Teen “chơi” nhạc rác
Tại một bàn ở quán cafe trên đường BT (HN), 5-6 teen, cả gái, cả trai đang chụm đầu vào một chiếc “dế”. Những kiểu chuông điện thoại bắt đầu được chủ nhân của chú dế kia đem khoe, trước đó không quên “bồi” thêm: “Toàn hàng độc đấy, chúng mày nghe xong kiểu gì cũng lác mắt”, kèm theo đó là một tràng cười đầy khoái chí. Mặc dù quán khá đông, nhưng các cô cậu vẫn coi như “thế giới chỉ riêng mình ta”, và những đoạn nhạc được vang lên với volume hết công suất.
Đoạn đầu tiên là những tiếng xập xình, kèm theo đó là “hự hự hự”, nghe như… phim chưởng Hong Kong. Đang “cao trào” thì đùng một cái, lại chuyển sang những âm thanh não nuột không khác gì… nhạc đám ma, rồi cuối cùng xuất hiện một giọng ngáp ngáp, đúng chất ngái ngủ, từ ngữ thì đúng chất “rân chơi”: “Ấy da, bố cái thằng nào nó lại réo ông”. Tất cả mớ “hỗn độn” ấy được pha trộn lại, và được cậu bạn kia dùng làm nhạc chuông điện thoại, cũng là chuông độc mà cậu vừa kể.
Hình minh họa
Đó chỉ là một đoạn “nhẹ nhàng” nhất trong những file được lưu trong máy mà teenboy ấy đang “share” cho bạn bè mình cùng nhau “thưởng thức”. Những đoạn khác, âm thanh cũng chẳng kém phần hỗn độn, đủ thể loại nội dung, từ ngữ thì nhảm nhí, thậm chí chửi bậy tùm lum. “Sốc” hơn cả là lúc, cậu bạn nháy mắt đầy… bí hiểm: “Đố biết đây là nhạc gì”, sau đó vang lên những âm thanh mà người lớn cũng phải “đỏ mặt”: Những âm thanh không khác gì trong… phòng the, được “hoà” thêm với một bản nhạc sôi động khác để… đỡ lộ!
Nhạc rác không chỉ xuất hiện trong những kiểu chuông điện thoại, và nó còn được teen sử dụng với hàng tá những “công dụng” khác. Trong thời đại @, ghét nhau không phải là “kiềng” mặt nhau ra, hay ứ thèm chơi nữa, mà về sáng tác hẳn một đoạn rap… chửi nhau cực kì bài bản, rồi up lên blog cho ai “có tật thì giật mình”, thế mới là… “sành”.
Như trường hợp của B. ở lớp biệt danh là… “đầu to”, bị cậu bạn viết rap “kháy”: “Đồ đầu to nhưng… óc bằng quá nho”, cùng hàng loạt những câu khiếm nhã khác, dù chẳng có “tội tình” gì, nhưng cũng đành “ngậm tăm” khi cậu bạn kia thản nhiên: “Nhận vơ à, đầu to trên đời này thiếu gì”.
Chưa hết, với những chàng… thất tình, nhạc rác cũng là cách để “xả” bực mình. K, sau khi bị nàng cự tuyệt thẳng thừng, lại vớ ngay được đoạn nhạc chế hợp tâm trạng, cứ nghêu ngao… hát suốt ngày: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng… đen hôi, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng “éo” thành”…
Và teen cũng “sáng tác”, kinh doanh nhạc rác
Với những teen sành công nghệ như hiện nay, chẳng có gì khó khăn để tạo ra những đoạn nhạc rác như thế. “Tự mình “sáng tác”, thế mới “độc”, mới… hợp tâm trạng, chứ search trên mạng về nghe như dạo trước, không phải teen biết chơi – L, một teen chia sẻ. L cũng hớn hở khoe “thành tích”, mấy chục bản đủ nội dung mà cậu “sáng tác”, được bạn bè “xin” suốt. L còn sẵn sàng cho nghe thử một “tác phẩm” của cậu, nội dung đại khái là “tắm biển… đứt chun quần”, từ ngữ thì “thô” khỏi phải bàn!
Tất nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó, và vì vậy nên chuyện kinh doanh nhạc rác mới ra đời. “Nắm bắt” nhanh xu hướng, cậu bạn P khởi nghiệp bằng việc ngày ngày lang thang trên các forum, blog, cop những đoạn nhạc “hot” nhất hiện ngay, với những tit khá hút: “Chuyện tình… đồng giới”, hay “Nói xấu bồ cũ”…, rồi “cop thuê” vào điện thoại, mp3 cho bạn bè. Thấy kiếm khá, P mày mò tí công nghệ, rủ thêm cả một cậu bạn biết đọc rap, hát được giọng lèo nhèo buồn cười, thế là tha hồ “kiếm chác”. “Khách hàng” tìm đến nhờ “chế nhạc độc” nườm nượp.
Có những thể loại nhạc mà khi nghe xong, chúng ta cảm thấy mình “lùn” đi mấy bậc, vậy mà nó vẫn thản nhiên “sống chung” trong một cộng đồng teen như thế…