yễn
Marcel Nguyễn : Hi vọng vàng của nước Đức
Vinh quang đến dồn dập ở tuổi 24 khiến Marcel Nguyễn trở thành niềm hi vọng giành huy chương cho TDDC Đức tại Olympic London 2012.
Tại Đức, tên tuổi của Marcel Nguyễn đã trở nên quen thuộc và trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Việt nói riêng. Tờ báo Berliner Zeitung đánh giá Marcel Nguyễn là cái tên gốc Việt được biết đến nhiều không kèm gì Phó Thủ tướng Philip Roesler, nghệ sĩ Piano kiêm giảng viên Nhạc viện Frankfurt Phương Lan hay MC Kênh Viva Minh Khai… Đặc biệt, sau thành tích HCV nội dung xà kép tại Giải vô địch châu Âu tại Montpellier (Pháp) vừa qua, Marcel càng trở nên nổi tiếng. Vì vậy, vời bộ môn Thể dục dụng cụ (TDDC) của Đức, chàng trai nay đang là hi vọng vàng tại Olympuc London 2012 ở nội dung xà kép.
Marcel Nguyễn có tên đầy đủ là Marcel Van Minh Long Nguyen, con của một phụ nữ Việt đi lao động xuất khẩu và một VĐV TDDC của Đức. Vốn “con nhà tông’ nên ngay từ nhỏ Marcel đã được cha cho làm quen với TDDC. 4 tuổi, Marcel bắt đầu luyện tập và 3 năm sau đã được tuyển vào đào tạo tại CLB TSV Unterhaching, nơi có hai HLV nổi tiếng của TDDC Đức là Andreas Hirsch và Jens Milbradt.
Tuy vậy mãi đến năm 18 tuổi Marcel mới có danh hiệu quốc gia đầu tiên khi lấy HCV nội dung xà kép. Marcel được gọi vào đội tuyển Đức và sự nghiệp cất cánh từ đây. Khởi đầu với chiếc HCĐ đồng đội tại giải vô địch thế giới ở Stuttgart, Marcel bắt đầu chinh phục các giải đấu châu Âu, thế giới chỉ vài năm sau đó. Nổi bật là chiếc HCV đồng đội và HCĐ giải cá nhân tại giải châu Âu tại Birmingham (2010). Năm sau, trên sân nhà Berlin, chàng trai sinh tại Munich làm nức lòng khán giả với HCV cá nhân đầu tiên môn xà kép và HCĐ môn xà đơn.
Những thành tích chói sáng của Marcel Nguyễn khiến các đối thủ từ Nga, Pháp, Thụy Điển… đưa anh vào “danh sách đen” cần dè chừng để cạnh tranh. Và tại giải vô địch châu Âu tháng 6 vừa qua, Marcel đã chứng tỏ anh không có đối thủ ở nội dung xà kép với chiếc HCV. Nhờ thành tích này, chàng trai gốc Việt được bầu là VĐV xuất sắc nhất trong tháng của thể thao Đức với 3800 phiếu bầu. Marcel vượt trên kình ngư nổi tiếng Paul Biedermann (3 HCV tại giải Vô địch châu Âu) và đội bóng ném Kiel.
Vinh quang đến dồn dập ở tuổi 24 khiến Marcel Nguyễn trở thành niềm hi vọng giành huy chương cho TDDC Đức tại Olympic London 2012. 4 năm trước, Marcel đã từng tham gia Olympic Bắc Kinh nhưng chỉ về thứ 4 ở nội dung đồng đội nam. Với sự tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua, Marcel trở thành đối trọng lớn cho các VĐV Trung Quốc và nếu anh đứng trên bục cao nhất ở môn xà kép tại London 2012 này, đó không phải là điều bất ngờ. Khi đó, 85.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Đức, lại có dịp để tự hào với nguồn cội của mình.
Carol Huỳnh: Học giỏi, vật cũng giỏi
Carol Huỳnh nổi tiếng khá sớm tại Canada nhưng mãi đến năm 2008 người dân Việt Nam mới biết đến tên cô gái gốc Việt này khi Carol giành HCV môn Vật hạng cân 48kg tại Olympic Bắc Kinh 2008. Với thành tích này, Carol cũng là người có quốc tịch Canada đầu tiên có HCV môn vật. Carol trở thành thần tượng của rất nhiều trẻ em tại đất nước Bắc Mỹ này.
Điều đặc biệt, dù tập luyện một môn rất nặng nhọc nhưng Carol vẫn quyết tâm trau dồi thêm kiến thức văn hóa. Cô ghi danh học Thạc sĩ Tâm lý tại ĐH Athabasca và xuất sắc hoàn thành khóa học.
Carol Huỳnh học cũng khá giỏi. Năm 1998, cô trở thành sinh viên trường ĐH Simon Fraser học chuyên ngành Tâm lý. Vừa học vừa luyện tập, Carol gặt hái khá nhiều thành công tại các giải quốc nội Canada. Khi học năm thứ 3, Carol có thành tích quốc tế đầu tiên với tấm HCB giải vô địch thế giới năm 2001. Nhưng phải mãi đến khi có được bằng Cử nhân Tâm lý học, những thành công lớn hơn mới đến với Carol Huỳnh: HCĐ World Cup 2003, 2004, vô địch CIS 2006, Pan Am 2007…
Lẽ ra, Carol Huỳnh đã có mặt tại Olympic Athens 2004 cùng đội tuyển Canada nhưng việc xung đột với HLV khiến cô tức tối từ chối tham dự để ở nhà… lập gia đình với một người đàn ông tên Dan Biggs. 4 năm sau tại Bắc Kinh, Carol Huỳnh đã làm nức lòng người dân Canada khi chiến thắng trong trận chung kết hạng cân 48kg. Đó cũng là thành tích quốc tế lớn nhất của cô gái gốc Việt đến thời điểm này.
Điều đặc biệt, dù tập luyện một môn rất nặng nhọc nhưng Carol vẫn quyết tâm trau dồi thêm kiến thức văn hóa. Cô ghi danh học Thạc sĩ Tâm lý tại ĐH Athabasca và xuất sắc hoàn thành khóa học. Thành công tại Olympic Bắc Kinh khiến cô gái này trở thành một thần tượng của giới trẻ Canada, cô thường tham gia các hoạt động cộng đồng và là một “sinh viên danh dự” của trường Langara College.
Tuổi tác cao khiến Carol Huỳnh không còn sự dẻo dai như 4 năm trước. Nhất là khi bị chấn thương đầu gối và cổ, cô đã dự định giải nghệ nhưng cuối cùng lại quay trở lại để chuẩn bị cho Olympic London 2012. Dầu gặp nhiều trở ngại từ các đối thủ trẻ khỏe của Trung Quốc, Bulgari… Carol Huỳnh vẫn được xem là ứng viên nặng ký ở hạng câu 48kg, nếu bảo vệ thành công thành tích 4 năm trước, cô gái mạnh mẽ này sẽ đi vào lịch sử thể thao Canada.
Howard Bạch: Của lạ của nước Mỹ
4 năm trước, khi anh dự Olympic Bắc Kinh thì cha anh đang về thăm Việt Nam, vì không thể xin Visa sang Trung Quốc cổ vũ con, ông “lệnh” rằng dù thế nào thì sau giải đấu này cũng phải về Sài Gòn để thăm bà con họ hàng.
Gọi Bạch như thế chẳng sai chút nào khi anh đã từng làm rúng động nước Mỹ năm 2005. Chính xác là buổi tối 21.8, Bạch cùng đồng đội gốc Indonesia Tony Gunawan hạ gục cặp Candra Wijaya - Sigit Budiar để đoạt HCV nội dung đánh đôi ở giải vô địch thế giới tổ chức tại Mỹ. Rúng động là bởi người Mỹ dù đứng đầu ở hầu hết các môn thể thao đại chúng nhưng cầu lông của họ chỉ ở hàng ‘tép riu” thua xa Việt Nam.
Trước chiến tích này, một tay vợt Mỹ lọt qua vòng 1/16 một giải cầu lông có thể xem là kỳ tích. Báo chí Mỹ đã ca ngợi chiến tích này có thể tạo ra một cú hích lôi thanh thiếu niên Mỹ đến sân cầu lông như Michael Jordan lôi họ đến sân bóng rổ. Họ gọi anh là “người khổng lồ 1m67”.
Howard Bach sinh ngày 22/9/1979 tại TP Hồ Chí Minh, cùng gia đình sang Mỹ khi lên 3 tuổi và sinh sống ở California. Chỉ cao 1m67, nhưng Bạch vẫn trở thành một trong những tay vợt hàng đầu châu Mỹ, đoạt được từ chiếc HCV môn cầu lông tại Đại hội thể thao Pan Am đến chức vô địch tại các Giải Brazil 2003 mở rộng, Guetemala 2003 mở rộng, Giải Peru 2004 mở rộng… Là VĐV chủ lực trong thành phần đội tuyển cầu lông Hoa Kỳ, Bach từng tham dự Olympic 2004, Olympic 2008. Cha anh, ông Cam Bach, trước năm 1975 từng là một trong những tay vợt cầu lông có hạng ở Sài Gòn. Howard Bạch từng nhiều lần trở về Việt Nam cả trong tư cách VĐV lẫn cá nhân. 4 năm trước, khi anh dự Olympic Bắc Kinh thì cha anh đang về thăm Việt Nam, vì không thể xin Visa sang Trung Quốc cổ vũ con, ông “lệnh” rằng dù thế nào thì sau giải đấu này cũng phải về Sài Gòn để thăm bà con họ hàng. Howard Bạch cũng chẳng lạ gì Nguyễn Tiến Minh nhưng họ chưa thể nói nhiều với nhau do Bạch không nói được tiếng Việt.
Sau thành công năm 2005, sự nghiệp của Howard Bạch không còn thăng hoa như trước, anh gặp nhiều thất bại và chuyển phần lớn thời gian sang điều hành một trường dạy cầu lông tại California. Dầu vậy, anh vẫn là niềm hi vọng lớn nhất của cầu lông Mỹ tại London 2012. Sau giải đấu này Howard Bạch sẽ chính thức giải nghệ và không gì đẹp hơn cho lần chia tay này nếu anh một lần nữa làm rúng động nước Mỹ như năm 2005.