Từ bóng bàn cho tới bắn súng, lặn và bơi lội, các Huy chương vàng đang thi nhau đổ về tay Trung Quốc và hàng trăm triệu người dân nước này đã dán mắt lên tivi để xem các buổi tường thuật nội dung thi đấu Thế vận hội phát trên truyền hình quốc gia.
Cơ hội phô trương hình ảnh
“Cứ mỗi Huy chương vàng Trung Quốc thu được, tôi lại thấy con tim mình bay lên” - doanh nhân Huang Weiwei nói khi cô ăn trưa tại một cửa hàng ăn nhanh ở Bắc Kinh, mắt không rời khỏi chiếc tivi tinh thể lỏng gắn trên tường đang phát nội dung Olympic. Trung Quốc hiện đứng thứ hai trong bảng tổng sắp huy chương và chỉ xếp sau Mỹ, với 20 Huy chương vàng, 13 bạc và 9 đồng. Họ vẫn còn rất nhiều cơ hội “gặt vàng” khi Olympic vẫn chưa kết thúc.
Sau khi rời nơi bán hàng ở quận thời trang Sanlitun, Huang, 26 tuổi, đã ăn tối rồi ngồi lì ở nhà để xem Olympic cho tới tận nửa đêm. Cô chỉ có thể xem vài môn thi đấu trực tiếp do tình trạng lệch múi giờ. Nhưng điều này không ngăn đài truyền hình trung ương liên tục phát các chương trình liên quan tới Olympic.
Một trong những bức ảnh chỉ trích hoạt động huấn luyện thể thao của Trung Quốc đăng trên tờ Daily Mail, đã khiến dư luận Trung Quốc nổi cáu.
Kênh truyền hình quốc gia CCTV-5 thậm chí đã biến đổi thành kênh đưa tin về Olympic chính thức. Đài này thường xuyên phát các phóng sự mang nội dung yêu nước, trong đó lá quốc kỳ Trung Quốc liên tục xuất hiện.
Cho tới nay, Trung Quốc đã có một số anh hùng xuất hiện trong Olympic 2012 như VĐV bóng bàn Zhang Jike, các kình ngư Sun Yang và Ye Shiwen, VĐV lặn Wu Minxia và Yi Siling, người đã giành Huy chương vàng môn bắn súng hơi 10 mét.
“Người Trung Quốc đang tỏ ra vượt trội trong nhiều bộ môn” - Sun Yue, một cô gái trẻ khác đang sống ở thủ đô Trung Quốc nói - “Sự thành công khi tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 đã khiến các VĐV trở nên tự tin”. Với hoạt động tổ chức gần như hoàn hảo và ngân sách khổng lồ, Trung Quốc lần đầu tổ chức Olympic cách đây 4 năm và sự kiện đã mang tới cho quốc gia này cơ hội phô trương hình ảnh và sức mạnh với thế giới. Phần lớn người Trung Quốc tiếp xúc với phóng viên AFP đều bày tỏ quan điểm rằng nỗ lực tổ chức Olympic London 2012 của Anh quốc sẽ không thể đọ được so với Bắc Kinh.
Người dân ở đây cũng đang có các động thái “vạch lá tìm sâu” để chỉ ra sự không hoàn thiện của Olympic London. Đơn cử như nhân viên bất động sản Wang Hou đã tỏ ra bực tức, khi thấy lá cờ Trung Quốc có vẻ treo hơi thấp hơn một chút so với quốc kỳ Hàn Quốc, trong lễ trao huy chương môn bơi tự do 200 mét của nam. Sun Yang đã kết thúc với vị trí thứ 2 còn Park Tae-Hwan đứng vị trí thứ 3 và theo thông lệ, cờ của hai nước phải treo ngang nhau.
Nổi cáu trước những lời bêu xấu
Những sự cố như thế sẽ chẳng khiến ai để ý trong Olympic năm nay, tuy nhiên chúng lại được báo chí chính thống Trung Quốc đưa thông tin chi tiết. Trong một đất nước luôn xem sự thành công tại Olympic như cách để chứng tỏ Trung Quốc đã thành siêu cường mới của thế giới, chẳng có gì ngạc nhiên nếu thấy bất kỳ sự cố nào đụng tới niềm tự hào dân tộc ở đây đều sẽ gây phản ứng mạnh.
Các cáo buộc nói rằng VĐV Ye Shiwen, 16 tuổi, người giành huy chương vàng ở nội dung bơi hỗn hợp và phá kỷ lục thế giới là nhờ dùng doping, đã khiến người Trung Quốc phẫn nộ.
“Có một thực tế là người phương Tây không chấp nhận việc đội tuyển bơi lội của Trung Quốc đã đầu tư rất lớn” - Wang Hou, giống hàng ngàn người Trung Quốc khác, thể hiện sự bực dọc trước cái mà anh ta gọi là “sự kiêu ngạo của phương Tây”.
Và trong khi một số ít tỏ ra xấu hổ sau khi ngôi sao cầu lông Yu Yang giải nghệ vì bị phát hiện có hoạt động dàn xếp tỉ số trong trận đấu gặp cặp VĐV Hàn Quốc, nhiều người lại đổ lỗi cho cả hệ thống, thay vì chất vấn đạo đức của Yu Yang.
Cuối tuần qua, show “Đối thoại” trên CCTV đã tập trung mổ xẻ việc đài truyền hình BBC không đưa ra lời xin lỗi, sau khi một phóng viên nổi tiếng của đài công khai chất vấn khả năng của Ye Shiwen. Người dẫn chương trình Yang Rui của CCTV còn thể hiện sự “khó chịu” trước một bài báo đăng trên tờ Daily Mail với tựa đề “Tra tấn hay huấn luyện?” nói về các điều kiện tập luyện vô cùng khắt khe tại một trung tâm huấn luyện thể thao ở Nam Ninh.
Theo Daily Mail, những đứa trẻ đã được huấn luyện vô cùng khổ sở từ năm lên 5 để các em có thể cạnh tranh ở những giải đấu lớn “Nếu không có những phương thức huấn luyện như thế, Trung Quốc có lẽ sẽ chỉ đứng ngang với… Ấn Độ trên bảng tổng sắp huy chương” - nhà phân tích Gao Zhikai nói trong show đối thoại. Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới, chỉ có một bảng thành tích rất tồi với 1 Huy chương vàng, 2 đồng tại Bắc Kinh 2008 và năm nay, họ cũng đứng chót bảng với 1 huy chương bạc và 1 đồng.
“Cả thế giới hãy thử nhìn xem Trung Quốc đã làm gì để đạt được sự tiến bộ lớn đến thế, thay vì tập trung vạch vòi chỉ ra những mặt tiêu cực còn tồn đọng” - Gao hậm hực tuyên bố.