Chuyện shock 2011-12-21 07:14:08

Nơi đàn ông 'thích' lấy nhiều vợ


[size=1]Nơi đàn ông 'thích' lấy nhiều vợ, đẻ con quên nhớ tên[/size] Ở xã vùng cao này, những ông chồng có “sở thích” lấy từ hai đến ba vợ là chuyện bình thường. Có cặp vợ chồng giữ chức "kỷ lục đẻ" với 17 đứa con, khiến bố mẹ chúng cũng chẳn bận tâm, nhớ đến tên con cái.

Không sợ đói, chỉ sợ không biết đẻ

Nằm cách trung tâm huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên khoảng 30km nhưng con đường đến với xã vùng cao này thật quá gian truân và trong hành trình đi về với những hộ gia đình “siêu đẻ” này, chúng tôi chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẫm bởi những chuyến trãi nghiệm thực tế.

Trong những ngày rong ruổi ở đây, vật lộn bao con dốc, khe suối ở xã Xa Dung, thăm từng bản làng, vào tận nhà, điều đọng lại trong tâm trí của chúng tôi là những mái nhà xơ xác, những đứa trẻ rách rưới, lem luốc, co ro trong cái rét cứa da xé thịt. Nghèo, cái nghèo đeo bám dai đẳng đồng bào vùng cao này như chính câu chuyện về cái sự “thích lấy vợ”, “thích đẻ” của các cặp vợ chồng.

Chân dung người đàn ông "đa thê" Chá Già Lử có hai vợ và 10 đứa con

Câu chuyện của người đàn ông "đa thê"- Chá Già Lử, 48 tuổi, ở bản Xa Dung B là điển hình về cách nghĩ lạc hậu, về cái được gọi là hủ tục đã tồn tại lâu đời của đồng bào dân tộc H’Mông ở đây.

Năm nay 48 tuổi, ông Lử trông rất phong độ, da dẻ hồng hào. Theo lời ông, vào năm 1981 khi mới 18 tuổi ông theo đám thanh niên trong bản đi chơi và kéo bà Mùa Thị Tùng ở bản Chua Ta, Mường Lạn, Tuần Giáo, Điện Biên về.

Ở với nhau 5 năm, bà Tùng hạ sinh cho ông 3 đứa con gái thì "tịt đẻ" luôn. Để bà Tùng tiếp tục "sản xuất" ông Lử chạy khắp nơi kiếm thuốc về cho uống nhưng sinh thêm 2 đứa con gái.

"Nếu tôi không có con trai sau này sẽ không có người nối dõi và thờ cúng thì buồn lắm. Vợ cả không đẻ được kiếm vợ hai về đẻ chứ. Người Mông không sợ đói, chỉ sợ không có con trai thôi. Mình đang khoẻ mạnh, đẹp trai thì kéo vợ hai dễ lắm". Ông Lử tâm sự.

Những đứa con Chá Già Lử cơm không đủ no, áo không đủ ấm

Đã có với bà cả 5 đứa con, nhưng ông Lử lại thêm một lần nữa “phải lòng” bà Vừa Thị Khua , 47 tuổi, ở cùng bản. Bà Khua đã có hai đứa con, chồng chết sớm. Cả hai bắt đầu tâm đầu ý hợp và về sống chung với nhau.

Từ đó, cứ ba năm hai đứa, trong vòng 15 năm bà Khua sinh cho ông 5 đứa con (2 trai 3 gái). Ông Lử vui mừng chia sẻ: "Lấy hai vợ khó một tí nhưng quen rồi dễ lắm, hai vợ ở trong một nhà nếu mình biết giáo dục, đừng để hai bà "lạnh nhạt" thì êm xuôi cả". Ông Lử thật thà: "Nếu lấy một vợ trẻ, một vợ già khó quản lắm, do vậy mình lấy hai vợ ngang tuổi nhau nên hai bà không xích mích".

Trước đây, gia đình ông thuộc diện khá của bản, có nhiều trâu, lúa ngô không bao giờ thiếu nhưng nay, để bù lấp vào những miệng ăn đang trực chờ hàng ngày, số trâu bò cũng lần lượt được bán hết.

Từ lúc cưới vợ hai, kinh tế gia đình bắt đầu rơi vào cảnh đói. Mỗi năm, chưa hết mùa cả gia đình đã phải đã chạy ăn từng bữa.

“Thi đẻ” để kiếm con trai nối dõi

Cầm tờ giấy, ông Lầu A Xá cán bộ tư pháp xã miệng lẩm nhẩm thống kê từ năm 2008 đến nay xã Xa Dung có 8 người đàn ông lấy hai vợ, ba vợ. Ông Xá chép miệng: "Biết lấy hai vợ là vi phạm pháp luật nhưng xã bất lực ngăn chặn. Từ bao đời này, người H’Mông có phong tục như vậy, bố lấy hai vợ thì con cũng lấy hai vợ. Đặc biệt những trường hợp vợ cả không có con trai thì lén lút cưới vợ hai về "thi đẻ" với vợ cả kiếm con trai nối dõi".

Ở bản Thẩm Mín xã Xa Dung người dân nơi đây không nhớ đã mấy lần được ăn đám cưới của ông Lầu Tùng Pó. Theo thống kê của ông Lầu A Xá, cán bộ tư pháp xã thì ông Pó đã có ít nhất 4 lần tổ chức đám cưới và nay ông đang chung sống với hai bà.

Sổ hộ khẩu ông Chá Già Lử được ghi rõ vợ 1, vợ 2

Gặp ông Pó, khi hỏi về chiến tích "đa thê" ông cho biết: "Số mình đen lắm, cưới vợ đầu về sinh được 3 người con nó đã bỏ mình đi (chết). Cảnh gà trống nuôi con mình đi kéo thêm bà nữa về nhưng ở với nhau được 3 năm sinh 2 người con thì nó cũng bỏ mình đi luôn. Sống một mình buồn lắm nên kéo thêm vợ thứ 3 là Sầm Thị Nhà. Ở với nhau hơn chục năm đã có 6 người con".

Tưởng rằng 3 lần cưới vợ có 11 đứa con đã đủ với ông Pó nhưng không ngờ tài văn nghệ, đàn hát đã khiến cô Lầu Thị Nhánh (SN 1977) nghe ông biểu diễn thì say như điếu đổ. "Nhánh xin lắm nhưng bị chồng bỏ, nương lúa nhà Nhánh cạnh của mình và sau nhiều lần "tiếp cận" đã phải lòng nhau. Khi cái bụng đã ưng, mình kéo về làm vợ luôn. Gần 5 năm chung sống, nó sinh cho mình ba người con nữa đấy". Ông Pó khoe.

Anh Cha Giống Lia, bả Xa Dung B có 4 con gái và 1 con trai nhưng vẫn muốn có thêm vợ hai

Khác với những người đàn ông "đa thê" ở Xa Dung việc quản vợ giữ được hoà khí trong gia đình là chuyện bình thường. Tuy nhiên bà Nhà hay xích mích với bà Nhánh và không ít lần xẩy ra đánh nhau. Tìm cách giải quyết, ông Pó buộc phải làm thêm một căn nhà ở ngoài nương nhường nhà lớn cho bà cả. Và lúc nào nhà có việc thì bà Nhánh mới về nhà. Tôi hỏi: "Hai bà ở cách xa vậy làm sao sắp xếp được lịch "gần gũi"?". Ông cười: "Cái này mình phải lên kế hoạch rõ ràng, một tuần ở với bà cả, tuần ở với bà hai chứ".

Ông Pó cho biết: "Khi mình cưới vợ hai xã có phạt 200 ngàn đồng. Mình biết là luật pháp không cho phép nhưng nó ưng cái bụng mình rồi không cho cũng cưới trộm. Người Mông mình cưới hai vợ là chuyện thường, phụ nữ người Mông chịu đựng giỏi lắm, chồng có mấy vợ họ cũng chịu được. Cưới vợ cả thì tổ chức ăn to mời cả bản ăn mấy ngày liền, còn cưới vợ hai, vợ ba… làm mâm cơm cúng ma là được mà".
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)