[size=2]Những ca khúc quen thuộc của cố nhạc sĩ như Bài ca may áo, Hành quân đêm, Người mẹ của tôi, Cây đàn guitar của đại đội 3, Tiếng chày trên sóc Bombo, Đôi mắt, Mùa xuân bên cửa sổ, Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh... được thể hiện qua các giọng ca: NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Nhất Sinh, Bích Phượng, Thanh Thúy, Lương Chí Cường… và nam nữ diễn viên Đoàn nghệ thuật QK7, cùng sự hỗ trợ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, CLB Ca sĩ Hội Âm nhạc TP.HCM và Đội Quân nhạc QK7. Chỉ đạo: GS-NS Ca Lê Thuần, đại tá Phùng Thế Vinh. Biên tập: NS Trần Long Ẩn, đại tá Vũ Thành, đại tá Võ Công Phước, thượng tá Kim Khánh.[/size]
[size=2]“Với mong muốn thực hiện một chương trình ca múa nhạc hoành tráng, đậm chất nghệ thuật nên cả tháng nay các ca sĩ, diễn viên, nhạc công đã tham gia tập luyện tích cực các tiết mục sẽ biểu diễn. Xen kẽ giữa các bài hát, múa sẽ trình chiếu các đoạn phim tư liệu về cuộc đời, quê hương, công việc sáng tác và những tâm sự của NS Xuân Hồng. Đặc biệt, theo NSƯT, đại tá - nhạc sĩ Vũ Thành, điểm nhấn của đêm nhạc là 3 bài hát về mùa xuân nổi tiếng gắn bó với 3 giai đoạn lịch sử: kháng chiến chống Mỹ (Xuân chiến khu), chiến tranh biên giới Tây Nam (Mùa xuân bên cửa sổ) và sau giải phóng (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh). [/size]
[size=2]Nhạc sĩ Xuân Hồng đã nhận được các giải thưởng:
Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1965) cho 2 tác phẩm Bài ca may áo và Xuân chiến khu.
Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Xuân chiến khu, Bài ca may áo, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, Người mẹ của tôi (đợt 2 năm 2000).
Ngày 30 - 4 - 2004, ông được chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập. [/size]
[size=2] ***[/size]
[size=2]Sau ngày 30/4, hoà trong khí thế sôi nổi của nhiều phong trào khác, phong trào sinh hoạt văn nghệ và hát nhạc cách mạng đã bừng lên trong các đô thị miền Nam. Hồi ấy, tôi và nhiều bạn học sinh cấp 3 của Mỹ Tho đã hăng hái tham gia các đội văn nghệ, say sưa tập hát những ca khúc cách mạng hừng hực khí thế tiến công: Tiến về Sài Gòn, Hành quân đêm, Sài Gòn quật khởi, Lá đỏ, Trường Sơn đông Trường Sơn Tây… Trong những chương trình biểu diễn văn nghệ thế nào cũng có tiết mục hát múa Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Xuân chiến khu và tốp ca Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh. [/size]
[size=2]Mặc dù nhiều người trong chúng tôi chưa hề biết mặt ông, nhưng cái tên Xuân Hồng đã trở nên rất thân thương, gần gũi. Tên Xuân Hồng đã hoà lẫn trong nhịp chày "cắc cum cụp cum" và tiếng "hê hế hê" lạ lẫm mà quyến rũ - Bằng tiết tấu và âm điệu của núi rừng, ông đã mang chất huyền bí phum sóc và sự chân thành của người dân tộc đến gần với chúng tôi - lứa học sinh mà bước chân chỉ quẩn quanh từ nhà đến trường. Với lũ học sinh cấp ba chúng tôi, ông không chỉ là nhạc sĩ mà còn là hoạ sĩ, ông đã vẽ nên một bức tranh đẹp dẽ và sống động về "chiến khu", một danh từ mà chúng tôi lần đầu được nghe tên: "Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót khắp nơi. Mùa xuân về trong chiến khu, gió đưa cây rừng cành lá vi vu… Mai vàng mai vàng đang nở lưng đồi…". Ông còn là văn sĩ khi với những dòng ngắn ngủi cô đọng ông đã khắc hoạ được tình cảm thiêng liêng sâu nặnng nghĩa tình của người dân với bộ đội: "chào anh bộ đội thêm một tuổi đời, mừng anh thêm một tuổi quân thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong. Xuân chiến khu khói mù còn loang quê nhà em chẳng có chi để làm quà có chi hơn là hát tặng bài ca"; "Mai này xuân về hoa nở khắp nhà tìm anh bộ đội em tặng món quà, cùng anh kể chuyện đã qua những ngày chiến chinh đời anh xông pha. Ta đón xuân tưng bừng cờ hoa đón mừng, những người dân ta trẻ già chúng ta chan hòa hát một bài ca "…[/size]
[size=2]Mãi sau này, tôi mới có dịp gặp gỡ và trò chuyện nhiều với "chú ba Xuân Hồng" khi ngành cao su (nơi tôi công tác) tổ chức những đợt Hội diễn văn nghệ, Liên hoan tiếng hát Công nhân Cao su mà ông làm Chánh chủ khảo. Ông cởi mở và thân tình với mọi người, phong cách xuề xoà như một bác nông dân cần cù một sương hai nắng chứ ông không chút gì ra vẻ ta là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng thư ký Hội Âm nhạc TPHCM. Nhờ vậy, đến đâu ông cũng gây được thiện cảm và được mọi người quí mến. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ tiếng cười chân chất dung dị trên nét mặt hiền hoà của ông. Thỉnh thoảng trong câu chuyện vui ông cũng hát một vài đoạn nhạc của mình bằng lời tiếu lâm. [/size]
[size=2]- "Tôi sinh tại thị xã Tây Ninh trong một gia đình nông dân, được đặt cái tên mỹ miều Xuân Hồng khi còn nằm trong bụng mẹ. Có lẽ vì cha tôi thích có con gái sau khi đã có con trai. Tên khai sanh tôi là Nguyễn Hồng Xuân, khi lớn lên đi tham gia cách mạng, trong giao dịch thư từ công tác, thỉnh thoảng tôi nhận được thư ngoài phong bì đề: Mến gởi chị Hồng Xuân. Qua nhiều lần tôi cảm thấy tự ái vì mình đường đường là con trai mà có ai đó cố ý hay vô tình định lẳng mất đi cái thiên chức mày râu của mình thì thất bại quá, thậm chí nguy hiểm nữa. Dù vậy, tôi vẫn giữ tên ấy trong khai sanh của mình. Nhưng khi bắt đầu sáng tác nhạc tôi đảo ngược lại theo kiểu hợp âm đảo một, trong luật hòa âm của âm nhạc để nghe cho có vẻ khỏe hơn, nhưng rồi Xuân Hồng cũng chẳng cứng cáp gì hơn Hồng Xuân" -Ông vẫn chân thành tự kể về cái tên của mình như thế.[/size]
[size=2]Con đường âm nhạc của ông được bắt đầu từ rất sớm. Ông vẫn nhớ đến người cha, người thầy của mình: "Khi tôi lên năm tuổi, ba tôi bắt đầu dạy tôi đờn độc huyền theo kiểu truyền ngôn, và tôi học tương đối nhanh, được các cụ khen là "sáng dạ". Khi chưa đi học chữ, tôi đã thuộc lòng và có thể đờn được hàng chục bài nhạc cổ loại ngắn như: Bình bán, Kim tiền, Ngũ điểm, Bài tạ, Hành vân, Lưu thủy đoản, Lạc âm thiều, Long hổ hội, Tam pháp nhập môn, v.v… Sau khi biết đọc, biết viết cụ bắt tôi phải học cách đọc thuộc lòng theo bản đờn nhạc cổ hò xự xang xê cống… tập đờn và hòa tấu với cụ. Cuộc đời tôi không may mắn trên con đường học nhạc. Trong lúc tôi đang say mê học tập thì ba tôi lâm bịnh và mất lúc tôi mới mười ba tuổi. Tuy không có người dạy tiếp nhưng tôi vẫn tiếp tục chơi theo sự hiểu biết. Ngoài những bài bản đã học, tôi còn bắt chước được vài ngón rao (dạo đờn) của ba tôi mà nhiều người chung quanh nói rằng nghe rất giống tiếng đờn của ông cụ".[/size]
[size=2]Là một trong những nhạc sĩ có đóng góp lớn xây dựng nền văn nghệ giải phóng, với những bài hát mang tiết tấu vui tươi rộn rã, màu sắc lạc quan làm phấn khích lòng người, ông được mệnh danh là nhạc sĩ nhạc đỏ. Nhưng với tôi, sắc "đỏ" của ông đã được pha trộn bởi sắc màu của cuộc đời thật, với những rung cảm thật của trái tim, để trở thành một gam màu hồng tươi tắn như bông hoa dưới ánh nắng mai. Ông là một người "đột phá", vượt qua những khuôn sáo câu nệ của một giai đoạn mà tình yêu không được phép ướt át, uỷ mị… Hãy nghe những cung bậc từ ông đã chắp cánh cho những dòng thơ của Song Hảo bay lên, [/size]
[size=2]Cao cao bên cửa sổ,
có hai người hôn nhau
Đường phố ơi hãy yên lặng,
để hai người …
hôn nhau …! [/size]
[size=2]…Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp
Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng
Cuộc đời còn cả …
những nụ hôn ! [/size]
[size=2]…Ôi hạnh phúc cô thợ ấy đơn sơ mà thắm nồng
Tình yêu của người lính lắng sâu nhưng cháy bỏng
Tạm biệt rồi vẫn đọng những nụ hôn [/size]
[size=2](bài Mùa xuân bên cửa sổ)[/size]
[size=2]Ở những cuộc Liên hoan văn nghệ, hầu như số đông thí sinh vẫn chọn bài của ông để thi thố tài năng. Nhiều bài hát của ông như một câu chuyện kể có đầu có đuôi, dày dạn từng trải và người hát có thể phô diễn chất giọng của mình: Cây đàn ghi ta của đại đội ba, Người mẹ Việt Nam, Nắng Sài Gòn ..[/size]
[size=2]Trong số tác phẩm của ông, tôi rất thích bài "Đôi mắt", một bài hát thật ngắn, lời lẽ bình dị nhưng khiến người ta giật mình nhận ra và trân trọng hơn cái mà mình đang sở hữu:[/size]
[size=2]Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời
để nhìn đời và để làm duyên. [/size]
[size=2]Đời cho em đôi mắt màu đen
để thương để nhớ,
để ghen, để hờn [/size]
[size=2]Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn,
Là bài thơ hay nhất,
Là lời ca không dứt
Là tuyệt tác …
của… thiên thu![/size]
[size=2]***[/size]
[size=2]Tháng 5 năm 1996, nhạc sĩ Xuân Hồng đã đi xa, xa lắm về một cõi nào, nhưng những tác phẩm của ông đã đọng lại những dấu ấn khó phai trong lòng những người yêu âm nhạc. Với tôi, ông là một người thầy hết lòng truyền đạt kinh nghiệm bằng chính cuộc đời và những tác phẩm âm nhạc phong phú sắc thái, giàu âm điệu và đậm chất nhân văn của ông. [/size]
[size=2]Nhớ về NS Xuân Hồng, Hội Âm nhạc TPHCM cũng vừa phối hợp với NXB Trẻ thực hiện tuyển tập Nhạc sĩ Xuân Hồng, giới thiệu 100 ca khúc với những tập hợp đầy đủ nhất về ông, từ tiểu sử, chân dung đến tác phẩm, bắt đầu lúc NS Xuân Hồng còn trẻ, yêu thích âm nhạc, sử dụng thành thạo nhiều loại đàn: đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị, guitar…, đến giai đoạn ông tham gia cách mạng, rồi làm cán bộ quản lý trong ngành nghệ thuật và trở thành người nhạc sĩ tài hoa với nhiều ca khúc hay để lại cho đời. [/size]
[size=2]Hiện nay, người dân sóc Bom Bo đang mong muốn được dựng tượng NS Xuân Hồng để tưởng nhớ về ông với tình cảm yêu quý, trân trọng, vì ông là người đã giới thiệu sóc Bom Bo đến với hàng triệu người dân ở khắp đất nước Việt Nam qua bài hát nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo.[/size]
[size=2]Được biết, trước khi ông mất, trong 4 tháng đầu của năm 1996, ông đã hoàn thành 7 ca khúc cuối cùng: Gương mặt mùa xuân, Đà Lạt cuối thu (thơ P.N. Thường Đoan), Biết nói cùng ai (thơ Hồ Thụy Mỹ Hạnh), Khi người lính trở về (thơ Trần Văn Trà), Người đẹp phố tôi (thơ Vân An), Hồn hoa (thơ Lê Minh Quốc) và Đứng giữa đồng không (thơ Vũ Hữu Định). Ước mong Hội Âm nhạc, Đài phát thanh, Truyền hình sẽ dàn dựng và phổ biến những tác phẩm này đến với công chúng yêu nhạc.[/size]
- [*]Theo Giai Điệu Xanh