Trong khi hình ảnh nam sinh đứng trên đầu cụ rùa Văn Miếu đúng lúc dịp thi đại học vẫn chưa phai mờ, thì sau ba nữ sinh tạo dáng cưỡi cổ cụ rùa đội bia Vĩnh Lăng viết về Lê Lợi, hôm nay, thêm hai học sinh thanh lịch thể hiện đẳng cấp cao hơn với màn mặc quần soóc kẹp chặt đầu rùa.
VnExpress vội hốt hoảng cảnh báo hình như đây đã trở thành một trào lưu thuộc hàng hot nhất với giới trẻ.
Nhìn lại những lời ca cẩm của các bậc cao niên rằng sao Việt Nam ta chẳng sáng tạo được gì mới mẻ, ta thấy các nam thanh nữ tú cưỡi rùa này đang muốn chứng tỏ chúng tôi chẳng thua kém gì thế giới.
Thanh niên toàn cầu từng có trào lưu chụp ảnh cắm đầu xuống, mà đỉnh cao là cắm đầu vào… bồn cầu, nhưng so với ảnh kẹp đầu cụ rùa giữa hai đùi thì cũng chả biết mèo nào kém mỉu nào.
Chưa thể khẳng định đám hậu sinh có vinh dự được cụ rùa cho ngồi trên lưng là “khả úy” hay “khả ố”, nhưng ta hãy thử nghĩ xem tại sao chúng lại làm như vậy.
Đầu tiên, người ta nghĩ chúng kém hiểu biết, thiếu tôn trọng các giá trị văn hóa của dân tộc, gì thì gì, chúng ta cũng có tới 4.000 năm văn hiến, mà con rùa đội bia tiến sĩ lại được coi là một biểu tượng đỉnh cao của nền văn hiến ấy.
Nghe chừng cũng có một chút ít thuyết phục nào đó, nhưng hình như chưa đủ. Trong trường hợp mới nhất, hai cô bé tuổi hoa ngây thơ diện áo đôi in hình Đôrêmon, quần soóc, đeo túi thời trang, tạo dáng xì tin trên lưng rùa đã hùng hồn tuyên bố "ảnh chụp theo hứng cá nhân", "nếu các bạn muốn ném gạch thì đây cũng rất vui lòng đón nhận và còn tặng lại các bạn gấp đôi". Hai nàng không quên để lại lời nhắn cho thiên hạ: Mình đang rất cần gạch để xây nhà.
Dĩ nhiên, lượng gạch đá mà hai nàng nhận được mấy ngày qua có lẽ đã đủ để xây hẳn một khu đô thị mới, nhưng nhìn sự hào hứng của các nàng, ta có thể tạm suy ra rằng sự chú ý của thiên hạ là mục đích của việc tạo dáng kỳ khôi nói trên.
Nói một cách giản dị: Nếu thế giới không có máy ảnh và không có Facebook, tức là không thể gào lên cho thiên hạ biết rằng tôi đang làm những thứ kỳ quái, thì sẽ chẳng có ai đi kẹp cổ các cụ hay hành hạ voọc quý hiếm. Chơi trội mà như áo gấm đi đêm thì chơi trội làm quái gì nhỉ?
Nhìn tư một góc khác, sự nổi tiếng bằng cách ngồi đầu cụ rùa thật ra cũng chẳng khác gì một số kha khá những cách khác, có vẻ như sang trọng hơn. Nếu quí vị cứ nhất quyết không tin, xin mời đến với chương trình Miss Ngôi sao.
Ghi chú: Bình luận và chú thích của cư dân mạng. |
Chỉ hiềm một nỗi, vì các nàng Miss Ngôi sao này là Miss, nên tầm văn hóa và nhận thức của họ - hoặc của những người chọn họ - cũng khác hẳn người thường.
Mấy hôm nay, nổi tiếng chẳng kém gì các bức ảnh hành hạ cụ rùa là tấm ảnh chụp cảnh một buổi đi làm từ thiện tại Long An của những người đẹp từ cuộc thi này.
Khá khen cho tay nhiếp ảnh nào của Ban Tổ chức đã vô cùng xuất sắc trong việc lột tả thần thái các nhân vật: Trong khi các người đẹp tươi như hoa được sắp xếp ngồi trang trọng ở hàng ghế có bàn tử tế với nước lọc sẵn sàng, thì các cụ bà tóc bạc còng lưng ngồi lom khom trên dãy ghế nhựa. Đương nhiên, ở thời nhà văn Nam Cao, trẻ con không được ăn thịt chó, thì trong ngày từ thiện của các chân dài, người già không được uống nước.
Chẳng biết cụ rùa đáng tôn trọng hơn hay các cụ già đáng tôn trọng hơn, nhưng có lẽ sẽ thật khó nghe khi bảo rằng các người đẹp đi làm từ thiện này biết ứng xử hơn mấy đứa em đang hăng say đè đầu cưỡi cổ rùa.
Thế mới biết, chúng ta phải nhiệt liệt hoan nghênh vị nào đã đề xuất bỏ quách cái gọi là phần thi ứng xử trong cuộc đua giành ngôi Hoa hậu Việt Nam.
Nghĩ thêm chút nữa, ta sẽ thấy không nên quá nặng lời với lũ trẻ vô tâm, thậm chí là vô học. Thật ra thì bấy lâu nay, đầu các cụ rùa Văn Miếu của chúng ta đều đã nhẵn thín như thể quy y cửa Phật, do các sĩ tử vô cùng hiếu học tranh nhau sờ để mong được phù hộ độ trì.
Quí vị thử nghĩ mà xem, sờ đầu các cụ và kẹp cổ các cụ có khác nhau nhiều lắm hay không? Một đằng vì ước mơ cao đẹp rằng sung sẽ rụng trúng đầu trong phòng thi, đằng còn lại muốn khẳng định giá trị bản thân với trò chơi trội.
Cả hai đều giống nhau ở chỗ chẳng cần biết di sản là thứ gì, phải ứng xử ra sao, và điều này thì chẳng riêng gì lớp trẻ: Người lớn chúng ta vẫn thường hay nhét tiền lẻ vào bất kỳ chỗ nào có thể nhét ở mọi ngôi chùa, với một khát khao thành kính và thầm kín là mong Đức Phật từ bi hỉ xả hãy cho con được phát tài phát lộc, hoặc trúng quả buôn lậu, hoặc hạ cánh an toàn, đại loại thế!
Mấy tháng qua, ngành Giáo dục từng khiến xã hội xôn xao bàn tàn với những đề văn về thói dối trá, về thói cơ hội, rồi về mê muội thần tượng là thảm họa. Nghe đâu khi làm đề văn về thảm họa thần tượng, có học sinh đã quyết định nghe theo đáp án đề dối trá rằng phải trung thực trong học tập và thi cử, nên viết huỵch toẹt không chút đắn đo: Nào em không muốn làm tiếp bài này vì em yêu SuJu…, nào hẹn gặp lại ở mùa thi năm sau, vì em yêu các anh, một lần và mãi mãi…
Chúng ta cứ trách bọn trẻ con toàn đi thần tượng ở đẩu ở đâu, từ ca sĩ Hàn Quốc tới
cầu thủ Italia và diễn viên điện ảnh Hollywood, đồng thời ra sức kêu gọi chúng phải biết tôn trọng những giá trị truyền thống ngàn năm của dân tộc.
Lịch sử và văn hóa dân tộc ta rõ là không đến nỗi nhạt nhẽo, nhưng làm sao mà chúng nó lại cứ thờ ơ thế nhỉ, thậm chí còn ngày càng bạo dạn trong việc ngồi lên đầu truyền thống?
Ai biết được, nhưng quý vị thử nghĩ coi, nếu thần tượng các cụ mà chẳng hiểu cái thứ cụ cõng trên lưng có nghĩa ra sao, thì cũng mù quáng kém gì tình yêu của các nàng tuổi teen với các anh chàng SuJu tận bên Hàn Quốc. Quan trọng hơn, giả sử hiểu đi chăng nữa, thì có mấy ai còn lọ mọ làm theo những lời huấn thị sáng chói tự ngàn xưa đó cơ chứ.
Những dòng rực rỡ trên bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) vẫn còn vang vọng như một vệt sáng chói của nền văn hiến Việt Nam: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn.
Mấy hôm trước, báo chí Việt Nam đặt một câu hỏi mà ai cũng thấy hình như không phải dành cho mình: Hơn 9.000 giáo sư, sao Việt Nam không có bằng sáng chế?