(VTC News) - Theo Luật sư Phạm Thanh Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội), khung hình phạt được đề nghị đối với cho Vũ Thị Kim Anh phụ thuộc vào nguồn gốc của con dao là hung khí trong vụ án.
> Hé lộ cuộc sống nữ sinh giết người trên xe Lexus
> Đã xác định danh tính nạn nhân chết trong xe Lexus
> Nạn nhân "chết trong xe Lexus" bị người ngồi sau cứa cổ
> Vụ lái xe Lexus bị cắt cổ: Hé lộ những tình tiết mới
> Chủ xe Lexus bị người tình sinh viên cắt cổ
LS Phạm Thanh Bình. (Ảnh: HL) |
Nếu hung thủ chuẩn bị dao từ trước và mang theo để giết anh Chính thì mức án có thể là 20 năm, chung thân đến tử hình (Điều 93, Khoản 1 BLHS).
Nhưng nếu như con dao đó có sẵn trên xe và trong lúc bị dồn đến đường cùng, Kim Anh đã vớ dao giết chết người tình thì mức án có thể chỉ là 7 đến 15 năm tù (Điều 93, Khoản 2, BLHS).
Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội), người đã từng có hơn 20 năm công tác ở Tòa Hình sự, TAND tối cao, đã đưa ra nhận định khá bất ngờ về khía cạnh pháp lý xung quanh vụ án nữ sinh viên Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội Vũ Thị Kim Anh cứa cổ người tình trên xe Lexus vào rạng sáng ngày 14/2/2009.
- Thưa ông, dư luận đang rất xôn xao về vụ nữ sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội I giết người tình cũ trên xe Lexus. Nhiều ý kiến cho rằng, thủ phạm của vụ án nghiêm trọng này có thể phải đối mặt với mức án nặng: chung thân hoặc tử hình?
- Muốn xử về Khoản 1 của Tội giết người (có mức án từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình) thì phải làm rõ được nguồn gốc của con dao là hung khí trong vụ án.
Nếu con dao được can phạm chuẩn bị sẵn và mang theo để chủ định giết nạn nhân thì chắc chắn sẽ bị xử ở Khoản 1 Điều 93 với mức án từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Nếu hung thủ có chuẩn bị dao từ nhà mang theo thì sẽ bị xử về tội giết người Điều 93 Khoản 1 (mức án 20, chung thân đến tử hình). Nhưng nếu con dao đó có sẵn trên xe, can phạm vớ được để chống trả thì cò thể sẽ được xử về Điều 93 Khoản 2 (mức án từ 7 đến 15 năm tù. LS Phạm Thanh Bình |
- Nghĩa là nếu làm rõ được rằng con dao đó có sẵn trên xe thì hung thủ Vũ Thị Kim Anh chỉ bị xử ở khung hình phạt 7 đến 15 năm tù, thưa ông?
- Đúng thế!
- Vũ Thị Kim Anh có thể được hưởng những tình tiết giảm nhẹ nào, thưa ông? Và các tình tiết này có ảnh hưởng tới mức án của can phạm ra sao?
- Với các thông tin hiện có đến thời điểm này, nếu làm rõ và xác định được rằng nữ sinh viên này bị ép quan hệ tình dục và nạn nhân dọa công khai mối quan hệ trước đây với Kim Anh cho người yêu hiện tại của cô biết, Kim Anh còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trong khung là: Giết người trong trạng thái bị kích động tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân.
Ngoài ra, nếu can phạm được đánh giá là thành khẩn khai báo thì còn được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa.
Còn một số tình tiết mà luật không quy định như nhân thân tốt, gia đình chính sách, gia đình văn hóa… Những cái này chỉ là để xem xét thêm chứ luật không quy định đó là tình tiết giảm nhẹ để định khung.
Khi đã có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên thì có thể được xem xét xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, tức là xử dưới 7 năm tù.
Hung thủ Vũ Thị Kim Anh nức nở khi được gặp mẹ và những người thân trong gia đình. (Ảnh: CTV) |
- Với các tình tiết hiện có và bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể dự đoán cụ thể hơn mức án mà can phạm có thể phải nhận không?
- Ngoài việc xác định nguồn gốc của con dao để quyết định truy tố về Khoản 1 hay Khoản 2 của tội giết người được quy định tại Điều 93 BLHS, cơ quan điều tra cũng sẽ phải làm rõ vị trí của vết thương.
Với những thông tin hiện có mà báo chí đã đăng tải, vết thương trong vụ án này là vết thương do cắt.
Theo kinh nghiệm của tôi, vết cắt thường được thực hiện khi nạn nhân hoàn toàn không ngờ đến, còn nếu là vết đâm thì có thể tin lời bị can, rằng nạn nhân có hành vi sàm sỡ, hai bên đã vật lộn nên hung thủ đã đâm nạn nhân để tự vệ.
Vết cắt phản ánh tính chủ động của hung thủ, tính chất nghiêm trọng hơn, nên có thể bị xử mức 14 đến 15 năm tù. Còn vết đâm phản ánh tính bị động chống trả, tính chất ít nghiêm trọng hơn, có thể bị xử mức 7 đến 10 năm tù.
Dù là vết cắt hay vết đâm thì vụ án này vẫn chỉ là giết người thông thường (quy định ở Khoản 2, Điều 93 BLHS).
Tất nhiên, cơ quan điều tra sẽ không chỉ dựa vào lời khai của hung thủ để kết tội được mà còn phải tìm tang vật, thực nghiệm hiện trường, rà soát các mối quan hệ, qua nhà cung cấp điện thoại di động…
Ví dụ, nếu nạn nhắn tin mà Kim Anh vẫn “à ơi” thì rõ ràng lời khai của hung thủ về lỗi của nạn nhân là không có cơ sở. Cho nên vẫn phải chờ thêm kết quả từ phía cơ quan điều tra.
- Giả sử Vũ Thị Kim Anh không có ý định giết mà chỉ cứa vào cổ anh Nguyễn Tiến Chính để cảnh cáo, còn việc nạn nhân chết là ngoài ý muốn của hung thủ thì có được xử về tội nhẹ hơn như: Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người được không, thưa ông?
- Trong khoa học luật hình sự, với tội giết người thông thường (không có chuẩn bị trước) thì hậu quả tới đâu xử tới đó.
Nếu anh cứ đâm bừa một nhát rồi bỏ đi mà nạn nhân chết thì sẽ xử về tội giết người, còn nếu nạn nhân còn sống thì xử về tội cố ý gây thương tích.
Trong trường hợp này thì không thể xử về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người được vì hung thủ đủ khả năng nhận biết vùng cổ là vùng nhạy cảm nhưng vẫn nhằm vào đấy thì tính chất rất nguy hiểm.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Linh (thực hiện)