Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, một quán cơm từ thiện với giá tiền tượng trưng 2000 đồng/ suất ở đất Sài Gòn có ý nghĩa nhân văn rất lớn, làm ấm lòng bao người lao động nghèo hằng ngày mưu sinh nhọc nhằn và hỗ trợ phần nào cho bao bạn sinh viên nghèo có gia cảnh khó khăn đang trọ học chốn thị thành.
Quán cơm từ thiện ở số 14/1, đường Ngô Quyền, P.5, Q.10, TP HCM mở đầu năm 2010. Sau gần 3 năm, mỗi ngày quán cơm đón hơn 500 lượt khách là các bạn học sinh - sinh viên nghèo và hàng trăm người lao động có thu nhập thấp, người vô gia cư ở TP HCM. Quán cơm bán từ 11h-13h nhưng từ 10h30, trong nhà bếp, cơm đã đầy các khay. Mỗi ngày quán cơm có giá 2000 đồng/phần cung cấp cho hơn 500 phần ăn cho thực khách.
Từ 10h sáng, khách đã xếp hàng dài cả trăm mét để chờ đến lượt mua cơm 2000 đồng/phần. Thực khách rất đa dạng, từ học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đến những người lao động có thu nhập thấp như bán vé số, mua ve chai, bán hàng rong, người già có gia cảnh neo đơn không nơi nương tựa, người vô gia cư…
Quán cơm bán vào 3 ngày trong tuần là thứ 3-5-7. Thực đơn thay đổi mỗi ngày, món chính có hôm là gà kho gừng, đậu hũ dồn thịt, xíu mại, thịt kho tàu hũ, thịt kho củ cải… Còn canh thì có canh bí, canh rau các loại…
Để phục vụ nhu cầu đa dạng của thực khách, cơm được chia làm 3 loại: cơm nhiều, cơm vừa, cơm ít… tùy khách lựa chọn. Theo các bạn tình nguyện viên ở đây, đa số thực khách chọn phần cơm vừa và cơm nhiều. Vì sau một buổi lao động vất vả thì một phần cơm vừa là đủ để tiếp tục làm việc vào buổi chiều.
Đúng 11h trưa, từng người mua phiếu cơm 2000 đồng vào quán thưởng thức. Mọi người xếp hàng rất trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Nơi đây, văn hóa nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau thể hiện rất rõ nét; nếu có một người khuyết tật đi lại khó khăn thì mọi người sẵn sàng nhường cho đứng trước.
Thứ năm (ngày 15/11), thực đơn gồm cơm trắng, thịt gà kho gừng, rau muống xào, canh bí đao và tráng miệng là chuối. So với thời giá bây giờ, 2000 đồng/phần cơm như thế này là một cái giá thật sự có ý nghĩa dành cho các bạn học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người lao động có thu nhập thấp, người khuyết tật, người lang thang - cơ nhỡ…
Từ 11h đến 13h là giờ cao điểm của quán, hết lượt người này đến lượt người khác vào quán chọn thức ăn và thưởng thức bữa trưa. Phía trên tường là bảng hướng dẫn chi tiết quy trình mua cơm dành cho thực khách: Khách mua phiếu cơm 2000 đồng tại quầy. Sau đó, khách trao phiếu cơm cho người phục vụ tại nhà bếp để nhận khay cơm và thức ăn. Sau khi ăn xong, khách tự đem khau cơm đến bộ phận rửa.
Với một lượng khách đông như vậy nên mỗi ngày phải có ít nhất 15 tình nguyện viên làm việc ở quán cơm. Chị Bích Thủy, người chia phần thức ăn, chia sẻ: dù đã có gia đình và gần 40 tuổi nhưng khi tham gia tình nguyện ở đây, góp phần giúp đỡ cho cộng đồng nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, chị thấy niềm vui - hạnh phúc nhân lên rất nhiều.
Quán cơm 2000 đồng/phần là nơi tìm đến của nhiều người lao động có thu nhập thấp, trong đó có không ít người đã lớn tuổi. Có nhiều người ở các quận xa quận 10 như Tân Bình, Phú Nhận… cũng tìm đến đây thưởng thức.
Đã hơn 12 giờ trưa nhưng khách vẫn còn rất đông. Qua đó cho thấy nhu cầu cần trợ giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn là rất lớn.
"Mỗi ngày, bộ phận phục vụ nấu từ 70 đến 80 kg gạo. Số gạo dùng hàng ngày là do các Mạnh Thường Quân hỗ trợ", chị Nga - phụ bếp - cho biết.
Tình nguyện viên Lê Bảo Luân là sinh viên ĐH Y Dược có hoàn cảnh khó khăn, Luân từng ăn cơm ở đây nhiều lần và thấy rằng mình cần làm một việc nhỏ để giúp cộng đồng. Em cho rằng, tham gia tình nguyện tại quán để mình trưởng thành hơn, hằng ngày Luân phụ mọi người rửa khay thức ăn.
Trao đổi với tôi, anh Nguyễn Hồng Ánh, người trực tiếp quản lý quán tâm sự: "Thực ra “2000 đồng” ở đây có giá trị nhân văn rất lớn. Cơm từ thiện nhưng thu tiền là giúp cho người mua xóa mặc cảm được ban phát, không có cảm giác mắc nợ người khác. Còn đối với chúng tôi, là những người bán, dù chỉ thu 2000 đồng/suất nhưng luôn ý thức được rằng mình đang phục vụ khách và phải phục vụ cho tốt, tận tụy, trân trọng từng người khách chứ không đơn thuần là làm từ thiện theo cách ban ơn hay bố thí". Quả là "của cho không bằng cách cho".
Theo Thiên Thanh