[justify][size=2]Theo PGS.TS Hà Đình Đức, “cụ rùa” Hồ Gươm được xem như một linh vật, gắn với câu chuyện mượn gươm thần đánh giặc của vua Lê. “Cụ” là một linh vật trong tín ngưỡng dân gian, nên mọi chuyện về cụ đều được người đời gắn với những giai thoại. Tuy nhiên, “cụ” cũng là một sinh vật, nên những hoạt động sống của “cụ” phải thích ứng với môi trường tự nhiên.
PGS.TS Hà Đình Đức bắt đầu nghiên cứu về rùa Hồ Gươm từ năm 1991. Tất cả những lần “cụ rùa” nổi đều được ông ghi chép cẩn thận. Theo ông Đức, không phải bất cứ lần nào “cụ” nổi cũng gắn với một sự kiện nào đó của đất nước.
[/size][/justify]
"Cụ rùa" Hồ Gươm thường xuất hiện vào những dịp đặc biệt? (Ảnh: PGS. Hà Đình Đức). |
Tuy nhiên, điểm lại những lần “cụ rùa” nổi lên kể từ năm 1991, có thể giật mình khi thấy, rất nhiều lần cụ nổi đúng vào dịp diễn ra các sự kiện trọng đại.
Ngày 26/12/1991, PGS.TS Hà Đình Đức được Truyền hình Hà Nội mời ghi hình bài nói chuyện về bảo vệ rùa Hồ Gươm. Đúng 10h sáng hôm đó, “cụ rùa” nổi lên và bài phát biểu tối hôm đó của ông Đức đã được phát lên cùng với cảnh quay minh họa “cụ” nổi một cách sống động.
Ngày 10/3/1992, Sở Giao thông Công chính Hà Nội tổ chức cuộc họp bàn phê duyệt Phương án nạo vét Hồ Hoàn Kiếm tại 14 Phan Đình Phùng. Đúng sáng sớm hôm đó, “cụ rùa” nổi và các đại biểu đã được xem những bức ảnh “tươi nguyên”, ngay trước giờ khai mạc hội nghị.
Đúng một năm sau cuộc họp bàn phê duyệt Phương án nạo vét Hồ Gươm, ngày 10/3/1993, “cụ rùa” lại nổi lên lần nữa.
Trong dịp Hội thảo quốc tế về Tuần lễ Bảo tồn và Tôn tạo Hà Nội lần thứ nhất diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/11 năm 1993, ngày 19/11/2003, “cụ rùa” bò lên nằm trên gò Tháp Rùa. Đầu “cụ” ngẩng cao hướng về phía đặt tượng vua Lê. Rất nhiều người đã ghi lại khoảnh khắc quý giá này.
Sáng ngày 26/8/1999, Cục Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa Thông tin, tổ chức bàn giao mặt bằng Khu di tích tưởng niệm vua Lê cho Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, “cụ rùa” nổi lên từ 10h30 đến 12h30.
Một sự kiện gây xúc động cả nước, đó là vào 0 giờ 0 phút ngày 1/1/2000, khi hàng vạn người dân thủ đô tụ tập quanh Hồ Gươm để cùng thế giới đón chào Thiên niên kỷ mới, đúng lúc pháo hoa bắt đầu bắn thì “cụ rùa” liên tục nổi lên mặt nước. Trong hoàn cảnh đó, không ít người đã rơi nước mắt. [/size]
"Cụ rùa" nổi liên tục vào những ngày đầu năm 2010 (Ảnh: Dân trí). |
9h00 sáng 27/9/2000, UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Khu tưởng niệm vua Lê bên Hồ Gươm, “cụ rùa” bò lên nằm gối đầu vào kè đá dưới đám rễ si bên chân đảo Ngọc. “Cụ” nằm suốt từ 8h20 đến 10h20, trước sự chứng kiến của nhiều quan chức Hà Nội.
Năm 2002, trong dịp diễn ra Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng khoá IX, họp từ 18/2 đến ngày 2/3, “cụ rùa” đã mấy lần nổi lên như cùng nhân dân chào đón sự kiện đặc biệt này.
Ngày 26/2/2002, PGS. Hà Đình Đức đi thuyền ra gò Tháp Rùa làm lễ xin phép để về Lam Kinh tìm hậu duệ của “cụ rùa”. Ông Đức luôn có niềm tin “cụ rùa” là do vua Lê Lợi đưa từ Thanh Hóa về Hồ Gươm. Khi thuyền đang ở gò Rùa, ông Đức bỗng thấy “cụ rùa” nổi lên rồi bơi lại hướng mũi thuyền. “Cụ” đã nhô đầu lên sát mạn thuyền. Mọi người đều chắp tay lạy. Lát sau, “cụ” nhẹ nhàng lướt nghiêng rồi bơi về phía gò Rùa.
Quốc hội Khoá XI họp kỳ thứ 2, đến ngày 25/11/2002, các đại biểu bắt đầu chất vấn các bộ trưởng. Cũng trong ngày hôm đó, Tạp chí Thế Giới Mới phát hành, có bài viết: “Đã tìm được “lý lịch” rùa Hồ Gươm”, người ta lại thấy “cụ” nhô đầu gần cây phượng vĩ góc đường Lê Thái Tổ - Hàng Khay. Đầu giờ chiều, “cụ” bơi dần về phía Gò Rùa rồi lặn mất.
[/size]
PGS. Hà Đình Đức thường tỉ mỉ ghi lại những lần "cụ rùa" nổi (Ảnh: Dân trí). |
Trong năm 2006, đúng vào ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (18/4) và ngày bế mạc Đại hội (26/4), “cụ rùa” đều nổi lên.
Tháng 11/2006, trong những ngày Hà Nội đang tổ chức nhiều hoạt động đón mừng hội nghị APEC và sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, “cụ rùa” liên tiếp nổi, bơi sát bờ, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân thủ đô và du khách quốc tế.
Những ngày đầu tháng 11/2007, trùng với dịp kỷ niệm 1 năm Việt Nam gia nhập WTO, người ta thấy “cụ rùa” thảnh thơi nằm sưởi nắng dưới chân Tháp Rùa khá lâu. “Cụ” nghếch đầu lên ngó nghiêng “ngắm cảnh” phố phường rất sảng khoái. Trông “cụ” thật khỏe mạnh với cái mai to bản trên thảm cỏ. Hàng trăm người thi nhau ghi lại khoảnh khắc quý giá này.
Ngày 10/10/2009, đúng dịp kỷ niệm 55 năm ngày Giải phóng thủ đô và 999 năm Thăng Long – Hà Nội, mọi người lại có dịp trông thấy “cụ rùa” thảnh thơi bơi lội tung tăng dưới chân cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn.
Lần mới đây nhất, đầu năm mới 2010, trong 3 ngày liên tiếp, từ ngày 1 đến 3/1/2010, “cụ rùa” liên tục nổi lên. Sự kiện đặc biệt này đã gây ra nhiều lời đồn đoán kỳ lạ. Nhiều người cho rằng, mỗi khi “cụ rùa” nổi lên đều gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước. Có người lại cho rằng, việc “cụ rùa” nổi là dự báo cho những điềm lành xảy ra trong thời gian tới.
PGS. Hà Đình Đức thì cho rằng: “Cụ rùa nổi chỉ đơn giản là một hiện tượng tự nhiên về sinh thái học”.
GS-TSKH Mai Đình Yên, nguyên Chủ nhiệm bộ môn động vật có xương sống, Khoa sinh, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định, hiện tượng “cụ rùa” nổi ở Hồ Gươm trùng với các sự kiện lịch sử chỉ là sự ngẫu nhiên mà thôi.
Tuy nhiên, đối với đông đảo người dân Việt Nam, “cụ rùa” là báu vật của đất nước, nên mỗi khi “cụ” nổi, người dân đều có niềm tin vào sự linh thiêng huyền bí, tốt lành.[/size]