Thảm cảnh đau lòng này không chỉ đặt ra vấn đề đạo lý trong gia đình này bị suy đồi. Người ta còn băn khoăn với tương lai của những đứa trẻ tuy có chung một ông bố nhưng xét về quan hệ đằng ngoại thì người bà vừa là… mẹ kế, cũng như “dì ghẻ” cũng “kiêm nhiệm”… chị ruột. Vụ việc vô luân này xảy ra tại xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Trai tân kết đôi cùng bà nạ dòng
Trà Giác là một xã nằm heo hút, sâu trong tận cùng của huyện miền núi Bắc Trà My, nơi có cuộc sống xen lẫn giữa tộc bào Ca dong, Cơ Tu và một phần người Kinh. Mùa mưa, đường vào Trà Giác gần như bị chia cắt bởi con suối lớn bắc N.ng, lại thêm lầy lội. Thế nhưng, chỉ mới đến đầu xã, chúng tôi chẳng mấy khó khăn để hỏi thăm nhà bà Huỳnh Thị N. (55 tuổi). “Ở đây người ta vẫn gọi bà ấy là bà Nghị, người phụ nữ đẹp so với lứa tuổi trung niên, giỏi tính toán trong làm ăn và đang là chổ dựa của tám đứa con và chồng”, một cán bộ Hội phụ nữ dẫn đường cho biết.
Quả đúng như lời giới thiệu, bà N. có khuôn mặt trẻ hơn rất nhiều so với tuổi và khá lanh lẹ trong giao tiếp. Ban đầu, bà không vồn vã khi nói về gia đình mình, chỉ “khoe” sơ qua về những khoản tiền mình có được từ đền bù đất đai khi tuyến đường Đông Trường Sơn đang chạy qua địa phương. Mãi một lúc sau, từ chổ “chị em phụ nữ với nhau” lại “được lời như cởi tấm lòng”, bà mới bắt đầu tỉ tê về một quảng thời gian đau khổ xen lẫn nhục nhã của mình.
Khoảng 20 năm về trước, khi ấy N. đã qua một đời chồng, đang một nách nuôi bốn đứa con ăn học, kinh tế quá khó khăn nên mới một thân một mình từ vùng biển Tam Thanh (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) lặn lội lên Trà My buôn bán làm ăn. Ở giữa nơi núi rừng hiểm trở, lại thân gái dặm trường cô độc nhưng người phụ nữ này đã biết phát huy lợi thế tảo tần, nhanh nhẹn. Chẳng mấy chốc cô đã tạo dựng được cho mình một cửa hàng bán buôn tạp hóa lớn, ngoài ra còn khai hoang thêm nhiều ruộng đất.
Lúc ấy, chàng trai người Ca Dong 18 tuổi Đinh Hồng Quang thường hay đến mua hàng hóa của bà, thấy “chị N.” cô độc một mình mà lại giỏi giang nên đem lòng thương nhớ. Rồi cũng không biết N. có ma lực gì mà chỉ một thời gian ngắn sau anh thanh niên Quang đã bỏ quên cô bạn gái sắp cưới từng chia ngọt sẻ bùi bên nương rẫy để về sống chung với N., dù nếu xét ra “nàng” hơn “chàng” những… gần 20 tuổi. N. khi ấy vốn đã qua một đời chồng, còn phía Quang thì bị gia đình phản đối kịch liệt, nên cả hai chẳng thể được chấp nhận cho cưới xin đàng hoàng. Thế nhưng mối tình “trai tân- gái nạ dòng” này vẫn khăng khít, họ vẫn yêu rồi quyết định về ở với nhau và sau sáu năm hai đứa con lần lượt ra đời.
Luẩn quẩn mối quan hệ vô luân
10 năm tiếp theo sau đó, khi hai bên đã chung chăn gối, hiểu cặn kẽ về nhau, thấy đang đà làm ăn dễ dàng mà mình phải nuôi con nhỏ nên bà N. mới trình bày với chồng là mong muốn về quê dẫn bé Nguyễn Thị H. đứa con gái riêng lúc đó mới 16 tuổi lên để cùng phụ mẹ và dượng buôn bán. Thế nhưng, mới ở với mẹ và bố dượng được ba tháng, phụ việc buôn bán cũng chưa quen biết ai nhiều nhưng không hiểu sao H. đã có thai. Tra hỏi mãi, cuối cùng “tác giả” của bào thai đứng ra nhận không ai khác chính là bố dượng.
“Ban đầu tôi giận run người, nhưng nói ghen tuông vì yêu đương, vì bị “giựt chồng” thì không đúng, bởi nó là con ruột tôi, lại còn nhỏ dại. Đến khi ngẫm ra, tôi đã quay sang chửi bới chồng thậm tệ. Nhưng không hiểu “bùa mê thuốc lú thế nào”, con H. khi ấy cứ đòi bám lấy ông Quang như thể là “yêu lắm”, thậm chí nó còn không cần biết ông ấy lúc đó chính là chồng của mẹ mình.”, bà N. kể lại. Tức tối, bà N. đã đuổi H. ra khỏi nhà, bắt lên rẫy xa mà dựng chòi ở. Thời gian sau, H. sinh nở, lúc này nghĩ lại thấy thương con lỡ dại; còn chồng mình thì đang tuổi thanh niên, chẳng thể trách được cám dỗ trước cô con gái xinh đẹp, phổng phao như H. nên bà thuận ý cho con gái ôm con về ở chung với mình thành một đại gia đình.
Thế nhưng oái ăm hơn, những tưởng một lần “lầm lỡ” rồi thôi, ai ngờ chín tháng sau H. lại tiếp tục có thai với dượng lần nữa. Lúc này, bà N. gần như thấy “hết tình nghĩa mẹ con, vợ chồng”, bà chửi bới nhiếc móc H. lẫn ông Quang suốt ngày. Rồi cô con gái cũng không chịu được tủi cực, đành phải bụng mang dạ chửa, vượt núi qua vùng xã kế bên nấu cơm thuê cho công nhân. Đến ngày chuẩn bị sinh nở, H. mới quay về đại gia đình để tìm chỗ bấu víu và đối diện với bà N. cũng sắp cho ra đời đứa con thứ 3. Cả xã Trà Giác khi ấy, ai cũng ngại ngùng khi đối mặt và nói về chuyện “2 mẹ con bà N. cùng sinh một năm cho cùng một người “chồng””.
Đổ lỗi cho… bùa mê thuốc lú
Ngôi nhà khang trang tại thôn 1 Trà Giác, bà N. chọn để dành riêng cho hai đứa cháu ngoại (nay bà đã nhận chúng làm con), còn vợ chồng bà thì ở lại trên quầy tạp hóa buôn bán cách đó khoảng hơn một km cùng với đứa con út. Thế nhưng, dù có cố gắng tách ra thì những đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau này vẫn học chung một trường và điều đặc biệt, số phận đã buộc chúng phải gọi nhau là anh chị em.
“Bà có cho tụi nhỏ biết chuyện hay không?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Bà N. ậm ừ: “Tôi làm vậy là vì tương lai của con H.”. Rồi bà kể tiếp câu chuyện, H. với chồng bà vẫn chưa dừng lại ở đứa con thứ hai, mà sau đó cặp đôi này tiếp tục lén lút quan hệ. Đến khoảng giữa năm 2004, khi thấy H. lại có thai đứa thứ 3 với cha dượng, làng xóm lúc này cũng “lời ra tiếng vào”, chê cười nhiều quá, nên bà mới khuyên H. nên về quê phá thai rồi hãy lên lại ở đây.
Trong quãng thời gian tiếp tục sống chung, kinh nghiệm ở miền sơn cước này đã cho bà nhận định: chắc chắn con H. bị ông Quang bỏ ngãi yêu!. Rồi bà vứt hết công bỏ việc, lên tận trên vùng núi cao, tìm các già làng, trưởng bản để học hỏi cách giải bùa. Nhưng theo lời bà N. kể, khi ấy già làng cũng đành bó tay bởi “tìm cho được người cho bùa mới mong xin giải”, nhưng tra hỏi ông Quang, có cạy răng cũng không nói nửa lời. Bất lực, bà xuống lại Trà Giác tìm thầy cúng, thậm chí, bà bỏ ra hàng chục triệu đồng chỉ để nhờ thầy cúng làm thế nào đó, miễn sao cho ông Quang “khai” ra nơi xin ngải yêu.
Mặt khác bà thuê người tìm mối đưa H. vào Nam sinh sống, coi như “đoạn tuyệt” luôn với quá khứ lỗi lầm kèm lời khuyên giải “hai mẹ con không thể có chung một chồng, hãy để mấy đứa nhỏ lại cho bà nuôi”. Đến nay, cũng theo lời bà N., H. hiện tại đã có chồng con và đang sinh sống trong thành phố Hồ Chí Minh. Bà cũng không mong muốn con gái bà một lần quay lại thăm các con, thăm mẹ nữa mà hãy cứ coi như H. chưa từng lên hay biết đến nơi này.
Tội đồ trong vụ việc này phải là ông Quang, nhưng vốn là người ít học, ít hiểu biết pháp luật nên suốt ngày chỉ… cười trừ. “Mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, giờ thì tôi phải hướng cả nhà nhìn về tương lai mà sống”, bà N. tâm tình. Còn nói như bà Nguyễn Thị Minh Lành, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Trà Giác: “Bây giờ dư luận đang quan tâm là hai đứa con của H. sống chung với “cha và bà ngoại” sẽ có thể ít nhiều nảy sinh những hệ lụy. Nhưng vụ việc đã vượt quá tầm tay, xã cũng coi hai đứa trẻ này thuộc diện mồ côi, nếu phần bà N. không lo được, xã sẽ có hướng tìm tổ chức để nhận nuôi”.