Nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật đã bị các nhà làm phim bóp méo, hoặc tưởng tượng hơi quá đà, nhằm phục vụ cho mục đích nghệ thuật.
|
The Martian(2015): Bộ phim Người về từ sao Hỏa của đạo diễn Ridley Scott và ngôi sao Matt Damon nhận được nhiều lời khen ngợi về tính chính xác khoa học xung quanh cuộc chiến sinh tồn trên Hỏa tinh của nhân vật chính Mark Watney. Song, tình tiết mở đầu cho toàn bộ câu chuyện thì hoàn toàn hư cấu và ngay cả tác giả nguyên tác văn học Andy Weir cũng đã thừa nhận điều đó. Không khí trên sao Hỏa hoàn toàn đặc quánh và ngay cả cơn gió mạnh nhất cũng không thể thổi bay con người. Do đó, chuyện Mark Watney bị kẹt lại trên Hỏa tinh vì một cơn bão với gió lốc ở đầu phim là không đúng. Ảnh: Fox |
|
Lucy(2014): Tác phẩm hành động của Luc Besson và minh tinh Scarlett Johansson đặt ra giả thiết rằng con người mới chỉ sử dụng 10% bộ não. Nếu như có cách nào đó khai mở 90% còn lại, chúng ta có thể làm được những điều phi thường giống như cô gái Lucy trong phim. Tuy nhiên, sự thật là một người khỏe mạnh đã tận dụng gần như tối đa bộ não để có thể hoạt động bình thường và sẽ chẳng có siêu năng lực nào chờ đợi chúng ta cả. Ảnh: Universal |
|
X-Men(2000): Loạt phim về người đột biến của hãng Fox đề ra khái niệm rằng sự tiến hóa sẽ giúp cho con người trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn chính xác. Để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, các loài sinh vật phải tiến hóa để thích nghi. Thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên, những đặc điểm nổi trội sẽ được lưu giữ cho giống loài ấy. Đến giờ thì vẫn chưa có sức ép nào từ ngoài môi trường khiến cho một người có thể đọc tâm trí kẻ khác, hay điều khiển các vật dụng kim loại. Ảnh: Fox |
|
Armageddon(1998): Ở bom tấn của đạo diễn Michael Bay, một thiên thạch có kích cỡ bằng bang Texas, Mỹ đang trên đường va chạm với Trái đất, đe đọa sự tồn vong của toàn hành tinh. Lúc này, nhân loại chỉ có đúng 18 ngày để tìm ra cách giải quyết thảm họa. Tuy nhiên, nếu Trái đất có đứng trước nguy cơ diệt vong giống như vậy ở ngoài đời thực, NASA hẳn đã trông thấy thiên thạch đó từ trước nhiều năm. Chưa kể, quả bom mà nhóm phi hành gia sử dụng trong Armageddon cũng khó lòng giúp họ cứu Trái đất. Ảnh: Walt Disney |
|
Alien: Resurrection(1997): Trong phần bốn của loạt Alien, các nhà khoa học quân sự tạo ra bản sao của người hùng Ellen Ripley - nhân vật chính qua đời ở cuối tập ba. Bản sao không những trông giống hệt Ripley, mà thậm chí còn mang cả ký ức của cô. Sự thật là DNA không giúp chuyển giao ký ức như vậy và sinh vật nhân bản vô tính khi ra đời hoàn toàn ở trạng thái “trống trơn” như trẻ sơ sinh. Chưa kể, bản sao của Ripley trông trẻ hơn rất nhiều so với Sigourney Weaver ở ngoài đời và gây ra không ít tranh cãi từ người hâm mộ. Ảnh: Fox |
|
Waterworld(1995): Bộ phim hậu tận thế của Kevin Costner vẽ ra viễn cảnh toàn bộ băng cực trên Trái đất tan ra, nhấn chìm cả thế giới xuống mặt nước. Ngay cả thành phố Denver cao hơn mực nước biển 1.520 m nay cũng ở bên dưới đáy đại dương. Nhưng đừng quá lo lắng vìWaterworld. Các khoa học gia tính toán rằng nếu toàn bộ băng trên Trái đất tan ra, mực nước biển chỉ tăng thêm khoảng 66 m. Chắc chắn có những nơi bị nhấn chìm, nhưng không phải cả hành tinh nằm dưới nước. Ảnh:Universal |
|
Jurassic Park(1993): Trong loạt phim Công viên kỷ Jura, tập đoàn InGen hồi sinh loài khủng long bằng cách trích xuất DNA của loài sinh vật từ máu của những con muỗi nằm trong hóa thạch suốt hơn 65 triệu năm qua. Đây là tình tiết sáng tạo rất thú vị đến từ tác giả nguyên tác văn học Michael Crichton. Song, sự thật là DNA tan rã theo thời gian, và công nghệ mà InGen sử dụng trong phim không thể áp dụng ở ngoài đời thực. Ảnh: Universal |