Tiếng nhai chẹp chẹp để tăng thêm khẩu vị, tiếng phun thức ăn phì phì, tiếng “ợ” và cao nhất là tiếng “khạc nhổ” ngay bên bàn ăn khiến cho teen bị "mất điểm" trầm trọng…
Tục ngữ có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” , đôi khi những thói quen vô tình của teens trên bàn ăn lại khiến các teens mất điểm trong mắt người lớn và cả trong mắt “người ấy” . Đó là những thói quen tưởng chừng rất bình thường nhưng lại vô cùng phổ biến và không phải ai cũng biết để sửa chữa…
Kết hợp giữa ăn to và….nói lớn
Rất nhiều teens có một sở thích vô cùng đặc biệt, đó là phải vừa ăn, vừa nói chuyện mới cảm thấy bữa cơm ngon và có ý nghĩa. Trò chuyện trong bữa ăn là cách kích thích khẩu vị. Đồng ý rằng, đó là thói quen rất đỗi bình thường của nhiều người. Nó cũng không có gì đáng bàn nếu teens biết và thực hiện hành động ấy một cách “duyên dáng và lịch sự”.
Thế nhưng 10 teens, thì đến 5, 6 teens là quen kết hợp việc “ăn to, nói lớn” một cách “ vô duyên và có phần khiếm nhã ”. Nhiều teens, trong lúc cao trào đầy ngẫu hứng đang ăn nhồm nhoàm đầy miệng vẫn vui cười to làm văng cả thức ăn vào người đối diện…
Xuân Vinh, 18t kể lại: "Có lần mình để ý một cô nàng tên Minh Thư, trông khá xinh, lại rất hoạt bát, lanh lợi. Trong giai đoạn đầu tấn công liên tục, mình rất hay mời nàng đi ăn linh tinh. Thế nhưng không quá 3 lần, mình đành vẫy tay chào thua vì hình tượng sụp đổ. Nàng có thói quen vừa nhét đầy họng thức ăn vừa nói cười. Trong một bữa ăn mà phải mấy lần nước bọt và đồ ăn trong miệng nàng văng tung tóe. Sợ quá sau 3 lần ăn chung mình đánh dứt áo ra đi."
Ăn uống là cả một nghệ thuật đấy bạn ạ. Đừng để mình bị mất điểm khi quá "vụng về" trong khoản này nhé! (Ảnh minh họa)
Ăn uống mút mát và ăn uống thiếu vệ sinh
Ngoài việc ăn bốc thì sau hành động bốc của teens chính là hành động “ mút tay”. Có thể đôi khi, bản thân teens không nghĩ gì, nhưng đó lại là điều rất dễ khiến người đối diện chú ý. Hành động mút mát ấy không trực tiếp ảnh hưởng và gây chú ý mạnh như việc “phun thức ăn vào mặt người khác”, nhưng nếu gặp trường hợp là người lớn hay một người khó tính, teens rất dễ bị đánh giá là thiếu lịch sự và mất vệ sinh. Chuỗi những hành động như lấy tay bốc thức ăn, vừa ăn vừa nói, sau đó mút thức ăn rồi lại nhả ngay trên mâm cơm, rất khiến người khác “ác cảm”.
Minh Lan, 19t cho biết: “Có lần mẹ mình mời bạn trai mình qua dùng cơm chung với gia đình. Tính bạn trai của mình thì cũng vô tâm, ăn uống rất nhiệt tình. Không những thế, vì quá ưng món sườn non nướng, bạn ấy ăn rất nhiều rồi tiện tay chùi lên bàn ăn. Xương thì gặm rồi nhả 1 đĩa thật to bên cạnh. Thế là từ đấy, mẹ mình ấn tượng xấu với bạn ấy luôn. Mình thì mình biết tính bạn trai mình tự nhiên, nhưng người lớn đôi khi không nghĩ thế”.
Ăn uống vô tâm không nghĩ đến “người khác”
Cứ ngồi vào bàn là “ăn và ăn”, ăn không cần suy nghĩ trước sau, ăn không cần mời và thậm chí cũng không nghĩ đến việc chừa cho người khác. Đó là thói quen xấu của một số teens. Nói ra thì nghe có vẻ nực cười nhưng lại không đáng cười chút nào. Nhiều teens quen với lối sống "tự nhiên” nên khi được mời là ăn uống rất “hữu í”. Thói quen này hoàn toàn trái ngược với thói quen vừa ăn vừa nói chuyện của teens. Đa phần những teens có thói quen này đều “ tập trung cao độ” khi ăn. Ăn thần tốc, đánh nhanh, rút gọn và không ai theo kịp mình.
Nam Anh,16t kể lại: “Mình có một thằng bạn ăn siêu vô duyên. Thức ăn chưa kịp bày lên là nó đã nhanh tay nhanh đũa gắp ngay miếng ngon nhất to nhất ăn trước. Chẳng thèm để ý đến những người xung quanh và những người chưa được ăn, nó cứ thấy thức ăn là lao vào ăn “điên cuồng không ngừng nghỉ”. Biết tính nó tốt, mỗi tội ham ăn ham uống, nên mình cũng cố gắng nhắc nó nhưng hình như vô vọng rồi."
Những âm thanh thiếu lịch sự
Số ít, teens còn có thói quen tạo ra những âm thanh khiếm nhã trong bữa ăn. Những âm thanh ấy không đơn giản chỉ là tiếng nhai chẹp chẹp để tăng thêm khẩu vị, tiếng cười nói khoắng đũa trong bát canh mà nó còn là những tiếng phun thức ăn phì phì hay tiếng “ợ” và cao nhất là tiếng “khạc nhổ” ngay bên bàn ăn nữa.
Những âm thanh như vậy không những khiến người ngồi ăn cùng thấy vô cùng khó chịu, mà khiến cho họ có một ấn tượng cực kì xấu Thậm chí, họ có thể đánh giá rằng: “Teens chưa được hướng dẫn của gia đình về phép lịch sự ăn uống”. Và tất nhiên, với gia đình đối phương, thậm chí chính đằng ấy”, cũng khó lòng chấp nhận một nửa của mình “ vô tâm thái quá” như vậy.
Hãy thử đặt mình vào cương vị người đang ngồi dùng cơm, mà teens thấy người ngồi cùng bàn của mình khạc nhổ ngay bên cạnh thì ắt hẳn, teens cũng cảm thấy mất hẳn đi cái hứng thú muốn ăn và cảm thấy thiếu vệ sinh, phải không?
Kết
Khi còn đi học hay sống trong mái ấm gia đình, bạn bè, thầy cô, teens chưa thấy được tác hại của những thói quen khi ăn này. Nhưng khi thực sự bước vào đời và tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống, những thói quen như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến cái nhìn của người khác dành cho mình. Vì vậy, hãy tập thói quen ăn uống văn minh ngay từ ngày hôm nay, teen nhé.