Tin tức - pháp luật 2011-11-26 16:43:42

Nỗi lòng người Mẹ 35 năm "GIAM CẦM" con trai.


"Mỗi đêm nó gào khóc đập cửa, ú ớ gọi mẹ là thêm một đêm tôi thức trắng,phải tự tay giam cầm con mình mà không đau", bà Cấp khẽ lau nước mắt, thở dài.

Đạo phật vẫn hay ví cuộc đời con người là "bể khổ", nhưng chịu nhiều nỗi vất vả và khổ đau như bà Nguyễn Thị Cấp ( xóm Lẻ, Kim Lâm, Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội) thì quả thật rất hiếm.

Hai đứa con trai của bà, từ khi sinh ra đến nay đã nửa đời người vẫn chưa biết tự tay tắm giặt, chưa một lần gọi tiếng "mẹ" cho tròn chữ vì chứng động kinh. Người chồng cũng là người duy nhất sẻ chia nỗi đau cùng bà cũng đã rời bỏ cõi đời vì căn bệnh ung thư hiểm ác. Giờ đây, trong căn nhà dột nát, bà chỉ biết khóc thầm mỗi đêm đứa con động kinh gào khóc…

Bà Cấp không giấu nổi nước mắt khi kể về người chồng đoản mệnh.


35 năm, thường xuyên bị con… đánh

Cách đây tròn 35 năm, đám cưới của anh Nguyễn Hữu Thanh và chị Nguyễn Thị Cấp diễn ra trong sự hân hoan của cả hai họ.

Anh Thanh vốn là bộ đội chiến đấu trong chiến trường khốc liệt Quảng Trị (từ năm 1971 - 1977), chị Cấp cũng là y tá theo chân chăm sóc những người lính bị thương rong ruổi khắp các chiến trường. Sống sót trở về trong bom đạn ác liệt đã là một kỳ tích, hơn nữa, anh lại là con cả, thế nên đám cưới của hai người là phép cộng của niềm hạnh phúc vô bờ.

Đứa con đầu lòng của anh chị sinh ra trong sự mong chờ của của cả hai bên gia đình. Tuy nhiên, niềm vui "ngắn chẳng tày gang", khi chỉ vừa đầy 15 ngày tuổi, Nguyễn Hữu Sơn (tên người con đầu lòng) bỗng lên cơn co giật mạnh. Theo kết luận của bác sĩ, đó là do chứng não nhỏ, chậm phát triển và dấu hiệu của bệnh động kinh.

Càng lớn, mắt Sơn càng kém, đến bây giờ thì mù hẳn. Con gái thứ 2 của đôi vợ chồng trẻ may mắn không mắc bệnh giống anh. Nhưng khát khao có người con "chống gậy" nên hai người lại cố gắng sinh thêm đứa con thứ 3.

Đứa con trai thứ 3 ra đời lành lặn, bụ bẫm, trong sự nơm nớp lo lắng và đầy hy vọng của anh chị. Thế nhưng, cũng chưa đầy 1 tháng sau, đứa trẻ lại có dấu hiệu co giật và cũng được chẩn đoán là mắc chứng động kinh. Sau này, đi khám mới biết rằng, hai đứa con của anh chị là do di chứng của chất độc màu da cam hiểm ác.

"Khi vừa nghe đến thế, cả hai vợ chồng tôi đều rụng rời chân tay. 3 đứa con thì hai đứa không thành người không hiểu sẽ phải sống như thế nào trên quãng đường tiếp theo nữa. Nghĩ đến thế, tôi chỉ biết khóc…", bà Cấp nhớ lại.

Cảnh vợ chồng bộ đội nghèo, căn nhà nhỏ cũng là ở nhờ trên đất của xí nghiệp xây dựng, thế nên nhiều người khuyên ông bà nên gửi 2 đứa con "nhờ nhà nước nuôi". Thế nhưng, theo lời bà Cấp, đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, nó lành lặn thì mừng, mà ốm đau bệnh tật thì càng thương, chứ dứt bỏ nó bà không nỡ.

Vậy là 35 năm trời, chồng bà nai nưng làm việc quần quật để lấy tiền chăm sóc 6 miệng ăn. Riêng bà, chỉ chăm hai đứa con thần kinh đã đủ đầu tắt mặt tối chứ chẳng nói gì đến việc làm thuê làm mướn phụ giúp chồng.

Từ khi sinh ra đến giờ, hai đứa con chưa một lần gọi tiếng mẹ cho tròn chữ. Lúc bình thường chúng ngơ ngẩn, cười hoang dại, nhưng mỗi lần lên cơn là gào thét đập phá…


Từ khi sinh ra, từ việc rửa mặt, tắm giặt, thay đồ, thậm chí đến đi vệ sinh… cũng do một tay bà chăm lo cho chúng. Thế nhưng, một tiếng gọi mẹ rõ chữ chúng cũng chưa hề biết. Đã thế, mỗi lần lên cơn chúng lại gào thét, đập phá, và không ít lần bà xây xẩm mặt mày vì bị con… đánh. Vì thế, vợ chồng bà phải nuốt nước mắt "giam lỏng" đứa con trai cả suốt mấy chục năm trời.

Tuy nhiên, nỗi bất hạnh của bà vẫn chưa dừng lại, khi người chồng, cũng là người duy nhất đồng hành cùng bà trên quãng đường đời đầy gian nan mắc chứng ung thư do di chứng chiến tranh. Cả thời gian phát bệnh đến khi qua đời chỉ vẻn vẹn 4 tháng. Đến nay, đám tang của ông Thanh cũng vừa tròn 100 ngày.

"Chỉ sợ, đến tôi chết đi…"

Nhìn lên di ảnh chồng còn ngun ngút khói hương, bà Cấp không nén nổi nước mắt. "Sau khi đi chiến trường Quảng Trị về, ngoài những vết thương do bom đạn, ông ấy còn bị nhiễm hóa chất của cả 3 bệnh: ung thư, viêm gan B và Xơ gan cổ chướng. Nhưng lúc nào ông ấy cũng phải làm việc quần quật để lo miệng ăn cho 6 người trong nhà.

Không nghĩ đến ông ấy thì thôi, mà nhắc là nước mắt tôi lại trào ra. Trước lúc ra đi, biết mình sắp chết, ông ấy đã mượn sổ lương của con gái vay tiền ngân hàng làm hàng rào quanh nhà, lợp lại mái ngói hai gian nhà cho 3 mẹ con…", bà Cấp xúc động kể.

Theo lời bà Cấp, hiện nay ba mẹ con bà và người mẹ già hơn 80 tuổi sống nhờ vào tiền trợ cấp "Chất độc màu da cam" của hai đứa con, vẻn vẹn hơn 2 triệu đồng. Thế nhưng, với số tiền ít ỏi ấy bà phải san nửa để trả lãi ngân hàng.

Theo chân bà bước vào căn buồng "giam cầm" đứa con trai lớn, tôi phải bụm miệng để tránh mùi khăm khẳm bốc lên từ manh chiếu đã bạc màu.

Mái nhà đã dột nát, gần như đổ sập xuống, nhưng vì không có tiền, bà Cấp vẫn chưa thể sửa sang được.


Ngôi nhà nhỏ nơi 4 mẹ con bà Cấp sinh sống.


Căn buồng rộng chừng 20m2 với bức tường nham nhở vết cào xé và những mảng vôi bong tróc. Mái nhà lót cót đã sập sệ gần như sắp đổ ập xuống.

Bà Cấp rưng rưng, nhìn tôi ái ngại: " Lần trước làm đơn xin vay ngân hàng để lợp lại mái nhà cho cháu, đất ở cũng là đất đi mượn nên không có sổ đỏ, không có gì thế chấp nên không vay được. Những hôm nắng ráo thì không sao, chứ mỗi lần trời đổ mưa khổ lắm, xót xa lắm… Ngày trước, nhiều lúc tủi nhục quá chỉ ước mình chết đi cho hết khổ. Nhưng bây giờ sợ nhất là chết. Nếu tôi chết đi rồi, hai đứa con biết phải sống ra sao…".

Hoàn cảnh mẹ con bà Cấp vô cùng khó khăn, rất cần những tấm lòng hảo tâm của độc giả có tấm lòng nhân hậu.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ địa chỉ: Nguyễn Thị Cấp, xóm Lẻ, Kim Lâm, Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội. Số điện thoại: 04.23217725




3bored3 3bored3 3bored3

[size=4]Haizzz!Việt Nam mình còn nhiều mảnh đời bất hạnh. Nhưng qua đó ta lại thấy được nghị lực con người là vô hạn :([/size]




Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)