Trong một cuộc khai quật bên dưới lưu vực hồ Tarim phía Tây Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hơn 100 xác ướp có tuổi thọ hơn 3.000 năm.
Điều kỳ lạ là tất cả các xác ướp có tóc màu vàng, mũi dài và trông không có vẻ gì là giống với người Trung Quốc cổ đại. Nhiều nhà khoa học đã cất công về Trung Quốc lấy mẫu DNA để nghiên cứu nhưng vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Những xác ướp bí ẩn
Vào đầu thế kỉ 20, các nhà thám hiểm châu Âu như Sven Hedin , Albert von Le Coq và Sir Aurel Stein bắt đầu đi tìm kiếm các cổ vật châu Á. Kể từ đó, rất nhiều xác ướp đã được tìm thấy ở lưu vực hồ Tarim.
Bảo tàng Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) là nơi bảo quản và trưng bày 4 xác ướp hồ Tarim. Da của các xác ướp chuyển sang màu đen và khô, cơ thể còn bảo quản nguyên vẹn dù điều kiện khí hậu ở sa mạc Tây Tân Cương rất khắc nghiệt.
Một trong số những xác ướp còn nguyên vẹn nhất và lâu đời nhất được gọi bằng cái tên “Người đẹp Loulan” có niên đại cách đây 3.800 năm.
"Người đẹp Loulan"
“Người đẹp” có mái tóc dài phủ xuống bờ vai, môi mím lại, xương gò má cao, mũi dài… đó hoàn toàn không phải đặc điểm nhận dạng của cư dân Trung Quốc thời xa xưa.
Cùng với xác ướp “Người đẹp Loulan”, xác ướp "Công chúa Xiaohe" có niên đại 3.800 năm tuổi được khám phá ở vùng lòng chảo Tarim cũng là một nghi vấn về nguồn gốc của xác ướp hồ Tarim.
Xác ướp "Công chúa Xiaohe".
Một xác ướp nữa có tên là “Người đàn ông Yingpan” đã được tìm thấy ở Tân Cương. Xác ướp này được tìm thấy khi họ mở một quan tài trong nghĩa địa và có niên đại 1.900 năm.
Xác ướp “Người đàn ông Yingpan”.
“Người đàn ông Yingpan” có máu tóc dày màu nâu, mặt và thân teo lại. Râu, lông mày và lông mi rất dài. Xác ướp này được cho là đã sống ở thời Đông Hán (25 - 220), cao 1,8m và có lẽ đã chết khi 25 tuổi.
Xác ướp “Người đàn ông Cherchen".
Năm 1988, Victor H.Mair - giáo sư ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, công tác tại trường ĐH Pennsylvania, trong một lần dẫn khách du lịch Mỹ tham quan bảo tàng đã phát hiện sự khác biệt của các xác ướp, nổi bật nhất là xác ướp có tên “Người đàn ông Cherchen" với mái tóc đỏ.
Các xác ướp có nhiều đặc điểm nhận dạng với người châu Âu như cơ thể thon dài, mái tóc có màu nâu hoặc đỏ, dài, xoăn hoặc bện lại. Đặc biệt là quần áo đều là hàng dệt may của châu Âu.
Xác ướp “Người đàn ông Cherchen" mặc một chiếc áo dài tay màu đỏ và quần kẻ sọc có cạp. Xác ướp có những vết khâu như dấu vết của một cuộc phẫu thuật, các mũi khâu đều từ lông đuôi của ngựa.
Bí ẩn bỏ ngỏ
Năm 1993, ông Mair quay trở lại bảo tàng Ô Lỗ Mộc Tề để thu thập các mẫu DNA từ xác ướp. Đến năm 1995, ông Mair đưa ra tuyên bố, có ít nhất 2 trong số các xác ướp có dấu hiệu di truyền từ người châu Âu.
Năm 2007, Jin Li - nhà di truyền học nổi tiếng đã thực hiện nghiên cứu trên các xác ướp Tarim dưới sự cho phép của chính phủ Trung Quốc. Jin Li kết luận rằng một trong những xác ướp lâu đời nhất có dấu hiệu di truyền của người Đông Á và thậm chí là Nam Á.
Trong khi đó, ông Mair không tin vào cuộc nghiên cứu của Jin Li và hoài nghi về nguồn gốc các xác ướp là những di dân Đông Á. Victor Mair tin rằng, những di dân Đông Á đã không hiện diện ở lòng chảo Tarim cho đến khi xuất hiện xác ướp “Người đẹp Lounlan”.
Theo quan điểm của ông Mair, các xác ướp cổ xưa nhất có lẽ là thổ dân Tocharian, những người chăn nuôi da súc du mục. Họ đã di chuyển qua Trung Á, sử dụng hệ ngôn ngữ Ấn - Âu.
Để củng cố cho giả thuyết của mình, ông Mair đã chỉ ra rằng, các văn tịch cổ Trung Quốc thuộc thế kỷ I TCN đã đề cập đến những nhóm người định cư da trắng được gọi là Bai, Yeuzhi và Tocharians.
Đã có rất nhiều cuộc tranh cãi nảy ra xung quanh nguồn gốc của xác ướp hồ Tarim, nhưng chưa ai có câu trả lời xác đáng về nguyên nhân tại sao, những người này lại có mặt ở đây. Những xác ướp Tarim vẫn luôn là một bí ẩn chưa được hé mở.