Trở thành No.1 1 trong một lĩnh vực nào đó là điều mà ai cũng muốn. Nhưng có những bạn ám ảnh về nó đến mức luôn coi cuộc sống là một trận đấu và bằng mọi giá để nâng mình lên, "dìm" người khác xuống.
Chân dung những “No1”
Ám ảnh về vị trí đứng đầu, nhiều teen luôn tự ép mình phải về nhất, phải vượt qua nhiều “đối thủ” khác để trở thành kẻ nổi bật và giỏi giang nhất. Trong suy nghĩ của mình, teen cho rằng người số 1 sẽ có tất cả, còn kẻ xếp thứ 2, 3, n… sẽ cực kỳ mờ nhạt và chẳng có gì. Hiếu thắng, cộng thêm chút cơ hội, họ luôn biến cuộc sống thành một đấu trường, nếu cố gắng hết sức họ sẽ trở thành “đầu bảng”.
Ví dụ này dễ dàng gặp trong học đường. Minh Huyền (lớp 10) vốn không nổi bật lắm về ngoại hình, học hành cũng thuộc Top 5 chứ không phải đứng đầu. Học sinh giỏi Top 5 có tới 5 người, trong khi đó “quán quân” của lớp luôn được các thầy cô ưu ái, được bạn bè nể phục. Thấy làng nhàng và quá “kém tắm”, Huyền quyết tâm làm một cuộc thay đổi hoàn toàn chỉ trong 2 tháng.
Cô cắm đầu vào học, học ngày đêm. Năn nỉ xin mẹ thuê thêm 3 gia sư môn chính, ngồi lỳ ở nhà ngày thứ 7, Chủ Nhật để ôn tập chứ không thèm đi chơi, nâng cao dần và cuối cùng là chinh phục những kỳ thi học sinh giỏi. Không chấp nhận về nhì, Huyền học điên cuồng để thi trường, thi quận đều đạt giải nhất.
Khi chuyển từ vị trí số 5 lên số 1, cả lớp bắt đầu quay ra khâm phục và để ý đến Huyền nhiều hơn. Cả trường biết đến, nhưng như thế dường như chưa đủ, Huyền luôn bị ám ảnh rằng trên mình vẫn còn kẻ giỏi hơn, và cô bắt đầu đi săm soi xem ai “dám”!
Không chấp nhận làm số 2!
Huyền lùng sục khắp các lớp, xem có học sinh nào vừa học giỏi, vừa xinh, nổi bật hơn mình không. Cảm thấy thua kém về ngoại hình là ngay ngày hôm sau cô bạn này đi tân trang ngay. Câu cửa miệng của nữ sinh này là: “Này, lớp nào có ai học giỏi mà xinh xinh không? Nhớ báo cho tao nhé!”. Đi thi học sinh giỏi, Huyền tìm mọi thông tin về những đối thủ, kể cả trường khác cô nàng cũng nắm rõ lý lịch. Cứ thế, cả năm học là một cuộc đua vất vả (học như điên), tốn tiền (sửa sang sắc đẹp), tốn thời gian tìm hiểu đối thủ. Bạn bè thắc mắc sao cứ phải căng mình khổ sở vậy, Huyền trả lời: “Không chấp nhận làm số 2!”.
Cô bạn Ly chip (lớp 11) đã không ít lần lên blog than thở rằng, sao mà cuộc sống này mệt mỏi thế, lúc nào cũng phải gồng mình làm kẻ chiến thắng. Ai không biết thì tưởng Ly đang đi thi cái gì vất vả lắm. Chỉ có bạn bè và người thân mới biết, tính của Ly vô cùng hiếu thắng, cô không bao giờ chấp nhận mình bị mờ nhạt, phải đứng sau kẻ nào khác. Cô nàng lấy làm đau lòng và luôn than thân trách phận, nát óc tìm cách “Tôi là số 1” ở những chuyện xem ra chẳng có gì.
Lúc nào Ly cũng muốn nổi bật hơn, để người khác chú ý tới cô thật nhiều. Đi chơi với bạn, ngoài việc ăn mặc, trang điểm thì Ly luôn tỏ ra hơn người, giỏi hơn hẳn bạn bè. Thấy đứa bạn nào mua cái áo mới thì y như rằng ngày hôm sau phải mua cái đắt hơn, lộng lẫy hơn và phải khoe bằng được. Không muốn mình bị “chìm”, Ly còn bỏ phắt bạn thân xinh xắn, nhà giàu để kết thân với cô bạn vừa đen, lùn ngồi cạnh chỉ để mình “bật” hẳn lên.
Cho đến giờ, so với hội bạn Ly chơi thì cô đúng là số 1, vừa xinh, vừa thông minh, trong hội chẳng ai dám “bật” Ly vì ai cũng kém phân hơn. Bởi vì những người hơn Ly, không may đã bị cô nàng “say goodbye” hết rồi!
Ám ảnh vị trí số 1
Ngày xưa đi học, bố mẹ đôi khi thường hay la mắng rằng “Sao thằng/con A, B, C lúc nào cũng đứng thứ 1, mà con mình toàn thứ 2, thứ 3…”, hoặc “Nhìn con nhà người ta đấy, vừa đạt giải nhất thi hát/vẽ/múa/…”, mặc dù thứ 2, 3 cũng đã là giỏi nhưng chẳng được ai công nhận. Chính vì thế mà vô tình đã đẩy teen đến việc phải luôn cố gắng để giành “giải nhất” trong mọi lĩnh vực. Ý nghĩ “không phải số 1 thì chẳng ai biết đến, sẽ rơi vào quên lãng” ám ảnh teen hàng ngày. Giỏi giang thì không sao, chỉ cần cố gắng là được. Nhưng nếu đã không giỏi, thì ắt phải khổ sở lắm. Đôi lúc còn tìm cách chơi bẩn để được-là-số-1!
Tìm cách chơi với bạn xấu để mình nổi hơn, phá hoại thành tích của người khác hoặc nói xấu đối thủ… là vô vàn “cách” để những kẻ hiếu thắng “được” về nhất. Bất chấp người khác nghĩ gì, bạn bè xa lánh ra sao, chỉ cần có cảm giác “no1” là thỏa mãn lắm rồi. Có teen còn cho rằng, người giỏi thì không cần bạn, khoảng cách giữa “số 1” và các số khác xa lắm (!?). Khi có ai hơn mình, họ phát điên và tìm cách vượt bằng được.
Sang kỳ 2, một nữ sinh trường chuyên tên Vân chuyển về lớp Huyền. Đã có 3 năm sống ở Anh, nên trình độ tiếng anh của cô Vân “chuẩn không cần chỉnh”, lại học đều các môn và có kinh nghiệm của dân chuyên nên không lâu sau, Vân đã nổi bật hẳn không những trong lớp 10A2 mà còn lan ra khắp khối, cả trường. Về ngoại hình thì rõ là Vân xinh hơn Huyền, nước da trắng muốt chẳng cần thêm thắt gì cũng đã nổi bật, khổ cho Huyền có đắp hàng tấn phấn cũng không trắng bằng.
Tất nhiên, Huyền gần như phát điên khi gặp đối thủ hơn hẳn như thế. Cắm đầu vào học, nâng cao đủ kiểu mà Huyền vẫn không sao vượt được Vân 0.5 điểm phẩy. Thấy Vân học nhẹ nhàng mà vẫn đứng nhất lớp, lại hòa đồng, nhiều boys trong trường “bồ kết”, Huyền chuyển sang “chơi bẩn” để “dìm hàng” đối thủ. Lập blog giả, tung tin Vân cặp với 3, 4 người, lại “quyến rũ” thầy giáo Anh để được điểm cao…
Khổ cho Huyền là bên cạnh cô chẳng có lấy một bạn thân hay phe cánh gì để “tiện” tung tin. Vì muốn là số 1, Huyền đã tự cô lập mình, thế nên khi cô nói xấu hay send đường link blog giả của Vân, chẳng một ai thèm tin. Thua trên mọi mặt trận, mới đây lại có tin cô nàng đòi tự tử, trên blog ghi nguyên dòng chữ “I’m loser” to đùng.
Hiếu thắng không xấu, nhưng hiếu thắng và ham làm số 1 đến mức phải “bẩn tính” kiểu này thì thật đáng xấu mặt. Cố sống cố chết chỉ vì cái danh hão huyền, tự mình đòi hỏi phải hơn thua với người khác, sẽ luôn luôn tự chuốc rắc rối và thất bại mà thôi.