trẻ tự cho mình là giỏi giang và suy đồi là sự lệch lạc trong suy nghĩ. Họ dùng thuốc lắc và sex để thể hiện mình "đặc biệt" hơn. Đã có hiện tượng nhiều sinh viên trường nghệ thuật sử dụng thuốc kích thích để duy trì phong độ, khả năng hát. Cũng có sinh viên nghệ thuật thể hiện tính sành điệu và hiểu biết của mình bằng thuốc lắc. Trong vụ động lắc "Hói" hồi tháng Bảy vừa qua, Nguyễn La Duy, một số sinh viên trường đào tạo nghệ thuật cho biết lý do dùng thuốc lắc là rằng "để thể hiện mình là dân chơi".
Phải chăng những viên thuốc lắc, những "sex" là quyền của những "nghệ sĩ" tương lai? Không. Đây chính là lối suy nghĩ lệch lạc về nghệ thuật, là sự tiêm nhiễm khía cạnh lệch lạc của văn hoá phương Tây đang du nhập vào Việt Nam. Vĩ cuồng và ngu muội đã tạo nên sự sa ngã. Những trò thác loạn đó không thể đem lại danh tiếng mà chỉ càng làm họ lún sâu vào trong vũng lầy sa đoạ. Nhưng đớn đau thay, đó chính là lối suy nghĩ phổ thông của không ít các nghệ sĩ trẻ. "Dân nghệ sĩ trẻ bây giờ phần lớn nhận thức kém, mất phương hướng, cả về học tập lẫn lối sống, dễ ảo tưởng" Bloger Hà Kin với tác phẩm "Chuyện tình New York" nói.
Trả giá
Những "nghệ sĩ" sa ngã kia cuối cùng đã phải chịu những kết cục không mấy tốt đẹp. Diễn viên Hiệp "Gà" đã nhận 2 năm tù giam, cùng với đó, lòng tin, danh dự và những hình ảnh của một diễn viên tài ba đã bị lu mờ. Bộ phim Nhật ký Vàng Anh đang "hot" chấm dứt. Hình ảnh của cô diễn viên xinh đẹp trong mắt giới trẻ trở nên tệ hại. Đối với diễn viên Hà Duy, mặc dù vụ lắc qua đi, nhưng liệu trong cuộc sống, Duy có còn được sự tin tưởng của gia đình, bạn bè?
Đây chỉ là ba trong số những gương mặt nổi tiếng đã dính xì căng đan. Quả thực, nếu lật lại từ đầu thế kỷ cho đến nay, con số những nghệ sĩ tai tiếng đã phải trả giá sẽ rất dài. Những Yến Vy, Kim Tính đã bị tẩy chay và hình ảnh của họ đã không còn được tôn trọng. Những diễn viên hạng gà, sau khi dính xì căng đan đã tự khép lại cánh cửa tương lai cho chính bản thân mình như Cao Thuỳ Linh trong bộ phim "Cảnh sát hình sự".
Nền nghệ thuật Việt Nam sẽ đi về đâu? Tươi sáng hay đen tối? Sự phát triển của đất nước tạo thuận lợi cho người nghệ sĩ phát triển tài năng. Tôi còn nhớ thầy giáo dạy vẽ của tôi, thầy Phạm Đắc Bảo có kể về cuộc sống của hoạ sĩ và sinh viên trường Mỹ thuật Công nghiệp ngày xưa. Đó là ăn thiếu ăn và thiếu dụng cụ học tập. Nếu như bây giờ, ngay cả học sinh học vẽ chơi chơi, họ có thừa đủ công cụ để học như hồ nước, màu.
Trong khi đó thời của thầy giáo tôi, đó là những miếng keo trâu phải luôn đặt trên bếp để có thể pha màu. Tôi cũng còn nhớ thầy giáo tôi, Cố Chủ nhiệm bộ môn Guitar, Nhạc viện Hà Nội có kể về thời của thầy. Đó là những bản nhạc được chép nắn nót bằng tay vì không có máy photocopy, máy tính hay máy in, là những bản giao hưởng rè rè vì được thu đi thu lại qua băng cassette. Trong khi đó, ngày nay, đời sống được nâng cao, các nghệ sĩ trẻ lại trở nên lạc lối. Thay vì chỉ tập trung cho nghệ thuật, họ càng phí hoài sức lực cho các cuộc chơi thâu đêm, các cuộc thác loạn.
Những "mầm non nghệ thuật tương lai" kia đang ngày càng tự huỷ hoại chính mình. Một người không tự giữ gìn cho chính bản thân mình thì sẽ không thể là người có ích. Một ngôi nhà được xây bởi những người thợ không có tâm huyết sẽ không thể bền vững, dù có trát vôi, quét ve đẹp thế nào đi chăng nữa. Nếu có những "nghệ sĩ sa đoạ" kia trong đội ngũ những người thợ đang xây dựng ngôi nhà "nghệ thuật Việt Nam", điều đó thật đáng lo ngại. Chưa cần thấy tác hại tiềm ẩn của những "nghệ sĩ sa đoạ" này gây ra, chỉ cần thấy rằng, họ đang bôi nhọ cả một tập thể những người nghệ sĩ chân chính.
Tôi từng nhớ đến câu nói của một nghệ sĩ piano nghiệp dư, anh Nguyễn Vỹ Cầm, cựu cán bộ của Sở Công an Hà Nội đã nói, "Những người như thế không thể coi là nghệ sĩ. Nghệ sĩ là những người có những đóng góp về nghệ thuật và con đường nghệ thuật của người ta có bề dày thì mới được gọi là nghệ sĩ. Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật bình thường thì chỉ nên gọi là diễn viên, ca sĩ…," Có lẽ, những người đang dính xì căng đan kia, hãy tự nhìn lại chính mình, tự xem xét mình đã xứng đáng với hai chữ "nghệ sĩ" hay không?