Quốc Vượng đang nỗ lực đi tìm lại mùa xuân của đời mình dưới màu áo Thể Công! Ảnh: Minh Thu |
Tết Độc lập đáng nhớ…
Ba năm về trước, cũng trong một ngày cuối năm, Quốc Vượng và một số cầu thủ bị cơ quan chức năng triệu tập để điều tra vụ tiêu cực tại đội tuyển U.23 Việt Nam tại SEA Games 23. Để rồi từ đó, tiền vệ tài hoa của bóng đá xứ Nghệ rơi vào vòng lao lý. Phải trả giá cho những sai lầm, Vượng tưởng như mình đã đánh mất mùa xuân cuộc đời bởi án tù. Thế nhưng, vẫn luôn là như vậy, khi một cánh cửa khép lại, thì vẫn luôn có những cánh cửa khác mở ra. Dù cải tạo ở các trại trong miền Nam hay về trại 6, Thanh Chương, Nghệ An, Vượng đều được mọi người tạo cơ hội để làm lại, gỡ bỏ mặc cảm của một “thằng tù” vô dụng.
May mắn nhất với anh là được các cán bộ quản giáo và lãnh đạo trại tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể thao, đặc biệt là bóng đá, ngoài giờ lao động. Hồi ở trại 6, lãnh đạo trại giúp Vượng có “đất” để phát huy khả năng thể thao khi tin tưởng trao cho nhiệm vụ làm hạt nhân phát triển phong trào bóng đá ở trại. Vừa là cầu thủ, vừa là HLV và là trọng tài cho các trận đấu vào mỗi buổi chiều sau giờ lao động, Vượng tìm thấy lại được niềm vui chơi bóng như hôm nào bước vào nghiệp “quân đùi áo số”. Cũng nhờ có nhiều đóng góp cho phong trào thể thao ở trại, cộng với tinh thần cải tạo, lao động tốt, Vượng được lãnh đạo trại đưa vào diện xét đặc xá, giảm thời gian thi hành án trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 vừa qua.
Trở về cuộc sống đời thường, Vượng được Thể Công nhận vào tập luyện sau khi thương thảo với CLB TCDK SLNA. Chỉ nghỉ ở nhà mấy tuần, anh lại khăn gói lên Hà Nội tập cùng đội bóng quân đội, trở lại với môi trường bóng đá và cái sân Nhổn, nơi quá quen thuộc đối với Vượng qua những lần lên đội tuyển năm xưa.
Ở Thể Công, Vượng nhanh chóng tháo bỏ được rào cản mặc cảm bởi sự thông cảm và thân thiện của anh em, đồng đội. HLV trưởng Vương Tiến Dũng giống như một người cha thứ hai của anh, ông không chỉ huấn luyện chuyên môn mà còn rèn Vượng làm người. Người ta thấy được sự thay đổi rõ ràng ở Vượng. "Xin cảm ơn tất cả mọi người đã tha thứ. Tôi hi vọng còn có cơ hội để lập công chuộc tội", Vượng tâm sự trong lúc xem trận đấu của ĐTVN tại AFF Cup. Lời nói như có nước mắt và cả sự bồn chồn, háo hức của một cầu thủ khát khao muốn cống hiến.
Sau thời gian trở lại tập luyện, Vượng phần nào lấy lại được phong độ và thể lực. Tuy nhiên, con đường trở lại sân cỏ phía trước còn rất gian nan. Gian nan không phải bởi chấn thương gai cổ chân vẫn hành hạ anh (nhiều khả năng ra Tết, Vượng sẽ phải mổ nội soi để xử lý chấn thương này). Gian nan cũng không phải vấn đề thể lực vì hiện tại, anh đủ sức “gánh” được cả trận đấu, chứ không phải là 20 hay 30 phút như lúc mới ra trại. Gian nan là bởi VFF vẫn chưa có động thái giảm án treo giò của Vượng.
“Tết này thằng Vượng ở nhà rồi…”
Ngày trở về ngôi nhà nhỏ ở phường Đội Cung, thành phố Vinh, Vượng lao vào vòng tay mẹ khóc như một đứa trẻ. Nhưng những âu lo về quãng đường trước mắt đó cũng không ngăn được sự hồ hởi của Vượng khi nói về kỳ nghỉ Tết: "Tôi háo hức lắm. Đã hai cái Tết, tôi đón giao thừa trong trại. Ở đó, vẫn có bánh chưng, có thịt, có giò, nhưng chẳng buồn ăn vì nhớ nhà, nhớ gia đình, bè bạn…Trong trại, ngày Tết là những ngày buồn nhất vì nhớ nhà, nhờ cha mẹ, bạn bè. Còn Tết năm nay mới thực sự là Tết".
Tết này, Vượng chỉ được nghỉ đúng bốn ngày, từ 28 đến mồng 3 tết, rồi lại phải lên tập trung với đội. Thế nhưng chừng đó cũng đủ để anh sung sướng lắm. “Tôi sẽ cùng bố, mẹ đi thăm nội ngoại. Lúc trước, khi vừa được về, tôi với bố cũng đã sang đất tổ dòng họ Tiên Điền (Hà Tĩnh), thăm họ hàng, người thân, nhưng thời gian không có nhiều nên cũng vội vã. Tết này, dư dả thời gian thăm thú mọi người hơn”.
Mới về đầu quân cho Thể Công được mấy tháng, lại thuộc diện “thử việc” nên chuyện lương, thưởng Tết này của Vượng chắc sẽ không nhiều như các đồng nghiệp. “Chuyện tiền nong, giờ em chưa thể giúp được gia đình những việc lớn, nhưng cũng để dành được một khoản mang về cho bố, mẹ, và mua sắm vài thứ cho nhà đón Tết”, Vượng tâm sự. “Ngôi sao” của một thời xả tiền không tiếc vào những chiếu bạc và những trò đua đòi, ăn chơi, giờ đã thay đổi. Thế vào đó, là một cầu thủ biết nghĩ cho gia đình, cho bố mẹ.
Ít ai biết, trong đợt nghỉ phép về nhà vừa qua, Vượng nhất quyết bắt bà Hạnh bỏ đàn lợn, nguồn thu nhập duy nhất của gia đình trong những ngày anh thụ án, bởi thương mẹ vất vả. “Mẹ bị bệnh khớp nặng như thế làm sao được. Nghỉ đi, con còn sức, còn được đá bóng sẽ cố gắng dành dụm giúp bố mẹ”.
Nhắc đến cái Tết đầu tiên sau gần nghìn ngày xa con, ông Lê Văn Quang, bố Vượng nói: "Hết rồi những đêm 30 nhớ con phát khóc. Tết nay thằng Vượng ở nhà rồi. Gần ba năm trời, tôi và nhà tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì nó. Nay Vượng được về nhà, được chơi bóng, quả là mừng.
Theo Báo Đất Việt