Bài học đầu đời của những đứa trẻ ở làng chài gầm cầu Long Biên (Hà Nội) là… kiếm tiền. Thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, dường như các em đang ở “ngoài rìa” của cuộc sống.
Hóng “ánh sáng văn minh”
17 hộ ở xóm chài dưới cầu Long Biên thì chỉ có 4 hộ có ánh sáng của đèn điện, còn lại toàn leo lắt đèn dầu, sang hơn thì có ắc quy nhưng cũng chỉ bật khi thật cần thiết. Điện ở xóm chài này được kéo xuống từ những nhà dân sống trên bờ với giá cắt cổ, thế nên không mấy nhà dám dùng.
Con thuyền nhỏ chừng 8m2 của gia đình chị Lịnh là nơi ăn ở sinh hoạt của 7 nhân khẩu. Lúc tôi đến, ba cô con gái chị Lịnh ngồi trong một góc thuyền, chiếc quạt nan phần phật trên tay mà trên trán chúng vẫn rịn mồ hôi. Chị Lịnh giải thích: “Có điện đấy nhưng nhà tôi không dám dùng, đắt quá”. Chỉ vào bình ắc quy, chị Lịnh khoe nhà mình không còn phải dùng đèn dầu nữa, nhưng “chỉ dùng lúc thật cần thôi, như hôm nào ăn cơm tối muộn quá chẳng hạn. Tối không hóng gió thì đi ngủ, chẳng cần tới điện”.
Cả xóm cứ tối om như thế, nên trẻ con nơi đây gần như không có cơ hội tiếp xúc với đời sống văn minh. 4 gia đình được gọi là “ánh sáng của làng” tối nào cũng tấp nập người đến ngồi nhờ… quạt điện và xem ti vi.
Trẻ làng chài không có nhiều cơ hội tiếp xúc với những đồ dùng văn minh.
Một trong những hộ “chơi sang” ở làng chài này là gia đình anh Lâm, mỗi tháng phải trả gần 400.000 đồng tiền điện, vậy mà nhà bán điện đang dọa tăng giá tiếp. Anh Lâm nói nếu tăng giá thật thì không thể trụ nổi. Anh rầu rĩ: “Giờ mà cắt điện thì cũng khổ. Không đèn, không ti vi, coi như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài”.
Không có điện nên tối tối, bọn trẻ thường mò lên cầu Long Biên để hóng “ánh sáng văn minh”. “Quanh đây nghiện ngập nhiều lắm, lên bờ bọn trẻ dễ bị lôi kéo vào tệ nạn như trộm cắp, nghiện hút như chơi… “, một người phụ nữ tầm tuổi 50 bày tỏ nỗi lo lắng.
Leo lắt làng chài
Chập chững là đi… kiếm tiền
Buổi chiều, thú vui chơi của bọn trẻ làng chài là mà ngâm mình dưới dòng nước đục ngầu hoặc tụ tập, đuổi bắt trên bờ. Đứa nào đứa nấy đều đi chân đất, không hề bận tậm đến đống rác rưởi đặc kim tiên ngay dưới chân mình. “Dân vạn mà, đi chân đất quen rồi”, một người đàn ông đang ngồi đốt thuốc lào trên chiếc thuyền nan cũ kỹ nói vọng lên. Ông cho biết, rất nhiều người dẫm trúng kiêm tiêm nhưng rồi cũng mặc kệ, chẳng biết có bị gì không?.
Bài học đầu đời của những đứa trẻ làng chài là "kiếm tiền mưu sinh"
Ngoài những lúc rảnh rỗi khi chiều tà, những đứa trẻ ở đây đều phải lăn lộn kiếm sống từ khá sớm. Phần đông chúng đều theo công việc của cha mẹ là đi nhặt rác.
Trụ cột trong gia đình cô Thanh là ba đứa con, đứa bé nhất 7 tuổi, đứa lớn 15 tuổi vì vợ chồng cô đều bị bệnh lao phổi, chồng lại bị liệt hai chân. Khi biết đi, những đứa trẻ này đã lẽo theo mẹ đi nhặt giấy ở chợ đêm Đồng Xuân. Lớn hơn thì bắt đầu đi nhặt tôm, nhặt hoa quả rơi vãi ở chợ Long Biên.
Con bé Hương 7 tuổi, thằng Mạnh 12 tuổi người đen trũi, bé quắt queo nhưng cứ 2, 3 giờ sáng đã thức dậy để đi nhặt tôm. “Tháng 4 vừa qua, túng quá nên tôi dẫn hai con đi ăn xin ở chùa Quán Sứ. Trúng đợt đội trật tự quận Hoàn Kiếm gom người ăn mày nên cả hai đứa cùng bị tạm giữ. Nghĩ lại hôm cam kết để đón con về thấy nhục nhã, đau đớn lắm. Giờ thì mình chừa, đói mấy không để con đi ăn xin nữa”, cô Thanh thút thít.
12 tuổi, Mạnh đã có thâm niên gần mười năm đi nhặt giấy, nhặt tôm rơi và cả.. đi ăn xin.
Rồi cô Thanh lại quay sang khoe: “Con bé Mai vừa xin làm công nhân vệ sinh ở siêu thị nội thất, tháng được 1,4 triệu. Gia đình 5 người đổ hết lên vai con bé, thương nó lắm”.
Không chỉ mấy đứa trẻ con cô Thanh, những đứa trẻ khác ở làng chài đều lao động kiếm tiền từ rất sớm. Con Thu, con Hà đi nhặt rác, thằng Tuân đi bốc vác ở trên chợ… Hầu hết những đứa trẻ này, lúc mới 1, 2 tuổi đã được mẹ cõng đi khắp nơi nhặt rác, nhặt giấy.
Nhiều em có đi ở trường Mái Ấm 19/5, trường dành cho trẻ lang thang nhưng cũng được chăng hay chớ. Thằng Mạnh con cô Thanh đi học 5 năm vẫn chưa qua được lớp 1. Đi học nhưng hôm nào có người thuê việc, chúng lại nghỉ. Bố mẹ chẳng ai mặn mà, có người đến vận động các em đi học bị phụ huynh đuổi: “Các anh chị đưa sách vở về đi, chúng giờ phải đi làm kiếm tiền…”.
Những đứa trẻ không giấy khai sinh
Hầu hết những gia đình ở làng này đều là lao động tự do từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên… đổ về Hà Nội kiếm sống. Những người cùng cảnh xa quê, yêu nhau rồi thành vợ thành chồng và những đứa con sinh ra vì thế không có giấy khai sinh.
Nhà cô Nguyễn Thị Lĩnh, 4 cô con con gái, thì con ba đứa sau đều không có giấy khai sinh. Từ Bắc Giang lên Hà Nội kiếm sống, cô Lĩnh sống với một người đàn ông quê ở Châu Khoái (Hưng Yên) đã có vợ ở quê. Cô là “vợ bé”, về quê chồng không được công nhận nên con cái không làm được giấy khai sinh.
7 tuổi, bé Hương vẫn chưa có giấy khai sinh.
“Mấy đứa con gái tui tên đẹp lắm. Nguyễn Kim Thúy, Nguyễn Kim Thủy, Nguyễn Kim Thu, Nguyễn Kim Hà. Nhưng đẹp là mình gọi thôi chứ có giấy tờ xác nhận gì đâu”, Cô Lĩnh nói.
Không có giấy khai sinh, các em gặp rất nhiều rắc rối cũng như thiệt thòi. Các em không thể đến trường được như bạn bè, không được làm giấy chứng minh… vì thế kéo theo rất nhiều hệ lụy khác.
Lênh đênh những phận người ở làng chài.
Cô Thanh cho hay, làng chài mới thêm tin, con bé 18 tuổi nhà bà L đã có bầu hơn bốn tháng: “Yêu đương thằng nào trên bờ ấy, vài tháng nữa làng chài lại thêm một đứa bé không có giấy khai sinh. Cái nghèo chồng thêm cái nghèo”, cô Thanh thở dài não nề.