Tuy nhiên, con nhện đã bị chết ngay sau đó do bị ong đốt. Chiều dài toàn thân của con nhện này khoảng 6cm, chiều rộng thân khoảng 3cm, trọng lượng khoảng 6 gam, miệng rộng có 2 răng cửa lớn kích thước 10mm. Đặc biệt, ở phía trên phần lưng con nhện có màu xám đậm, lông nhọn tua tủa, dưới bụng màu đen tuyền, có 10 chân, mỗi chân 5 đốt (chân dài nhất 8cm, ngắn nhất 3cm).

Ông Hạnh cho biết, đây là con nhện lớn nhất mà Hà Tĩnh phát hiện được từ trước tới nay. Con nhện này có thể thuộc họ TARANTULA, một trong những loài nhện lớn, có nọc độc, lông lá nhất thế giới và chúng có thể đạt đến độ dài trên 10cm khi trưởng thành, tuổi thọ từ 6-7 năm. “Rất có khả năng trong rừng còn nhiều cá thể nhện khổng lồ khác chứ không phải chỉ có một cá thể. Sắp tới, bảo tàng Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các chuyên gia nước ngoài khảo sát và thu thập mẫu vật để trưng bày ở bảo tàng” ông Hạnh nói.
TS Phạm Đình Sắc, Trưởng phòng Sinh thái và môi trường đất, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cho rằng, hiện nay ở Việt Nam có 2 loài nhện độc đã được phát hiện và mô tả. Một loài là nhện hổ đất vàng, một loài là nhện hổ đất đen. “Con nhện mà người dân Hà Tĩnh bắt được thuộc loài nhện hổ đất vàng, chủ yếu có mặt ở miền Bắc” TS Sắc nhấn mạnh.
Theo TS Sắc, nhện hổ đất rất hung dữ và có nọc độc. Nó sẵn sàng tấn công con người và động vật (kể cả các loài động vật lớn như trâu, bò, ngựa…) nếu bị đe dọa. Đã có nhiều động vật bị chết do nọc độc của loài nhện này. Tại Trung Quốc, một em bé đã qua đời do bị loài nhện độc này tấn công khi đang bò ở trong vườn.
“Với liều lượng 0,5 mg/kg, nọc độc của nhện có thể gây tê liệt và làm ngưng hoạt động hô hấp của chuột. Tuy nhiên, có thể sử dụng các chất từ nọc của nhện để làm thuốc gây tê hay chữa một số bệnh liên quan đến thần kinh trong y học” TS Sắc cho biết.