Với mỗi người, thời học sinh là những hình ảnh rất khác nhau. Đó có thể là những trò nghịch dại vô tư, những hình bóng thân quen trong lớp học, những vết mực trên chiếc áo đồng phục hay mối tình đầu hồn nhiên. Đến khi tốt nghiệp và trưởng thành, những năm tháng ấy trở thành những ký ức mà mỗi lần nhắc lại đều gợi lên một nỗi nhớ da diết, cồn cào.
Hầu như ai cũng đều phải trải qua lứa tuổi học trò với bao ngô nghê, bồng bột. Đạo diễn người Đài Loan, Cửu Bá Đao, đã đưa những trải nghiệm của chính ông, nhưng cũng là của rất nhiều người, vào trong bộ phim You Are The Apple of My Eye - tác phẩm gây sốt màn ảnh Hoa ngữ năm ngoái.
Lấy bối cảnh ở Đài Loan vào năm 1994, You Are The Apple of My Eye (tên gốc là Những năm tháng ấy, cô gái mà chúng ta cùng theo đuổi) là câu chuyện về nhóm bạn thân gồm Kha Cảnh Đằng, Lão Tào, Bột Khởi, Cai Biên, A Hòa trong những năm tháng cấp ba cùng thích cô bạn cùng lớp xinh xắn và học giỏi - Thẩm Giai Nghi. Trong nhóm, Kha Cảnh Đằng là học sinh cá biệt và bị xếp lên ngồi phía trước Thẩm Giai Nghi để cô kèm cặp. Một hôm, Cảnh Đằng chịu phạt thay cho Giai Nghi và từ đó, cô nữ sinh ưu tú bắt đầu giúp đỡ chàng nam sinh cá biệt học hành tử tế hơn.
Các nhân vật chính của "You Are The Apple Of My Eye". |
Nội dung của You Are The Apple of My Eye khá đơn giản và tưởng như có thể thấy ở bất kỳ bộ phim tuổi teen nào khác. Trong suốt chiều dài phim cũng chẳng có cao trào nào lên tới đỉnh điểm để khiến người xem phải hồi hộp, băn khoăn. Đường dây câu chuyện cũng không có gì đặc biệt nhưng chính cách kể tinh tế của đạo diễn Cửu Bá Đao đã đánh thức những ký ức được lưu giữ trong tâm hồn mỗi người. Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện, tình tiết trong phim như khiến chúng ta nhớ lại chính mình ở những năm tháng xưa kia.
Vết mực trên áo, những cái ngáp trong giờ chào cờ dưới sân trường, những bài giảng đều đều, những câu chuyện ma nhảm nhí, những câu hỏi, thắc mắc ngây ngô, nụ cười trong veo của cô gái bàn dưới… tất cả đều giống như những trang nhật ký học trò đang được lật lại một cách từ từ khiến ta có cảm giác bồi hồi, xao xuyến. Giai đoạn cấp ba chỉ kéo dài 3 năm nhưng đó có thể coi là thời gian tuyệt vời nhất, ác mộng nhất, ngọt ngào nhất của bất kỳ ai. Nụ hôn đầu, mối tình trẻ con, những hành động điên rồ, ấu trĩ đều có thể xảy ra trong những năm tháng ấy.
Ai cũng có một thời tuổi trẻ trong trẻo, thơ ngây. |
Thời gian trong phim kéo dài từ năm 1994, khi các nhân vật học năm cuối trung học, tới năm 2005, khi tất cả đều trưởng thành. Từng chi tiết, bối cảnh đều được đạo diễn Cửu Bá Đao thực hiện rất chi tiết, tỉ mỉ. Ở thời điểm 2001, trong phân đoạn một nhân vật của nhóm 5 người đi du học, nếu người xem để ý kỹ sẽ thấy ở hậu cảnh có poster của các bộ phim thời kỳ này như Ngọa hổ tàng long, Trân Châu cảng hay Cối xay gió đỏ. Những tiểu tiết này đều góp phần làm nên sự tinh tế trong cách xây dựng của đạo diễn.
Ngoài ra, You Are The Apple of My Eye còn chân thực bởi những chi tiết lịch sử có thật được cài cắm vào phim như sự kiện nhóm nhạc Air Supply tới Đài Loan biểu diễn năm 1994 hay trận động đất kinh hoàng ở Đài Bắc vào ngày 21/9/1999. Không những vậy, đạo diễn Cửu Bá Đao còn hài hước nhắc tới những ngôi sao phim khiêu dâm Nhật Bản như là một phần ký ức của nhân vật Kha Cảnh Đằng - cũng là nguyên mẫu của chính ông.
Những vết mực lưu giữ trên chiếc áo trắng đồng phục. |
Tình cảm giữa Cảnh Đằng và Giai Nghi trong phim được khắc họa một cách trong trẻo, thô sơ, trong sáng và đẹp đẽ như chính lứa tuổi học trò. Mối tình đầu với nhiều bối rối, ngờ nghệch nhưng luôn để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Nó đến một cách tự nhiên, bất ngờ và trôi đi cũng thật chóng vánh để rồi khiến ta cứ phải đi tìm lại với bao tiếc nuối. Chỉ có tình yêu tuổi học trò mới tạo nên được những màn tỏ tình “đánh đố” nhưng lại mang nhiều ý nghĩa.
Câu “You Are The Apple of My Eye” mà Kha Cảnh Đằng dành cho Thẩm Giai Nghi được bắt nguồn từ đại văn hào Shakespeare. “Apple” ở đây có thể hiểu là “con ngươi” của đôi mắt và khi một người được ví như vậy thì có thể hiểu rằng lời tỏ tình này chính là một cách biểu đạt khác đi của câu nói truyền thống “I love you so much”.