Tin tức - pháp luật 2009-05-15 03:17:26

Pháp luật: Tội lỗi của thiếu niên mồ côi


“Bị cáo không muốn giết người mà chỉ muốn đâm vào tay, chân cho anh ấy sợ. Bị cáo muốn anh ấy biết, đừng thấy bị cáo không cha, không mẹ mà cứ ăn hiếp hoài…”…









Đây đã là lần thứ ba Tất Vỹ Nhân lặp lại câu nói đó với vẻ đầy tuyệt vọng bởi cậu trai 17 tuổi này dường như không tìm được sự thông cảm của những người ngồi xét xử. Mà cũng có thể, qua những lời phân tích của vị thẩm phán, cậu đã hiểu ra hành vi phạm tội nghiêm trọng mình đã gây ra trong cơn say rượu.

Theo cáo trạng, chiều tối 20/1/2007, Nhân ngồi lai rai với vài người bạn gần nhà thì Vương Trọng Nhàn đến gọi một người trong nhóm ra nói chuyện. Do không thích anh Nhàn nên khi nghe anh này nói to, Nhân lên tiếng chửi. Đến đêm, Nhân rủ bạn đến nơi khác tiếp tục nhậu. Thấy anh Nhàn đang giữ xe cho một đám ma gần đấy, Nhân vào kiếm chuyện gây sự nhưng được mọi người can ngăn.

Vẫn còn ấm ức, thiếu niên này về nhà lấy dao dắt vào người rồi quay lại tìm “đối thủ”. Bị Nhàn tát, Nhân rút hung khí đâm một nhát thấu bụng anh này rồi bỏ trốn. Được đưa đi cấp cứu kịp thời nên nạn nhân chỉ bị thương tật 35%. Cuối tháng 9/2008, Nhân bị bắt. Và tại phiên tòa này, anh Nhàn yêu cầu Nhân phải bồi thường 20 triệu đồng tiền điều trị vết thương.

“Bị cáo không được đi học và cũng chưa bao giờ được đi chơi như những đứa trẻ khác… Anh Nhàn thường hay dè bỉu bị cáo là thứ không cha, không mẹ… Tức lắm…”, giọng Nhân khẩn khoản.




Nhân đã sớm nhận ra sự khác biệt với các bạn cùng trang lứa khi không cha, không mẹ. Ảnh: Vũ Mai.


Được mời lên thẩm vấn nhưng không đủ sức để trình bày, bà nội của Nhân đành ủy quyền cho con gái. Vừa đỡ mẹ ngồi xuống, người cô nghẹn ngào cho biết, mẹ Nhân chết vì bệnh lao khi mới sinh cậu được 2 tháng.

Còn cha Nhân sau đó cũng cưới vợ khác rồi sinh nghiện ngập nên ít quan tâm tới đứa con trai. Thương cháu côi cút, cô mang về nuôi cùng với mẹ già. Tuy nhiên, vì phải bươn chải kiếm sống nên cô không có thời gian chăm sóc hay dạy bảo cậu bé. Mọi việc, cô phó mặc cho người mẹ già đau yếu.

“Thương cháu lắm nhưng tôi chỉ có thể gửi tiền nuôi nó. Tôi cũng có gia đình riêng và các con cũng còn rất nhỏ dại. Học đến lớp 5 thì nó phải nghỉ để đi làm kiếm thêm tiền phụ giúp bà nội. Bây giờ mọi chuyện đã thế rồi, gia đình tôi xin có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân một phần.

Chứ bắt đền cả 20 triệu đồng tôi biết lấy đâu ra? Không lẽ tôi phải đi móc túi hay cướp giật để lấy tiền đưa cho họ sao…?”, người cô tấm tức cúi đầu nói.

Ngay lập tức, vị chủ tọa lớn tiếng cắt ngang: “Gia đình phải có trách nhiệm vì bị cáo còn chưa thành niên. Chỉ nuôi cái ăn không thôi là chưa đủ mà phải dạy dỗ, hướng bị cáo đi vào con đường đúng đắn. Nếu gia đình khó khăn thì xin thi hành án làm nhiều lần. Đằng này, chị lại nói là phải móc túi hay ăn cướp để lấy tiền đền cho người ta là không được. Những lời nói này sẽ ăn sâu vào trí não của bị cáo trong suốt thời gian bị giam giữ thì làm sao bị cáo có thể sửa đổi và sống tốt được”.

Trước vành móng ngựa, Nhân co người trên băng ghế. Dưới khán phòng, bà lão buông tiếng thở dài, gục hẳn vào vách tường. Gương mặt nhăn nhúm và khóe mắt mờ đục của bà loang loáng nước.

Giờ nghị án, còn lại một mình giữa căn phòng xử án rộng lớn, Nhân loay hoay mãi trong chiếc còng số 8 siết chặt tay. Chậm rãi quẹt những giọt mồ hôi đang đua nhau chảy nhễ nhại xuống má, Nhân nói về tuổi thơ của mình bằng một giọng nghèn nghẹn.

Ngày còn đi học, thấy các bạn được cha mẹ đưa đón, dỗ giành, Nhân đã sớm nhận ra sự khác biệt về thân phận của nó. Nó thường thèm thuồng đứng nhìn bọn bạn trong xóm, được cha mẹ chở đi chơi trong những ngày lễ, tết. Lớn lên chút, nó biết né tránh những cái nhìn đầy vẻ thương hại hay xoi mói của những người xung quanh dành cho mình. Vì gia cảnh nghèo khó, nó đi làm phụ hồ nay đây mai đó, ít khi về nhà bà nội.

Trước ngày xảy ra sự việc, giữa Nhân và Nhàn đã có xích mích. Chuyện cũng chẳng có gì to tát nhưng nó rất ức vì anh này thường chửi nó là đồ “không cha, không mẹ”.

“Thấy anh ta, em chỉ muốn tới yêu cầu không được chửi em như thế. Khi về nhà lấy dao, em cố tình dắt vào lưng quần cho anh ấy thấy mà sợ nhưng ảnh còn đánh vào mặt em và thách thức. Em say quá, không kìm chế được nên đâm đại một cái không biết là trúng đâu. Giờ ra đây mới biết vết thương nặng như thế”. Nhân thở dài buồn bã, quay lưng kiếm tìm bóng dáng người thân nhưng tuyệt nhiên không thấy. Nó không biết rằng, bà nội của nó đang gục xuống gốc đa cổ thụ nơi cuối dãy hành lang phòng xử thở dốc vì căn bệnh tiểu đường đã trở nặng.

“Từ lúc xảy ra chuyện nó trốn đi biệt tích. Đến lúc biết cháu mình bị bắt giam, tôi cũng không thể vào thăm nó được vì không cùng hộ khẩu. Gia đình tôi phải đi tìm người dì của nó, nhờ bà ấy vào thăm vì nó mang họ mẹ, cùng họ với bà ấy nên người ta tin mà cho gặp mặt. Tôi thương nó lắm nhưng lực bất tòng tâm mất rồi…”, bà lão cất giọng mệt mỏi, đứt quãng nói.

Ngày 8/5, TAND TP HCM tuyên phạt Tất Vỹ Nhân mức án 5 năm tù về tội “giết người”.

Phiên tòa kết thúc, Nhân cất tiếng gọi “bà ơi…” nhưng chiếc xe bít bùng đã lao vút đi. Đu mình nhìn qua chắn song sắt nhỏ xíu, Nhân cố nhìn cái dáng xiêu vẹo của bà nội nhỏ dần, mất hút…

Theo VnExpress


Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)