Từ trước đến nay, Yamaha vốn được biết đến như một nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới với dòng sản phẩm khá đa dạng, từ môtô, xe địa hình, thuyền, động cơ tàu thủy và ôtô, xuồng máy cao tốc cũng như xe trượt tuyết. Lịch sử phát triển của hãng Yamaha bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước. Được thành lập vào năm 1887, Yamaha ban đầu chỉ sản xuất piano và đàn đạp hơi. Nguồn gốc là một nhà sản xuất nhạc cụ của Yamaha đến nay vẫn được thể hiện trên logo hiện hành với hình 3 chiếc âm thoa. Đến năm 1921, Yamaha mới bắt đầu sản xuất chân vịt và động cơ đốt trong cho máy bay chiến đấu. Đây cũng là tiền đề để hãng Yamaha tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất môtô và thuyền máy.
Trong suốt Thế chiến thứ 2, các nhà máy của Yamaha bị tàn phá nặng nề nhưng lại mang đến cơ hội để hãng hiện đại hóa cơ sở sản xuất. Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành luyện kim, hãng Yamaha đã quyết định tận dụng các nhà máy để sản xuất môtô. Mẫu xế nổ đầu tiên của Yamaha được ra đời vào tháng 2/1955 và ngay lập tức giành chiến thắng khi lần đầu tiên tham gia một giải đua.
Vào năm 1967, Yamaha tham gia thị trường xe hơi bằng cách sản xuất động cơ cho Toyota. Vào thời điểm đó, Toyota 2000GT được nhiều người coi là mẫu siêu xe đầu tiên của Nhật Bản. Dù gắn mác Toyota nhưng mẫu xe sản xuất với số lượng có hạn lại phần lớn được sản xuất dưới tay Yamaha. Đến năm 1984, Yamaha bắt đầu chuyển sang phát triển và sản xuất động cơ cho hãng Ford. Thêm vào đó, Yamaha còn chen chân vào làng đua xe Công thức 1 kể từ năm 1989.
Nhìn chung, thành tích của Yamaha trong giải đua F1 không mấy khả quan. Thậm chí, trong năm 1989, đội West Zakspeed do Yamaha tài trợ chỉ đủ điều kiện tham gia đúng 2/16 vòng đua. Thành tích quá kém cỏi đã khiến West Zakspeed tự mình rút lui khỏi giải đua F1 vào cuối năm đó. Đến mùa giải năm 1991, Yamaha trở lại làng đua F1 với khối động cơ V12, dung tích 3,5 lít hoàn toàn mới. Đây cũng là nền tảng để hình thành mẫu xe thể thao của Yamaha.
Để hỗ trợ dự án F1, Yamaha đã thành lập hẳn một công ty đặc biệt mang tên Ypsilon Technology chuyên sản xuất động cơ. Đặt trụ sở tại Anh, hãng Ypsilon Technology nắm trong tay nhà máy sản xuất đủ lớn để lắp ráp siêu xe.
Từ vài năm trước đó, Yamaha đã bắt đầu "thai nghén" ý tưởng tham gia phân khúc siêu xe thế giới nhưng chưa tìm được đối tác thích hợp có thể giúp họ thực hiện tham vọng. Ban đầu, một công ty của Đức đã thiết kế và sản xuất nguyên mẫu siêu xe cho Yamaha nhưng không gây được ấn tượng với nhãn hiệu Nhật Bản. Bản thân Yamaha muốn chế tạo một mẫu xe thật khác biệt so với dòng xế thể thao có mặt trên thị trường thời đó. Vì thế, Yamaha đã liên lạc với IAD, một hãng chuyên tư vấn thiết kế và kỹ thuật cho ngành công nghiệp môtô tại Anh.
Sau 12 tháng đầu tư cho dự án, IAD đã hoàn thành nguyên mẫu ban đầu của siêu xe Yamaha. Tuy nhiên, hãng IAD chỉ cung cấp cho nguyên mẫu không gian nội thất 1 chỗ ngồi. Trong khi đó, Yamaha muốn một mẫu siêu xe 2 chỗ sao cho có 1 hành khách ngồi phía sau người lái đúng như kinh nghiệm bao nhiêu năm trong ngành sản xuất môtô.
Đến năm 1992, siêu xe Yamaha OX99-11 chính thức được ra đời. Toàn bộ bản concept Yamaha OX99-11 đều được phát triển dựa trên quan điểm mang đến những trải nghiệm như xe đua thuần túy. Có thể thấy rõ điều đó thông qua thiết kế ngoại thất và thông số kỹ thuật của Yamaha OX99-11. Được trang bị khung gầm bằng sợi carbon và khối động cơ V12, dung tích 3,5 lít với 5 van/xylanh lấy từ dự án F1, Yamaha OX99-11 có thể sản sinh công suất 400 mã lực tại 10.000 vòng/phút.
Nhờ đó, Yamaha OX99-11 có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong 3,2 giây trước khi đạt vận tốc tối đa 350 km/h. Năng lượng được truyền tới cầu sau thông qua hộp số sàn 6 cấp. Toàn bộ phần thân vỏ làm từ nhôm đều được chế tạo bằng tay. Phần trần xe trên khoang lái có thể được mở ra thông qua một cánh cửa mang phong cách "cánh chim".
Tiếc thay, chỉ có đúng 3 chiếc Yamaha OX99-11 được sản xuất. Trong đó, 1 chiếc không được sơn màu để dùng thử nghiệm. Hai chiếc còn lại khoác "bộ cánh" màu đen và đỏ để giới thiệu với báo giới. Khi cánh báo chí có cơ hội mục sở thị mẫu OX99-11 cũng là lúc Yamaha và IAD có bất đồng về mặt tài chính. Sau đó, Yamaha không tiếp tục hợp tác với IAD mà đưa dự án cho hãng Ypsilon Technology. Tuy nhiên, Ypsilon Technology không có đủ thời gian để phát triển thêm mẫu siêu xe Yamaha. Cùng lúc đó, do nền kinh tế bị suy thoái nên Yamaha kết luận không có khả năng tìm thấy khách hàng cho mẫu siêu xe 800.000 USD của mình.
Kể từ đó, dự án sản xuất siêu xe của Yamaha liên tục bị trì hoãn. Vào năm 1994, Yamaha hứa hẹn sẽ mang OX99-11 trở lại khi nền kinh tế cho phép. Tuy nhiên, đến tận ngày nay, OX99-11 vẫn chưa bao giờ có cơ hội được lăn bánh trên đường phố. Có thể nói, đây là mẫu siêu xe 4 bánh đầu tiên và dường như cũng là cuối cùng của Yamaha.
Một số hình ảnh của Yamaha OX99-11: