Đó là hình ảnh tại gian hàng “Đổi chất thải nguy hại lấy quà” tại ngày hội Tái chế chất thải lần 3/2010 do Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM tổ chức ngày 18/4 tại công viên Lê Văn Tám (Q.1).
Lỉnh kỉnh mang các loại rác thải đến… đổi quà.
Không còn mang nặng tính chất “hội hè” như những lần trước, đến tham gia ngày hội lần này, người dân đều mang ý thức về môi trường. Thể hiện rõ nhất là rất nhiều người dân lỉnh kỉnh các loại rác thải đến… đổi quà. Quà đơn giản là những lon nước ngọt, túi tái chế, snack…
Mới hơn 8h sáng, anh Lê Vũ Nguyên Phương (ngụ ở đường Nguyễn Huy Lượng, P.14, Q.Bình Thạnh) đã ì ạch xách một bịch 720 viên pin tiểu và 50 viên pin đại đến. Anh Phương cho biết, lượng pin đó sử dụng điều khiển điều hòa, ti vi… tại nhà nghỉ của mình, được anh gom từ gần nửa năm nay.
Được một lon nước ngọt là vui rồi.
Mỗi ngày TPHCM có đến 7.000 tấn rác phát sinh, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường xung quanh; làm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí; gây dịch bệnh và chi phí xử lý tốn kém. |
Với số lượng pin khá lớn này, một nhân viên đổi quà phía ban tổ chức đã phải thương lượng với anh Phương vì… không đủ quà. Anh Phương cười xuề xòa: “Tôi mang đến để ủng hộ ngày hội thôi, từng này chỉ cần một lon nước ngọt là vui rồi!”.
Không chỉ anh Phương, rất đông những người khác, từ già đến trẻ cũng tay xách nách mang bóng điện hỏng, bình đựng hóa chất đến ngày hội đổi quà.
Cùng cậu con trai 8 tuổi đi hơn 15 cây số mang rác đến đổi quà, chị Minh (nhà ở P.Phú Thuận, Q.7), cho biết chị đã lên lịch cho ngày này từ tuần trước. “Hàng ngày, nhà tôi cũng không sử dụng quá nhiều các chất thải trên, thế mà mấy hôm ngồi lùng sục cũng ra được từng này. Mình đưa con đi cùng để cháu có ý thức hơn về môi trường”, chị Minh cho biết.
Những chiếc túi giấy, túi tái sử dụng là những món quà ý nghĩa trong ngày hội.
Các gian hàng khác như “Sức sống mới từ phế thải”, “Trao đổi đồ cũ”… cũng rất “được lòng” người đến với ngày hội. Tại ngày hội, hình ảnh những chiếc túi giấy, túi tái sử dụng gần như hoàn toàn thay thế cho túi nilon.
Từ nay, em sẽ sử dụng túi tái chế trong sinh hoạt hàng ngày.
Khoác trên vai chiếc túi tái sử dụng vừa đổi được từ 3 bóng đèn điện bị vỡ, Đào Thị Hương, SV trường ĐH Công nghiệp, bộc bạch: “Từ nay, em sẽ chính thức sử dụng túi tái chế trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Bản thân em tự cảm nhận thấy, những sự kiện, hoạt động vì môi trường gần đây đã thật sự tác động đến ý thức của mỗi người dân”.
Ngày hội Tái chế chất thải năm 2008 thu hút khoảng 5.000 người tham gia, thu gom được 600kg chất thải. Năm 2009, hơn 7.000 người đến với ngày hội và 1.850kg chất thải được thu gom. |