Đến trại giam số 6 (Nghệ An), tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp ở đây những đóa hồng tuyệt sắc. Họ có nét đẹp kiêu sa mà nhiều cô gái phải thầm ghen tỵ.
Tuy nhiên, vì suy nghĩ nông cạn, hành động bộc phát và vì “những hành động không lý giải nổi” mà những người con gái được ví như “hoa hồng có gai độc” ấy đã phải sa chân vào chốn tù đầy. Nhìn họ, trong tôi bỗng dậy lên những xúc cảm đan xen, có thể nó là phép cộng của giận hờn, thất vọng và tiếc thương…
Kiều nữ… ngây thơ
Trong số những phạm nhân đang cải tạo tại trại giam số 6, Nguyễn Thị Hạnh Hạnh được ví như đoá hoa mĩ miều ở đất Hà thành. Quả thật, Hạnh rất đẹp, dáng người cao dáo, khuôn mặt thanh tú và nụ cười làm nao lòng người đối diện.
Tuy nhiên, ấn tượng với “nhan sắc” của cô gái này bao nhiêu người ta lại càng thấy ngạc nhiên khi nghe cô kể về quá trình phạm tội của mình bấy nhiêu.
Theo lời Hạnh, bố mẹ cô có ki ốt lớn ở chợ Hàng Da nên Hạnh sống trong nhung lụa. Nhưng cũng chính sống trong sự thừa thãi của đồng tiền nhưng lại thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ, Hạnh sớm ăn chơi, đua đòi theo lũ bạn lêu lổng. Lên lớp 10, Hạnh bỏ học.
Lúc này biết ép con học cũng chả xong, bố mẹ Hạnh cuống cuồng tìm cách cho Hạnh kiếm tiền mong hạn chế thói đua đòi của cô con gái cưng. Năm ấy, Hạnh vừa tròn 18 tuổi. Bố mẹ giao cho hẳn 100 triệu để… nghĩ cách làm ăn.
Khuôn mặt xinh đẹp của "kiều nữ ngây thơ" Nguyễn Thị Hạnh. |
Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là nơi tụ tập của đám bạn hư của Hạnh. Thời ấy, Hạnh bảo, trong suy nghĩ của những “đứa trẻ mới lớn” như Hạnh, không bay, không lắc thì không phải “đẳng cấp pro”. Bởi thế, tụ tập ở “thiên đường tự do” thì chẳng có gì phải nghĩ, cứ bay cho đã cuộc đời.
“Sân bay” của Hạnh đã bị công an “tập kích” đúng khi đám bạn của cô đang như những kẻ điên ngất ngư trong tiến nhạc kinh hồn. Khi ấy, dù ngồi co ro trên “bốt”, Hạnh vẫn nghĩ, “chắc chỉ vài ngày nữa là các chú ấy thả mình, chúng nó lắc chứ mình có lắc đâu mà sợ!”.
Thế nhưng, cái điều Hạnh hồn nhiên mong đợi đã không đến. Hạnh kể, hôm ra toà, nghe toà tuyên mình bị án 7 năm tù (về tội Chứa chấp sử dụng chất ma tuý) Hạnh đã rụng rời chân tay. Cô không nghĩ mình đã gây ra một tội… “tày đình” như vậy. Hạnh bảo, những ngày đầu đi trại, cô đã thực sự suy sụp. Thời gian ấy, cô đã nghĩ, với cuộc đời thì hồn nhiên cũng là… có tội!
Người đàn bà đẹp mang trái tim “quỷ dữ”
Mấy năm trước đây, dư luận đã từng xôn xao với vụ đánh ghen của người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Minh Thu. Người đàn bà trong cơn nổi máu “hoạn thư” đã hắt cả chai axit vào tình định khi chị ta đang ôm trên tay đứa con nhỏ. Hậu quả đã khiến cháu bé tử vong và tình nhân của chồng bị thương nặng. Câu chuyện của Thu vẫn được dư luận truyền tai bằng những cái tặc lưỡi và lắc đầu ghê sợ, người ta gọi Thu là người đàn bà có trái tim “quỷ dữ”.
Tuy nhiên, trái ngược hẳn với hình dung ban đầu, khi gặp Thu tôi không khỏi ngỡ ngàng vì nét đẹp đôn hậu của người đàn bà này. Cô có khuôn mặt thật đẹp, thánh thiện và đôi mặt ẩn chứa nhiều u sầu… Nét đẹp ấy khiến những căm giận vì lần sự ra tay tàn độc của Thu chuyển thành nỗi xót xa, tiếc nuối, giận hờn… Thu kể về tội lỗi của mình bằng khuôn mặt nhòa lệ. Cô bảo, cô đã thực sự ân hận và những tháng ngày tù đày cô đã phải chịu sự cắn rứt đau đớn của lương tâm.
Thu sinh ra trong một vùng quê ven đô. Như bao thôn nữ khác, Thu xây dựng gia đình ở tuổi đôi mươi với một chàng trai cùng xã (Xuân Phương, huyện Từ Liêm). Cuộc sống tưởng như cứ êm đềm trôi qua trong hạnh phúc thì bỗng đâu có sự xuất hiện của “kẻ thứ ba”.
Người xen vào giữa hạnh phúc gia đình Thu tên L., là chủ quán cắt tóc, gội đầu mới thuê sát nhà Thu. Kể từ ngày bị mê đắm bởi “cô hàng xóm”, chồng Thu cứ ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Chẳng buồn làm ăn, chẳng buồn mặn mà chuyện gia đình mặc bao lời khuyên can của Thu. Hơn thế nữa, anh ta còn xuống tay thậm tệ với cô vợ trẻ khiến không ít lần Thu xây xẩm mặt mày.
Những giọt nước mắt sám hối muộn màng của Thu. |
Lúc này, cơn ghen của Thu đã lên tới đỉnh điểm. Không thể chịu đựng nổi cảnh tượng chồng mình Ngang nhiên có “mái nhà yên ấm” với nhân tình, trong lần về tận nơi để “nói cho ra nhẽ” với chồng, Thu đã mang theo chai axit để “dằn mặt” kẻ phá đám.
Thế nhưng, khi vừa về tới nơi Thu đã bị chồng đánh đấm túi bụi. Sẵn chai axit mang theo, cơn giận bùng lên, cô đã hắt về phía nhân tình của chồng, khi ấy đang ẵm đứa con gái nhỏ còn đỏ hỏn trên tay.
Đòn ghen của Thu đã khiến cô không những phải chịu án tù đày mà còn chịu bao lời phỉ báng của dư luận, và hơn hết là sự dày vò lương tâm. Cô bảo, cô chỉ định “cảnh cáo” nhưng không ngờ hành động của mình lại gây nên tội lớn như vậy, thế nhưng sự hối hận cũng đã quá muộn màng…
Kẻ lụy tình khốn khổ
Trong số nữ phạm nhân ở đây, có lẽ Nguyễn Thu Ngân là một trong số những người đứng tuổi và có “thâm niên mặc áo số” lâu nhất. Tuy nhiên, tuổi tác dường như đi ngược với nhan sắc của Ngân. Người ta bảo, dường như, sau mỗi năm Ngân lại càng xinh đẹp, mặn mà, đằm thắm hơn.
Thế nhưng, cái câu “hồng nhan bạc phận” có lẽ rất đúng với Ngân. Cô bảo, phận cô phải bước chân vào chốn tù đày như thế này ngoài cái số trời sắp đặt còn là sự yêu chồng đến mù quáng, dẫn đến u mê…
Ngân kể, cô sinh ra tại Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) lên Hà Nội tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc đời. Tại đây, cô gặp gỡ và phải lòng anh chàng sĩ quan quân đội. Mối tình đã đơm hoa khi cả hai kết duyên vợ chồng và sinh ra những đứa con kháu khỉnh, xinh xắn.
Tuy nhiên, tai họa ập đến khi một lần chồng cô lái xe gây chết người dẫn đến án tù. Mãn hạn tù, người quân nhân đã thay đổi hoàn toàn tâm tính. Không còn là chàng trai hiền lành, người cha mẫu mực, chồng cô đã nhiễm tất cả thói hư tật xấu. Từ rượu chè, ma túy… không thứ nào chồng cô không bập vào. Kể từ bận đó, mọi thứ trong gia đình đều do bàn tay Thu xốc vác.
Mỗi khi chồng lên cơn, cô lại tìm mọi cách chạy vạy, “kiếm thuốc” để lấp cơn nghiện của chồng. Nhưng chồng nghiện mỗi ngày một nặng thêm, sạp hoa quả nhỏ ở chợ Long Biên của Ngân cũng không gánh nổi những cơn vật vã liên miên ấy.
Các nữ tù nhân tại trại cải tạo. |
Nhớ đến các con, Ngân lại khóc. Ngày Ngân vào tù đứa lớn mới 3 tuổi, đứa bé mới bi bô gọi mẹ. Thế mà lần mới vào thăm đây chúng đều đã lớn. Bố đi tù, ở với ông bà nên hai đứa con không có cơ hội vào trại thăm mẹ.
Hôm chồng Ngân đưa các con tới thăm, Ngân dậy sớm, hồi hộp đến phòng gặp thân nhân của trại và yên lặng chờ đợi. Cái giây phút thiêng liêng ấy rồi cũng tới. Thật bất ngờ, vừa nhác thấy bóng mẹ, hai đứa con Ngân đã ùa tới. Ba mẹ con cứ thế ghì chặt nhau mà khóc.
Ngân bảo, hạnh phúc tình yêu của cô bây giờ chỉ còn là những đứa con. Chúng là niềm hi vọng, là nơi để trái tim đau khổ của cô bấu víu sống tiếp những ngày tháng nhọc nhằn phía trước của mình…