Chẳng biết Phở có tự bao giờ, chỉ biết rằng nó đã trở thành món ăn quen thuộc và yêu thích đối với người dân Hà Thành và du khách khi đặt chân tới nơi đây. Riêng với tôi, phở không đơn thuần là một món ăn khi đói lòng hay thỏa mãn sở thích, mà phở đã gắn với kỷ niệm tuổi thơ và chắp cánh cho ước mơ tôi…
Vào mùa đông năm ấy, chẳng nhớ tôi bị bệnh gì, chỉ mang máng rằng bác sỹ ở cái bệnh viện tồi tàn nơi quê nghèo khuyên gia đình nên đưa tôi ra Hà Nội để khám. Tuy trong người đang mệt mỏi nhưng tôi háo hức được ra Thủ đô lắm! Bởi đó là cả một niềm mơ ước của trẻ con xóm nghèo chúng tôi và vì theo lời kể của Nga (con ông chủ tịch xã học cùng lớp với tôi) thì Hà Nội to, đẹp, có nhiều nhà cao tầng, có lăng Bác Hồ, vườn Bách Thảo, công viên Thủ Lệ, Hồ Gươm…Và đặc biệt nó được ăn cái món người ta gọi là Phở Hà Nội “ngon cực kỳ” mà “cả đời chúng mày sẽ chẳng được ăn”.
Thứ nước dùng nhìn trong leo lẻo sao húp vào lại ngọt đến thế!
Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác háo hức chờ đến ngày được đi khám bệnh. Thực chất trong suy nghĩ của một đứa con nít nhà nghèo như tôi chỉ mong ra Thủ đô để được ăn cái món “ngon cực kỳ ” ấy rồi về khoe bạn bè như cái Nga mà thôi. Tôi đâu biết rằng, để chuẩn bị cho chuyến đi ấy, cha mẹ tôi phải chạy vạy, vay mượn và bán cả một sào lúa non.
May mắn thay tôi không phải nằm viện mà chỉ cần mua thuốc về nhà uống. Cha mừng đến nỗi định dẫn tôi ra ngay bến xe cho kịp về trong ngày. Riêng tôi thì buồn lắm vì vẫn chưa được ăn cái món mà trong suốt thời gian qua mơ ước. Ra ngoài cổng viện, mắt tôi chợt sáng ra khi nhìn thấy một cái bảng treo với dòng chữ PHỞ HÀ NỘI. Tôi níu tay cha, mắt dán vào quán phở và miệng nuốt nước bọt ừng ực. Như hiểu được sự thèm thuồng của con, sau một phút chần chừ cha quyết định dẫn tôi vào quán.
Màu sắc trong bát phở cũng thật thích mắt. Màu trắng của sợi phở, màu đỏ của ớt tươi, màu xanh của hành hoa thái nhỏ, màu nâu nâu của những miếng thịt bò..
Cái quán nhỏ tí tẹo bằng một góc vườn nhà tôi vậy mà cơ man nào là người. Trẻ con, người lớn đều có cả. Có những người ăn mặc rất đẹp và lịch sự, nhưng cũng có những người lấm lem như cha mẹ tôi ở quê. Ai cũng mải mê với cái bát to trước mặt mà chẳng thèm chú ý đến sự xuất hiện của cha con tôi. Sau một hồi chờ đợi, bát phở nóng hổi cũng được đặt trước mặt, tôi ngây thơ hỏi cha sao chỉ có một bát? Cha nói rằng, ông bị dị ứng với phở và lôi chiếc bánh mỳ mua từ sáng chưa kịp ăn vì phải đưa tôi đi khám. Tôi vui vẻ ăn cái niềm mơ ước của mình, còn cha cũng vui vẻ nhai cái bánh mỳ vừa khô vừa cứng.
Thật là chưa bao giờ tôi được ăn cái món nào ngon như thế! Có lẽ cả đời tôi cũng không sao quên được. Cái thứ nước dùng nhìn trong leo lẻo sao húp vào lại ngọt thế! Sợi phở thì trắng như chòm râu của ông ngoại tôi, ăn vào thì vừa dai, vừa dẻo, vừa thơm. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi được ăn những miếng thịt mà người ta gọi đó là thịt bò. Màu sắc trong bát phở cũng thật là thích mắt. Màu trắng của sợi phở, màu đỏ của ớt tươi, màu xanh của hành hoa thái nhỏ, màu nâu nâu của những miếng thịt bò..
Cái vị ngon, ngọt của bát phở ngày ấy đến bây giờ tôi cũng chẳng biết phải tả như thế nào nữa. Tôi ăn đến cái bát trống trơn không còn gì mà miệng vẫn thòm thèm. Tôi cảm thấy đắc ý và khoái chí. Bạn bè tôi sẽ thèm nhỏ dãi khi nghe tôi kể về món phở ngon như thế nào. Cái Nga chắc sẽ không còn vênh mặt khi nhắc đến Phở Hà Nội với tôi. Và tôi cũng sẽ nói với nó về cái dự “sau này sẽ ra Hà Nội để được thường xuyên ăn phở”. Khi ấy tôi chỉ tiếc rằng, tại sao cha lại bị dị ứng với cái món ngon tuyệt cú mèo này.
Khi ấy tôi chỉ tiếc rằng, tại sao cha lại bị dị ứng với cái món ngon tuyệt cú mèo này.
Dư vị của bát Phở ngày nào cứ đeo đuổi và là động lực cho tôi trong sự nghiệp học hành. Tôi cố gắng phấn đấu để thỏa mãn ước muốn trong cái đầu non nớt sau lần đi khám bệnh đó. Lưng của mẹ tôi còng thêm và tóc của cha tôi lại thêm mấy phần bạc khi lo cho tôi ăn học. Tôi biết thế và càng cố gắng hơn…
Năm tháng dần qua, dự định của tuổi thơ tôi cũng đã phần nào thực hiện và đến lúc này tôi cũng mới biết được rằng cha tôi không hề dị ứng với phở… Giờ đây mỗi lần nhớ nhà, nhớ cha giữa Thủ đô rộng lớn tôi lại bước chân vào một quán phở nào đó và mỗi khi bưng bát phở lên tôi lại thấy sống mũi mình cay cay…
Cái món “ngon cực kỳ” ấy bây giờ không chỉ Thủ đô mới có mà ngay cả cái xóm nghèo quê tôi cũng đã mọc lên những quán Phở. Tuy nhiên, để tìm được cái hương vị của bát phở ngày xưa thật không dễ chút nào. Cái bát phở chất chứa cả ước muốn của tuổi thơ và in sâu hình ảnh người cha lam lũ bên chiếc bánh mỳ ngày ấy…
[/justify]
Theo Minh Hảo (TTVN - aFamily)