Sinh vật không não một mắt, cá candiru, sứa Irukandji, kiến Harvester, ốc nón, ếch phi tiêu… là những động vật siêu nhỏ nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Ếch phi tiêu
Sinh vật không não một mắt
“Quái vật” không não một mắt ăn thịt đáng sợ. Theo Daily Mail, mới đây các nhà khoa học tại Đại học São Paulo, Brazil đã phát hiện ra một sinh vật kỳ lạ đối với con người, được đặt tên là Erythropsidinium. Loài động vật bé tí này sống ở vùng biển thuộc Nam Mỹ với độ sâu 90m so với mặt nước biển.
Được biết, loài Erythropsidinium không có não và có duy nhất một mắt, có cấu trúc như nhãn cầu của những loài động vật có xương sống và cả con người. Erythropsidinium săn mồi bằng cách cảm nhận những rung động xung quanh hoặc dựa vào ánh sáng thu từ nhãn cầu, từ đó xác định con mồi và phóng mũi tên tấn công hạ gục đối phương.
Cá candiru
Candirus (Vandellia) sinh sống ở lưu vực sông Amazon và Orinoco của đồng bằng Amazon. "Quái vật tý hon" này hút máu và ký sinh trên mang của các loài cá Amazon lớn, đặc biệt là cá da trơn của họ Pimelodidae (Siluriformes). Với người, chúng tìm cách bơi vào bộ phận sinh dục khi họ đi tiểu xuống dòng sông sau đó sinh sống và hút máu trong nội tạng.
Bạch tuộc Blue Ringed
Tên của loài bạch tuộc này được đặt theo đặc điểm cơ thể của chúng, thông thường chúng có màu vàng hoặc nâu nhưng khi sợ hãi cơ thể chúng sẽ nổi những đốm và vòng màu xanh. Mặc dù có vẻ ngoài khá đẹp, và kích thước chỉ vài cm, tuy nhiên một vài giọt nọc độc của chúng có thể giết chết gần 30 người trưởng thành. Chúng thường sống ở các vùng biển xung quanh nước Úc.
Nhện Brazil
Loài nhện này không sử dụng tơ và mạng nhện để bắt mồi, mà chúng thường chủ động đi săn bằng nọc độc chết người của mình. Từ năm 2007, loài nhện Brazil này đã được công nhận là loài nhện có nọc độc mạnh nhất trên thế giới, và là thủ phạm của nhiều vụ chết người nhất, hầu hết các nạn nhân chỉ sống được 1 giờ sau khi bị cắn.
Ong Tarantula
Loài ong đặc biệt này sống trong những khu rừng ở Bắc Mỹ. Mặc dù chỉ dài khoảng 5cm, nhưng loài ong Tarantula có thể tiêu diệt những con nhện to hơn gấp nhiều lần. Chúng thường giết chết con nhện bằng nọc độc và chiến thuật khôn khéo, sau đó đẻ trứng trong người con nhện, ấu trùng ong sẽ ăn thịt con nhện đó và sống được trong 35 ngày. Mặc dù loài ong Tarantula không hay tấn công con người, nhưng nọc độc của chúng được xếp hạng thứ 2 về mức độ gây đau đớn.
Ong mật Nhật Bản
Loài ong mật khổng lồ tại Nhật Bản tuy lớn hơn những loài ong mật bình thường, nhưng chúng cũng chỉ có kích thước từ 5cm đến 8cm. Một cú chích của chúng có thể làm tê liệt hệ thần kinh, đồng thời tấn công các mô xung quanh vết chích gây cảm giác cực kỳ đau đớn. Đặc biệt hơn chúng có thể chích nhiều lần và với tốc độ bay lên đến 40 km/h chúng là những sát thủ thực sự. Mỗi năm có khoảng 40 người tại Nhật Bản chết vì nọc độc của loài ong này.
Ếch phi tiêu
Đây là một trong những loài vật sặc sỡ nhất trong tự nhiên, giúp chúng cảnh báo và xua đuổi kẻ thù. Loài ếch này có chiều dài chỉ khoảng 5 cm và thường có màu xanh, đỏ và vàng, trong đó ếch phi tiêu vàng là loài độc nhất. Chất độc trong người một con ếch phi tiêu vàng đủ để giết chết 10 người đàn ông trưởng thành. Các bộ lạc thường lấy chất độc trong da loài ếch này và tẩm vào phi tiêu, cũng vì thế mà chúng được đặt tên là ếch phi tiêu.
Ốc nón
Với khả năng tự tạo ra hơn 100 loại chất độc khác nhau, ốc nón là một trong những sinh vật đặc biệt nhất trên Trái đất. Chúng thường sống dưới đáy biển, nấp trong cát và chờ con mồi đi ngang qua, khi đó chúng sẽ phóng lưỡi móc và tiêm chất độc vào con mồi. Nhóm chất độc phức tạp được sử dụng bởi loài ốc này được gọi chung là conotoxins - loại độc tố mạnh nhất thế giới, một vết chích cũng đủ để làm tê liệt toàn bộ các cơ và dẫn đến cái chết.
Kiến Harvester
Nọc độc của một con kiến Harvester không đủ để làm ảnh hưởng đến chúng ta, tuy nhiên sự nguy hiểm của chúng nằm ở số lượng. Khi một con kiến Harvester cắn bạn, vết cắn sẽ để lại mùi pheromone và phát tín hiệu cảnh báo đến tất cả những con kiến khác xung quanh đó. Chúng sẽ cùng tấn công nạn nhân và với số lượng đông đáo, chúng thực sự là nỗi khiếp sợ của bất kỳ loại vật to lớn nào. Nạn nhân xấu số có thể bị chết do dị ứng với chất độc hoặc do phản ứng sốc phản vệ.
Sứa Irukandji
Loài sứa Irukandji chỉ có chiều dài khoảng 2 cm, mặc dù vậy chúng là loài động vật sở hữu chất độc mạnh nhất hành tinh. Chất độc của sứa Irukandji mạnh gấp 100 lần rắn hổ mang, gấp 1000 lần ong Tarantula. Sau khi bị cắn, các triệu chứng nôn mửa, nhức đầu, tăng huyết áp và nhịp tim sẽ xảy đến trong vài phút và nạn nhân chắc chắn sẽ không tránh khỏi cái chết. Tuy nhiên chất độc của loài sứa này lại có thể dùng để điều chế huyết thanh chống nọc độc và chữa bệnh bất lực.