[size=6]Trong vô số đồ ăn vặt bán trước cổng trường, có gói “thịt hổ” hơi nhơn nhớt, bê bết dầu mỡ. Tiếp tục mở thử gói thịt hổ ra, mùi khen khét, nồng nồng, mặn mặn xộc thẳng vào mũi.[/size]
Cận cảnh những món ăn "lạ"
Tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, dễ dàng bắt gặp các loại bánh, kẹo, sản phẩm màu sắc sặc sỡ, bắt mắt được đựng trong các thúng, mẹt của các gánh hàng rong hay trong tủ kính của những cửa hàng gần trường. Tuy nhiên, khi được hỏi đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ thì người bán hàng ậm ừ không biết.
Gói "thịt hổ" không rõ nguồn gốc nhưng nhiều trẻ em yêu thích. |
Cứ tầm 16h–17h30, các gánh hàng rong từ đâu đến đều lũ lượt kéo ra ngồi trước cổng trường, bày bán đủ loại bánh, kẹo xanh đỏ hay những cửa hàng ở gần trường cũng bắt đầu mở cửa, thậm chí có cửa hàng mở cửa cả ngày để “vớt” khách.
Đối diện cổng trường tiểu học Hoàng Diệu (Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) vào giờ tan tầm, các cô chủ cửa hàng đon đả chào mời khách, đủ loại bánh, kẹo “chi chít” tiếng nước ngoài như tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Hầu hết các loại bánh, kẹo này đều không có thêm bất kỳ nhãn phụ tiếng Việt nào cũng như ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Miếng "thịt hổ" đầy dầu mỡ, ngọt ngọt, lợ lợ, hơi dai |
Phóng viên liền mua ngay gói “thịt hổ” nhiều trẻ yêu thích với giá 3.000 đồng. Mặt trước và mặt sau đều toàn chữ Trung Quốc, có cả mã vạch, góc trên cùng bên trái có ghi “2012/7/20” không biết là ngày sản xuất hay hạn sử dụng.
Gói “thịt hổ” hơi nhơn nhớt, bê bết dầu mỡ. Tiếp tục mở thử gói thịt hổ ra, mùi khen khét, nồng nồng, mặn mặn xộc thẳng vào mũi. Miếng “thịt hổ” màu nâu, ăn vào thấy hơi dai, ngọt ngọt, lờ lợ và không còn độ giòn.
Ngoài ra, một số mặt hàng khác như kẹo nổ có vị ngọt, thơm vị dâu được tặng kèm theo một miếng xếp hình, khi ăn sẽ những tiếng nổ lụp bụp nhỏ khá lạ miệng. Tuy nhiên, nhiều gói kẹo nổ cũng đã bị chảy nước rất khó ăn.
Cá ướp cũng có gói nước rỉ ra, bốc mùi, có gói khô, ăn được thì lúc đầu có vị hơi cay cay pha lẫn ngọt, một lúc sau thì thấy đăng đắng. Còn mì cay lại được tẩm ướp gia vị khá thơm, ăn dai dai như ăn bọt biển….
Tan giờ học, dù phụ huynh tới đón nhưng nhiều trẻ vẫn thích thú với những món đồ ăn vặt, đồ chơi không có nguồn gốc. |
Bác Nguyễn Thị Vui – phụ huynh học sinh cho biết: “Thấy cháu nó thích ăn thì tôi mua thôi, giá cũng rẻ, có 2.000- 3.000 đồng. Còn an toàn hay không thì bác cũng chịu, bác thấy cháu nó ăn nhiều rồi, cũng chẳng đau bụng hay bị sao hết”.
Một phụ huynh khác lại chia sẻ rằng: "Chị cũng đã cấm không cho cháu ăn quà vặt ngoài cổng trường nhưng không hiểu vì sao thỉnh thoảng vẫn thấy vài túi trong cặp".
Những hình ảnh này không hiếm gặp tại các cổng trường giờ tan học |
Tuy nhiên, khi được hỏi chị có cho con mình ăn những loại bánh, kẹo “lạ” này không thì chị hạ nhỏ giọng: “Bán thì bán thôi chứ, chẳng biết người ta làm từ cái gì, ăn linh tinh xong mang vạ vào thân” .
Cô Nguyễn Thị Vân Anh, hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) cho rằng việc các em học sinh tiểu học ăn những món quà vặt không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, trẻ tiểu học là lứa tuổi đang phát triển nên rất cần được quan tâm khi sử dụng các loại thực phẩm.
Vì vậy, ban lãnh đạo nhà trường đã bố trí căng tin phục vụ việc ăn sáng của học sinh trong trường để phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý tốt hơn. Cha mẹ học sinh sẽ mua các tích kê có mệnh giá khác nhau để đưa cho các con mua những đồ ăn đảm bảo trong căng tin nhà trường.
Các đồ ăn trong căng tin không có hàng Trung Quốc mà chỉ có hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cam kết đảm bảo chất lượng.
Trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường luôn phổ biến các bậc phụ huynh không nên cho các con tiền để tiêu vặt. Nếu có trường hợp học sinh ăn quà vặt trước khu vực cổng trường, giáo viên tổng phụ trách sẽ nhắc nhở trên loa và trao đổi lại với phụ huynh học sinh.
Theo cô Vân Anh, việc học sinh ăn quà vặt không rõ nguồn gốc sẽ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và còn ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường do vỏ bánh, kẹo được vứt ra.
Chia sẻ về biện pháp giúp giảm thiểu việc học sinh ăn quà vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường, cô Vân Anh cho rằng: “Trước hết cha mẹ học sinh phải kiên quyết không cho học sinh tiền tiêu vặt. Không có tiền thì các con cũng không thể mua được quà vặt ngoài cổng trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo các phường có các trường tiểu học đóng trên địa bàn cần phải tăng cường kiểm tra vệ sinh [size=3]an toàn thực phẩm[/size] và kiên quyết xóa bỏ các hàng rong trước cổng trường”.
Lực lượng bảo vệ tại các trường học ngoài nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các em học sinh cũng cần phải tham gia vào việc ngăn cấm việc hàng rong tràn lan trước cổng trường.