Khoảng 2.000 đến 3.000 binh lính của ông Gaddafi đã đồng loạt tấn công vào thành phố cảng Địa Trung Hải từ cả ba phía nam, đông và tây. Theo phát ngôn viên Hassan al-Galai, đã có ít nhất 10 chiến binh nổi dậy bị thiệt mạng và 26 người khác bị thương trong cuộc tấn công mới nhất của quân chính phủ.
Bất chấp việc quân của ông Gaddafi triển khai một loạt xe tăng, máy phóng tên lửa Grad và các đơn vị pháo hạng nặng, NATO vẫn không hề có bất kỳ động thái can thiệp nào tính đến 6h tối quan theo giờ địa phương. Trong khi đó, các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy tiếp tục diễn ra ác liệt, ông Galai cho hay.
Misrata là thành phố quan trọng nhất của phe nổi dậy ở phía tây Libya . Đây là thành phố phải chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa quân của ông Gaddafi với phe nổi dậy. Hai lực lượng này đã giành giật nhau thành phố Misrate suốt trong hơn 2 tháng qua.
Hôm 12/5, phe nổi dậy đã đạt được một chiến thắng quan trọng khi chiếm được khu vực sân bay trong thành phố đồng thời chấm dứt cuộc bao vây kéo dài 2 tháng của quân chính phủ. Trước đó, quân của ông Gaddafi giành thế áp đảo trên chiến trường Misrata khi liên tục oanh tạc dữ dội thành phố này và dồn phe nổi dậy về sát bờ biển Địa Trung Hải.
Kể từ sau khi phe nổi dậy phá vỡ được vòng vây của quân chính phủ xung quanh thành phố Misrata, quân chính phủ gần như nằm im. Tuy nhiên, ngày hôm qua, lực lượng này lại trỗi dậy sau khi Tổng thống Gaddafi tuyên bố sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Cũng như những lần trước, phe nổi dậy lại lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng với NATO vì không có phản ứng gì trước các cuộc tấn công mới của quân chính phủ Libya vào thành phố Misrata.
Mặc dù vậy, trong cuộc họp ở Brussels, Bỉ, liên minh NATO đã cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu ở Libya “lâu đến khi nào còn cần” và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn bước chân của quân ông Gaddafi.
Tổng Thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen nói rằng NATO “đang chuẩn bị cho một nước Libya không có ông Gadhafi”, và rằng sự ra đi của ông Gadhafi không còn là một câu hỏi “nếu” ông ta ra đi, mà là “khi nào” ông ta ra đi.
Trước đó, một tuyên bố của NATO cũng nói rằng liên minh cam kết cung cấp “tất cả những phương tiện cần thiết” và “uyển chuyển tối đa trong hoạt động” để duy trì chiến dịch quân sự tại Libya. Liên minh NATO mưu tìm sự ủng hộ rộng rãi hơn và những đóng góp thêm cho những nỗ lực này. Cùng ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chỉ còn là “vấn đề thời gian” trước khi nhà lãnh đạo Libya Gadhafi từ bỏ quyền lực. Phát biểu hôm qua bên cạnh Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Mỹ, ông Obama cho rằng những hoạt động do NATO lãnh đạo tại Libya “có những tiến bộ đáng kể” và đang bảo vệ người dân khỏi “một vụ tàn sát mà lực lượng của ông Gadhafi có thể thực hiện”.
Tổng thống Obama nói “chỉ còn là vấn đề thời gian” trước khi nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi từ bỏ quyền lực.
Song, những tiến bộ đáng kể đó không đẩy nhanh được tiến độ của Nato ở Libya.Chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ - Đô đốc Michael Mullen thừa nhận, chiến dịch can thiệp vào Libya của NATO đang “tiến triển rất chậm” trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet bác bỏ mong đợi về một sự kết thúc nhanh chóng đối với cuộc chiến ở Libya.
NATO có 28 thành viên nhưng mới chỉ có 8 nước tham gia vào chiến dịch can thiệp quân sự ở Libya . Trong tình cảnh bế tắc ở Libya, Tổng thư ký NATO cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Mỹ đã kêu gọi các thành viên khác tham gia vào chiến dịch ở Libya nhằm giúp giảm nhẹ gánh nặng đối với những binh lính NATO đang có dấu hiệu mệt mỏi, căng sức.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã kêu gọi đích danh 3 nước gồm Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan cân nhắc khả năng tham gia đánh Libya. Ông Gates cũng kêu gọi hai nước Đức và Ba Lan tham gia vào chiến dịch ở đất nước Bắc Phi. Hiện tại, đây là hai nước chưa có bất kỳ đóng góp nào cho các hoạt động của NATO ở Libya .
Lời kêu gọi trên của ông Gates được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ủng hộ. Ông Rasmussen cho biết, NATO khuyến khích các thành viên khác “mở rộng” sự ủng hộ với nhiệm vụ của liên minh ở Libya để đảm bảo khả năng “duy trì”chiến dịch.
Tuy nhiên, những nước được kêu gọi chưa có bất kỳ phản ứng nào với đề nghị của các quan chức trên.
Cùng với những hành động "đáp trả" của phái nổi dây, Hannibal, con trai của nhà lãnh đạo Libya cũng đang lên kế hoạch khủng bố hàng loạt ở châu Âu, trong đó có sân bay quốc tế Genava.
Hãng tin Echorouk ngày 8/6 cho hay, Hannibal đã thuê một công dân Algieria là Iskander tấn công sân bay quốc tế Genava.
Iskander, từng làm việc tại một nhà thi đấu tư nhân ở thủ đô Tripoli của Libya. Trong quá trình thẩm vấn, Iskander đã thú nhận Hannibal đã giao cho anh ta một nhiệm vụ bí mật tại Thụy Sỹ và các nước châu Âu khác.
Con trai Đại tá Gaddafi cũng hứa rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh ta sẽ tìm cách đánh lạc hướng dư luận, cho rằng al Qaeda chịu trách nhiệm về các vụ tấn công này.