Đi bộ hàng chục km để… mời họp
Mặc dù đã được cán bộ xã Mỹ Hòa "nắn gân" rằng, đường vào các thôn bản rất khó đi nhưng chúng tôi vẫn không thể lường hết về con đường khổ sở đó. Trên những cung đường uốn lượn, ốp qua sườn núi, bị mưa xới bùn đất lên nhầy nhụa, trơn trượt, chúng tôi cảm nhận sâu sắc cái sự khó khăn mà cán bộ xã Mỹ Hòa nói. Chiếc xe không thể xê được bánh, khi đi qua những viền đất nhấp nhô, xe không giữ nổi thăng bằng đã đổ ụp xuống. Chúng tôi phải xuống xe, đẩy bộ trên con đường dài hun hút để vào bản. Quãng đường vào bản chỉ dài hơn chục km nhưng chúng tôi phải đi mất mấy tiếng đồng hồ mới đến được vùng đất chẳng có ai muốn làm cán bộ này.
Thôn Ngay là thôn có diện tích lớn nhất trong xã và dân số đông nhất trong các thôn của xã, nhưng hầu hết những hộ dân này lại sống rải rác khắp nơi. Ông Bùi Văn Khoa, Trưởng xóm Ngay cho biết: "Tôi cũng vừa lên làm trưởng thôn khóa vừa rồi. Thật lòng mà nói, tôi cũng không muốn làm công việc này chút nào. Hiện nay, công tác quản lý tại thôn Ngay gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Phó thôn được dân bầu ra và hưởng trợ cấp để trợ giúp công việc trưởng thôn. Tuy nhiên, do không có trợ cấp thường xuyên nên họ làm việc thất thường, còn bao nhiêu công việc đều đổ lên đầu trưởng thôn".
Theo ông Khoa, công tác tuyên truyền, vận động tới từng nhà rất khó khăn. "Để họp thôn, có đại diện hộ dân phải đi bộ hơn gần chục km mới tới được nơi tập trung. Những hôm tối trời, mưa gió nhận được chỉ đạo khẩn từ cấp trên, một mình tôi lại phải lặn lội đi tới từng nhà dân để thông báo, vận động. Xăng đổ cho xe máy đi lại mình bỏ tiền nhà ra tự lo. Nhiều hôm, mưa bão, đường lầy lội phải đi bộ, vất vả lắm các chú à", ông Khoa chia sẻ.
Bà Bùi Thị Minh cho rằng, những người dân nơi đây chẳng có ai muốn làm cán bộ.
Ông Khoa tâm sự: "Công việc làm trưởng xóm này "ngốn" gần hết quỹ thời gian trong ngày của tôi. Vì những hộ dân sống rải rác nhỏ lẻ trên một diện tích rộng lớn nên việc tuyên truyền, vận động, phổ biến vô cùng khó khăn. Đa số người dân lại không có điện thoại, số ít có điện thoại thì cũng chẳng tiện cho liên lạc vì sóng chập chờn. Đã thế, người dân địa phương lại thường lên nương từ sáng đến tối mịt mới về, muốn liên hệ với họ cũng khó. Vì vậy để gặp được họ, tôi phải đến từng nhà, có những gia đình khi tôi đến sớm thì không gặp vì họ đã lên nương, tối lại đến lần nữa nhưng vẫn chưa thấy họ đi làm về. Trong khi đó, quãng đường đi từ nhà này đến nhà khác cũng cách nhau mấy km. Việc đến một gia đình mất mấy ngày mà không mời họp được là chuyện hết sức bình thường".
Ông Khoa cũng chẳng mấy "mặn mà" với chức danh trưởng thôn. Ở xóm đông dân như xóm Ngay còn khó khăn như vậy, chứ những xóm thưa dân hơn nữa thì công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng xóm" này còn khổ hơn nhiều. Ông Khoa cũng thú thật rằng, nhiều lúc ông cũng mệt mỏi và đã có ý định thôi không làm cán bộ nữa, nhưng khi nghĩ đến việc là một đảng viên lại từng là cán bộ xã mà không gương mẫu thì làm sao có thể làm gương cho người dân?
11 năm làm trưởng khu không lương ?
Công việc của trưởng xóm khó khăn là vậy nhưng công việc của những người làm trưởng khu còn khó khăn hơn. Do khu không phải là đơn vị hành chính nên không có lương lậu gì, nhưng họ phải đảm nhiệm trọng trách "ăn cơm nhà vác tù và khắp xóm". Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà trưởng khu Bùi Thị Minh, từng có 11 năm (từ năm 2001-2012) làm trưởng khu Thung Tiện ở thôn Ngay.
Bà Minh chia sẻ, mặc dù đã 11 năm giữ chức trưởng khu nhưng bà vẫn chưa hề nhận được bất cứ một đồng lương hay trợ cấp nào. Nghĩ đi nghĩ lại mình làm không công cũng chỉ vì trách nhiệm nên bà Minh vẫn nhận sự tín nhiệm của người dân trong khu. Bà cho biết: "Chẳng có nơi nào gia đình lại ngăn cản người thân ra "làm quan" như ở vùng này. Tôi thường đi từ sáng sớm khi mà mọi người vẫn chưa ngủ dậy để đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con. Khi ánh trăng treo ngang đầu, tôi mới về đến nhà. Có những lúc cao điểm, tôi còn phải đi liên tục nhiều ngày liền. Vì công việc xã hội nên bà chẳng còn thời gian dành cho gia đình. Lúc đầu, thấy tôi tất bật với công việc trong xóm mà chẳng có thời gian dành cho gia đình, chồng tôi cũng phàn nàn. Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới thuyết phục chồng. Tôi đã cố gắng hết sức để cân bằng công việc của khu giao phó và vẫn đảm bảo được hạnh phúc gia đình nên chồng tôi cũng dần thông cảm. Biết nỗi khổ của tôi, dần dần chồng tôi cũng thông cảm và thương tôi. Chồng đã phụ giúp tôi những công việc gia đình để tôi có thời gian làm tốt nhiệm vụ được nhân dân tín nhiệm bầu ra".
Bà Minh cho biết, mình chẳng nhận được một đồng lương và trợ cấp nào nhưng không có việc gì mà không đến tay. Công việc chính của mỗi trưởng khu là quản lý lao động, tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu thực hiện theo chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Dù bà phải bỏ hết những quỹ thời gian để thực hiện công việc xã hội khó khăn không công và không lương nhưng bà vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách của mình. Niềm vui của bà chính là giúp ích được cho những người dân nơi đây.
Bà Minh cũng chia sẻ thêm: Khu Thung Tiện là khu đất ở của người dân di cư từ lòng hồ Hòa Bình lên đây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, họ không được thành lập một thôn mới mà nằm trong diện tích của thôn Ngay. Cũng vì không phải là đơn vị hành chính nên người dân Thung Tiện không được hưởng hết chính sách di dân. Trước những khó khăn đó, chính quyền địa phương đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để bàn về vấn đề tách thôn, với mong muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác quản lý. Theo thông tin từ phía lãnh đạo xã Mỹ Hòa, khi đưa vấn đề tách thôn ra bàn bạc đều nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân. Chính quyền địa phương đã làm hồ sơ để chuyển lên huyện và tỉnh xem xét. Tuy vậy, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Xã Mỹ Hòa là một xã miền núi có diện tích tương đối rộng (hơn 31km2) với dân số gần 4000 người nhưng chỉ được chia làm 4 thôn. Vì thế, công tác quản lý ở đơn vị thôn gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền và nhân dân Mỹ Hòa cũng nhiều lần đề xuất mong muốn tách thôn lên các cơ quan cấp trên nhưng đến nay chưa được giải quyết. Hy vọng, trong thời gian tới, chính quyền huyện Tân Lạc và tỉnh Hòa Bình sớm xem xét và giải quyết vấn đề tách thôn cho cán bộ và nhân dân xã Mỹ Hòa nhằm nâng cao chất lượng quản lý, góp phần thúc đẩy đời sống của người dân.
Ông Bùi Văn Dềnh, chủ tịch xã Mỹ Hòa cho biết: "Xã Mỹ Hòa hiện có 4 thôn: Thôn Ngay, thôn Bụa, thôn Chuông và thôn Đon. Ở đơn vị thôn do có dân số đông, diện tích lớn lại bị chia cắt nên công tác quản lý ở từng thôn gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhiều năm nay, xã Mỹ Hòa rất khó vận động người đứng ra làm cán bộ quản lý thôn do công việc nhiều, phức tạp mà chế độ thì lại quá ít. Đơn cử như đợt bầu cử năm 2011, không có bất kể người dân nào đứng ra ứng cử. Chính vì vậy cán bộ xã lại phải vận động đảng viên ở cơ sở đứng ra làm Trưởng thôn. Đồng thời trong cái khó cũng ló cái khôn, hiện Mỹ Hòa cũng đề cử thêm 1 - 2 phó xóm giúp việc, do dân tự bầu và nuôi. Nhưng hầu như việc bầu cán bộ ở đây rất khó khăn, càng khó khăn hơn nữa việc giữ họ làm cán bộ thôn lâu dài". |