Một người đàn ông khoảng 40 tuổi, gương mặt mệt mỏi cũng vừa chạy xe đến. Lấy sợi dây chuyền vàng đưa cho chủ tiệm, ông uể oải ký vào biên nhận rồi cầm xấp tiền mỏng mệnh giá 50.000 đồng bỏ vào túi rời tiệm.
Lâm, "cò" ôtô và là khách quen mặt tại tiệm này cho biết, các tay cá cược bóng đá thường chọn tiệm cầm đồ để cắm lại "hàng" cho nhanh và thuận tiện. Mức lãi suất ngày thường phổ biến 5-7%, nhưng vào mùa Euro hay World Cup sẽ tăng gấp 2-3 lần. Vì vậy, đa số tiệm đều ghi trong biên lai giao dịch "mức lãi suất thỏa thuận", không ghi con số cụ thể để dễ bắt chẹt khách cần tiền.
Tiệm cầm đồ luôn đông khách và mặt bằng kín mít không còn chỗ để chứa hàng thế chấp trong mùa Euro. Ảnh: H.C. |
"Bình thường mỗi ngày chỉ lác đác vài món hàng, thậm chí có ngày không có khách. Nhưng dịp Euro thì quá chừng người đem 'cắm' đồ, nhiều nhất là laptop và xe máy. Có ngày tôi nhận cầm đến cả ba chục cái, nhiều người còn mang cả giấy tờ nhà, đất ra thế chấp", chủ một tiệm cầm đồ trên đường Bắc Hải cho biết.
Chủ tiệm trên đường D1 tính toán khi vào vòng đấu loại trực tiếp thì lượng khách cầm đồ sẽ đông nhất. Bởi đó là thời điểm các trận đấu đang ít dần, những tay cá độ tranh thủ tận dụng cơ hội cuối để gỡ gạc. "Mấy vòng đầu người nằm kèo trên đều thua hết nên lượng xe cộ, đồ đạc mang đến tiệm khá nhiều. Mai mốt vào vòng trong không khí còn nóng hơn. Chắc chúng tôi phải xoay thêm tiền làm vốn. Cái nghề này chỉ trông vào mùa bóng đá thôi", ông chủ tiệm chia sẻ.
Ghi nhận của VnExpress.net, mới gần một tuần Euro diễn ra, hầu hết mặt bằng các tiệm cầm đồ kín chỗ để "hàng". Tiệm nào cũng cả chục xe máy từ tay ga đến xe số, chưa kể điện thoại và laptop trong tủ kính. Nhiều tiệm đã không còn mặt bằng để chứa đồ đã phải mướn thêm kho ở nhà lân cận. "Riêng trận Hà Lan thua Đan Mạch, tiệm chúng tôi đã bỏ ra ngót trăm triệu cho khách cầm đồ", bà chủ tiệm trên đường Cách Mạng Tháng Tám hồ hởi nói.
Đa số các tiệm vào thời điểm này hoạt động 24/24h để phục vụ khách hàng. 11h đêm 12/6, trước thời điểm trận Anh - Pháp diễn ra, các tiệm trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh vẫn khá đông khách hàng vào giao dịch.
Một địa điểm khá "nóng" trong mùa Euro này là khu làng ĐH Thủ Đức. Đây là điểm tiếp giáp giữa quận Thủ Đức (TP HCM) và tỉnh Bình Dương với hàng chục nghìn sinh viên đang sinh sống và học tập.
Chiều 12/6, vẻ mặt chán nản, nam sinh viên mang áo trường Khoa học Tự nhiên cùng người bạn chạy xe biển Bến Tre tấp vào tiệm cầm đồ gần trường. "Máy này cũ rồi, chắc giá 2 triệu, bảo đảm không có chỗ nào cầm hơn đâu. Mỗi ngày 12.000 đồng tiền lãi, một tháng không chuộc thì thanh lý", chủ tiệm giọng chắc nịch nói với cậu sinh viên.
Trong khi đợi viết biên nhận, chàng trai quay sang càm ràm với người bạn đi cùng: "Thằng Hà Lan năm nay đá như cám, không thì tao đâu có mất 5 chai, cầu cho nó bị loại luôn đi cho rồi. Tưởng ăn chắc ai ngờ… Giờ phải cắm cái laptop làm vốn gỡ rồi chuộc lại chứ biết sao bây giờ".
Một 'phố cầm đồ" trên đường Bắc Hải, quận 10, TP HCM. Ảnh: H.C. |
Thông thường, thẻ sinh viên có giá trị thế chấp 200.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, đối với sinh viên trường an ninh, cảnh sát thì giá cao hơn, có nơi cầm đến 2 triệu đồng bởi thẻ những trường này "giá trị" hơn, nếu bị nhà trường phát hiện sẽ bị kỷ luật rất nặng, thậm chí đuổi học. Vì thế những người dám mang thẻ đi thế chấp thường là cán bộ ở tỉnh được cử đi học chuyên tu.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP HCM có hơn 2.000 tiệm cầm đồ hợp pháp. Song, theo một cán bộ công an, vào mùa cao điểm bóng đá như Euro, World Cup… nhiều tiệm không phép cũng mọc lên theo kiểu thời vụ để tranh thủ "hốt bạc" vì nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, trên mạng cũng xuất hiện nhiều trang web cầm đồ online, tất cả đều quảng cáo "bảo đảm lãi suất thấp nhất, uy tín"… |