Ngay sau khi bài viết ghi nhận thực trạng game thủ Cửu Âm Chân Kinh phiên bản châu Âu ra sức kêu gọi nhà phát hành chặn IP Việt Nam cùng một vài quốc gia khác, không ít game thủ Việt Nam đã lên tiếng chia sẻ ý kiến của họ về sự việc không hay này.
Thẳng thắn thừa nhận thì, đây hoàn toàn chẳng phải là lần đầu tiên game thủ Việt bị những server game online nước ngoài nói chung, cũng như cộng đồng game thủ của mỗi tựa game nói riêng đưa ra cái nhìn bài xích. Lý do có thể vô vàn, dưới góc nhìn của game thủ Việt chúng ta, những lý do này có thể đúng, có thể sai, tuy nhiên nếu nói cộng đồng game thủ Việt Nam tại nước ngoài hoàn toàn “vô tội” trước những cái nhìn thiếu thiện cảm từ bạn bè game thủ quốc tế, thì chắc chắn là sai lầm.
Chúng ta hãy thử nhìn lại những lần cộng đồng game thủ Việt Nam bị bẽ mặt tại sân chơi quốc tế, nơi những con sâu làm rầu nồi canh khiến cho cả cộng đồng vốn gắn kết và thân thiện đều bị vạ lây. Đáng tiếc thay, số lượng những “chú sâu” đôi khi khó đếm xuể.
Cabal Elite nói không với game thủ Việt
Sau khi phiên bản Cabal Online tại thị trường Việt Nam phải ngừng hoạt động một cách đầy tiếc nuối, thì Cabal Elite lại trở thành điểm đến của một bộ phận không nhỏ những game thủ đam mê tựa game nhập vai hành động từng rất được ưa thích này.
Thế nhưng bên cạnh những game thủ chân chính, những người tìm tới game vì niềm vui với bạn bè và cả cộng đồng, thì chúng ta lại vô tình “xuất khẩu” luôn cả những cá nhân với ý thức kém, những người chơi game không màng tới lợi ích chung.
Chỉ sau một thời gian ngắn game thủ Việt chuyển hộ khẩu, số lượng những game thủ Việt Nam bị khóa account đã lên tới con số đáng báo động. Thậm chí, theo thống kê của quản trị viên server, 90% số lượng account bị khóa đều tới từ Việt Nam (theo IP). Những lý do khiến số lượng tài khoản này bị khóa là sử dụng hack, spam kênh chat thế giới và thậm chí có cả… văng tục với game thủ nước ngoài.
Special Force Singapore thành nạn nhân của gamer Việt
Tương tự như Cabal Elite, sau khi Special Force phiên bản Việt đóng cửa, cộng đồng game thủ trong nước buộc phải tìm đến những server nước ngoài để tiếp tục niềm đam mê của mình. Thế nhưng niềm đam mê này một lần nữa lại đem tới không ít tủi nhục cho gamer Việt nói chung.
Rõ ràng ở server Singapore thái độ tham gia game của một bộ phận người Việt phải nói là đáng lên án. Không ít người vốn đã quen cách ăn nói theo phong cách “anh hùng bàn phím” trong nước, đã buông những lời không mấy đẹp đẽ dành cho những game thủ nước ngoài. Từ tiếng Việt tới tiếng Anh “bồi”, những cụm từ với lời lẽ thô thiển đã khiến cộng đồng game thủ Special Force Singapore “nóng mắt” với những game thủ Việt.
Thật may mắn là tựa game này về sau không hề ban IP Việt Nam như một số tựa game khác, tuy nhiên đó cũng là một bài học cho một số người chơi game online Việt Nam rút kinh nghiệm và tham gia game với ý thức cao hơn.
Requiem “cách ly” người Việt
Tiếp tục là một kinh nghiệm xương máu của cộng đồng game thủ Việt Nam chơi game online nước ngoài. Vào khoảng giữa năm 2011, Asiasoft chính thức phát hành tựa game nhập vai Requiem, và ngay lập tức, số lượng game thủ đến từ Việt Nam đã chiếm áp đảo so với những nước khác trong khu vực.
Nhiều người cho rằng, một bộ phận game thủ thưởng thức Requiem đã “cậy thế”, dựa vào số lượng áp đảo gamer Việt trong game mà buông ra những lời lẽ thiếu lịch sự với những người chơi đến từ Thái Lan hay Philippines…
Sau cùng, những game thủ ở các nước khác trong khu vực vì không thể chịu nổi việc này đã lên tiếng đòi Asiasoft đặt ra riêng một server chỉ sử dụng tiếng Anh cho các game thủ Singapore và Malaysia. Sau một thời gian bị “cách ly”, thì cộng đồng gamer Requiem Việt Nam cũng dần dần thoái trào và “mỗi người một ngả”.
Cửu Âm Chân Kinh châu Âu đòi ban IP Việt Nam
Và đây cũng là vụ việc mới nhất trong chuỗi những “chiến tích” không đáng tự hào một chút nào của game thủ Việt Nam. Đã có không ít game thủ tham gia thảo luận trong một topic forum. Trong đó, một game thủ đã đặt vấn đề cần phải ban IP của Hàn Quốc và Việt Nam.
Giải thích cho lý do của nguyện vọng này, game thủ mang tên Xagonyx cho biết: “Họ luôn PK những game thủ yếu hơn, những người chưa biết chơi game sao cho đúng. Server USA của Cửu Âm Chân Kinh cũng bị hàng loạt những hiện tượng xấu từ những game thủ này.”
Ngay lập tức, chủ đề này đã thu hút được không ít các game thủ khác tranh luận, với nhiều luồng thông tin khác nhau. Có game thủ thì đồng tình, viện ra dẫn chứng “game thủ Việt hầu hết đều hack hoặc cheat” hay “game thủ châu Á luôn tới đây cày cuốc để bán vàng” (?!) Và cho tới thời điểm này, câu chuyện game thủ Việt Nam và Cửu Âm Chân Kinh châu Âu vẫn chưa có hồi kết.
Gamek.vn