1. Bác sĩ ơi !Năm nay em 16 tuổi, nghe bạn bè nói con gái trong tuổi dậy thì bị con trai sờ vào ngực hay tự mình sờ thì ngực sẽ to lên như vậy có đúng không? Có bạn còn khẳng định quan trọng phải là bàn tay của con trai, vì thế có bạn xúi nên chịu thiệt một chút để “cải thiện” vòng 1. Bác sĩ giải thích giúp tụi em với, Ky Ky (Tiền Giang).
Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn:
Thật ra việc nhờ có “hơi trai” mà kích cỡ vòng 1 vượt lên chính mình là có cơ sở. Đơn giản, vào tuổi dậy thì, dưới sự hỗ trợ của các hormon, việc bạn gái tình ý hay đụng chạm cự ly gần với người khác phái sẽ tạo ra những cảm xúc giới tính, từ đây kích hoạt hoạt động của hormon và một trong những vị trí hưởng lợi thấy rõ từ sự hưng phấn này là nhũ hoa. Như vậy, cơ bản, “phép màu” đến từ tác động sinh lý chung chứ không riêng công trạng tay ải tay ai. Tuy vậy, quan trọng là mức “vượt lên” này rất khiêm tốn, kiểu muối bỏ bể hầu hết khó nhận ra bằng mắt thường. Do vậy, việc nhờ tay bạn trai mà kích cỡ vòng 1 của bạn gái thăng tiến kiểu “một trời một vực” chỉ là chuyện hoang đường. Đây là cảnh báo dành cho bạn gái tuổi teen dễ tin hay tệ hơn có ý là “hợp thức hóa” việc dễ dãi với bạn trai.
2. Em dậy thì lúc 12 tuổi, đến nay đã hai năm. Vòng 2 của em hơi to khiến em xấu hổ. Mẹ em bảo lớn lên nó sẽ nhỏ lại .Thưa bác sĩ, có đúng không ạ? Nguyên (Bình Thuận).
Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn:
Ở đây, cần nhận định chính xác vòng 2 hiện hữu của chúng ta là tổng của vòng eo tự nhiên + lớp mỡ bụng bao quanh. Cỡ bụng tự nhiên được cơ cấu từ trong bụng mẹ, cơ bản cấu thành từ cơ, xương, và tạng phủ bên trong. Vòng cơ bản này chỉ biến động theo độ tuổi và một ít do tập luyện nhưng chênh lệc không nhiều. Ngược lại, lớp đai mỡ bụng rất dễ biến động theo “thời cuộc” tùy mức thu chi năng lượng. Như vậy, việc hy vọng vòng hai nhỏ lại tùy thuộc vào cách chủ nhân xử lý “tham số” thứ hai, và giới hạn sẽ là vòng eo tự nhiên. Đây là việc cần dụng công, chẳng hạn quản lý ăn uống, siêng năng vận động, chứ không thể thụ đợi ngồi chờ lớn lên “bất chiến tự nhiên thành” được em ạ.
3. Em 20 tuổi, mặc dù không bị bệnh gì nhưng em không được khỏe. Em hay bị xây xẩm, nhức mỏi, uể oải, da khô, xanh xao, cảm giác da co rút khó chịu. Ngoài ra em còn hay bị mất tập trung, đầu óc lâng lâng. Em có đi khám thì kết quả sức khỏe bình thường. Bố mẹ cho là em bị thiếu chất nhưng em nghĩ không phải vậy vì em cũng chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân, chú ý ăn uống và tập thể dục thường xuyên. Em rất khổ tâm vì chuyện này ảnh hưởng nặng nề cuộc sống của em. Vì hay mệt mỏi nên em thường ù lì, cáu gắt, có lúc muốn buông xuôi. Nhiều người nói là do gen di truyền phải chấp nhận. Có lúc em nghĩ nếu được mạnh khỏe như bao người thì dù chỉ sống một thời gian ngắn ngủi em cũng chấp nhận. Em xin làm phiền bác sĩ tư vấn giúp em về vấn đề trên. Em xin chân thành cảm ơn. Xí Muội (Thủ Dầu Một, Bình Dương, 20 tuổi).
Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn:
Di truyền , nếu có, chỉ gánh trách nhiệm về dáng vẻ “mình hạc xương mai” của em, còn loạt rắc rối về sức khỏe, tinh thần em kể thì không đơn giản đổ tại trời. Đầu tiên là vấn đề dinh dưỡng, em không thể tự tin rằng mình có chú ý ăn uống là đủ, bởi có nhiều chất dinh dưỡng mà em không thể tự biết là thừa hay thiếu, nếu chỉ bồi bổ chung chung không giải quyết được vấn đề. Do vậy, việc đầu tiên là em cần gặp một chuyên gia dinh dưỡng, sau đó chắc là em phải thu xếp một chuyến khám bệnh quy mô và chuyên sâu hơn, chẳng hạn, nhân hè này lên Sài Gòn một chuyến thử xem. Tình trạng chẩn đoán (sơ sơ, chưa chuyên sâu) sức khỏe bình thường nhưng về nhà bệnh vẫn rề rề mãi sau này phước chủ may thầy dò ra đúng chứng bệnh nào đó thì bệnh trạng mới dứt. Tất nhiên, cũng có những căn bệnh dù biết nhưng cũng bó tay. Chẳng hạn, hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS): nạn nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, mất sức sống triền miên nhưng đi khám bệnh …nhẵn mặt các chuyên khoa, lục tung “lục phủ ngũ tạng”lên vẫn không tìm thấy căn nguyên (gần đây có ý quy thủ phạm là virus).
Theo Mực Tím