Có quán đã mấy chục tuổi, có quán mới ngót ngét 10 năm, nhưng quán nào cũng có được cái chất riêng đủ để người Sài Gòn bỏ qua sự "chảnh" mà ghé đến.
Bánh tráng Chảnh Hồ Con Rùa
Những người mê bánh tráng trộn và hay hóng mát ở Hồ Con Rùa chắc chắn không còn lạ gì với xe bánh tráng của chị Mai "chảnh". Sở dĩ có tên gọi như vậy như vậy bởi chị Mai - chủ tiệm nổi tiếng với những đoạn hội thoại mà khách đến lần đầu, chắc chắn “đỡ không nổi”. Ví dụ khách đến mua giỡn, sẽ được nghe chị đáp trả: “Cà chớn đi, lần sau tui hông bán cho đâu nha”.
Nói về cái tên, chị Mai bảo “Chị thấy tên cũng hay mà, nghe độc”.
Ai không quen với thái độ bất cần này sẽ tặng ngay cho chị chữ "Chảnh", nhưng đa phần ai cũng ưa kiểu cá tính, ngồ ngộ này của chị. Dần dần vì thế, bánh tráng của chị được mệnh danh là "bánh tráng chảnh". Chị cũng không chối từ, nhận danh hiệu này nhiều năm và quyết định làm luôn cái bảng hiệu tên này cho người mua biết trước mà lường.
Chị Mai thường hay xuất hiện với chiếc mũ lưỡi trai đội ngược và gương mặt vừa lạnh, vừa ngầu.
Ngoài gây ấn tượng bằng tấm biển "chảnh", bánh tráng của chị Mai còn khiến thực khách mê bởi các loại khô phong phú và nước sốt bò cay siêu ngon và siêu độc chị tự tay làm. Không những vậy bánh tráng của chị còn có thêm cả nem chua nên ăn rất lạ miệng. Lúc trộn bánh, chị hết sức tập trung và kiệm lời, nhưng khi đã lên tiếng thì một là khiến người ta bất ngờ, hai là phải bật cười. Bởi tuy thái độ có vẻ như bất cần, nhưng lời nói của chị lại hài hước, dễ thương.
Các nguyên liệu bánh tráng của chị được xếp gọn gàng, ngăn nắp.
Thi thoảng được ngơi tay vào những lúc vắng khách, chị bật chút nhạc “giựt” lên và hồn nhiên hát theo, gương mặt thể hiện tâm trạng đúng như bài hát, chân nhún nhảy theo điệu nhạc. Đang phiêu giữa chừng mà có khách đến mua hàng, lại lập tức trở về trạng thái lạnh lùng, tập trung trộn bánh tráng. Chị Mai vui vẻ chia sẻ, “Quán nào cũng có điểm mạnh riêng, khách cứ đi chỗ khác ăn rồi thích cái riêng của mình thì quay về. Quán nào ngon hơn chị cũng được, nhưng “chảnh” hơn chị là chị không chịu à nha.”
Trà sữa Nhà Hát Thành Phố
Nơi đây được xem là "quán cha đẻ" của món trà sữa túi lọc được giới trẻ Sài Thành cực kì yêu mến suốt hơn 8 năm qua. Với giá thành chỉ có 10 nghìn/ ly cùng vị trị đắc địa khi nằm ngay giữa trung tâm thành phố, đây là điểm đến hot không thua kém gì cà phê bệt đối với các bạn trẻ, nhất là vào những chiều tối cuối tuần.
Vài chục ly trà được chuẩn bị trước từ lúc 6h30 tối
Tuy đã phân chia quy trình bán hàng ra nhiều khâu pha trà, đóng hộp – bỏ bọc giao khách, thu tiền; nhưng tối nào người bán và người mua cũng như sắp bước vào cuộc chiến. Mấy chục ly đã chuẩn bị từ trước cũng chẳng đủ đáp ứng nổi cho lượng khách ùa tới ào ạt không ngừng nghỉ.
Vào giờ cao điểm, người làm dù luôn chân luôn tay vẫn không đủ phục vụ khách mua.
Đứng giữa hàng chục người mua, vừa nóng mà vẫn phải làm luôn tay, người bán đôi khi quá mệt không buồn trả lời mặc khách hỏi và nhắc liên tục. Ai nhắc hoặc hối quá nhiều lần sẽ bị đáp trả: "Cô biết rồi con đừng nói nữa, sao con nói nhiều quá vậy". Thậm chí trước đây, khi chưa tách khâu thu tiền ra riêng, ai đến mua mà không chuẩn bị tiền lẻ thì sẽ phải đợi đến khi khách vãn để người bán có thời gian “thở” và thối tiền.
Trà sữa Nhà hát dùng phần phần trà túi lọc và sữa đặc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên người uống rất yên tâm.
Không khí nhộn nhịp và thoáng đãng chính quanh quán trà này cũng là một trong những điểm cộng thu hút các bạn trẻ, nên dù có phải chen chúc hay nghe vài câu gay gắt vẫn quyết mua cho bằng được. Một bí quyết được khách quen chia sẻ là "nhắc theo nhịp" chứ không nhắc nhiều vì biết càng hối càng lâu có. Lúc nhắc phải nhìn mặt người bán, thấy cau mày khó chịu là ngưng không nhắc nữa.
Quanh “quán” là các công trình kiến trúc hoa lệ, khiến cho tầm nhìn trở nên lãng mạn và cũng đầy sôi động.
Từ đây, bạn có thể thả tầm nhìn ngắm Sài Gòn về đêm, vừa được nghe ké miễn phí vài bài hát ngẫu hứng.
Trà sữa Phượng Hoàng
Cái tên "trà sữa chảnh" chỉ là tên vui khách quen hay gọi quán vì quy định ngộ ngĩnh mỗi giờ cao điểm: Mỗi người chỉ được mua 2 ly, muốn mua thêm phải xếp hàng lại, chừa lượt cho người khác. Những tưởng chủ quán bất cần vì đông khách không thèm bán, nhưng lý do của anh là vì không muốn để ai phải chờ đợi quá lâu, vì họ cũng đã cất công đến ủng hộ anh. Vì lí lẽ đó nên dù "chảnh" nhưng khách không những không bực bội mà còn khiến rất yêu mến vì chủ quán biết nghĩ cho khách.
Quán bán từ 8h30 sáng đên 10 giờ đêm.
Hai chủ quán là anh Hào và anh Kiệt thay nhau bán hàng, cứ giao xong một đợt trà sữa lại ra “điểm danh” lượt mới. Sau khi nhận đặt hàng xong anh lại quay vào làm thoăn thoắt, tuy không nói nhiều nhưng lại là người thân thiện và nhiệt tình.
Quán có rất nhiều loại trà sữa, các loại đều được nấu sẵn và cất trong thùng sắt. Những món thạch, hạt thủy tinh cũng có nhiều hương vị để chọn lựa. Trà ngon mà giá lại mềm, chưa tới 15 ngàn/ly, bởi thế mà vào những ngày Sài Gòn nắng nóng, quán của anh lại càng chật kín người đến mua, xe đậu dọc sang cả con đường Hòa Hảo bên cạnh.
Một ly trà sữa thơm ngon không quá 15 nghìn dù có gọi thêm thạch, trân châu các loại.
Vì biết được sự yêu mến thực khách dành cho mình, mà anh Quốc Hào và Quốc Kiệt chấp nhận mang cái danh “trà sữa chảnh” để ai đến cũng được thưởng thức trà, vì theo anh khách đến không chỉ để uống trà mà còn để có niềm vui. Duy chỉ có một điều khách không hài lòng ở quán này là lâu lâu hứng lên chủ quán đóng cửa nghỉ đi du lịch, khiến cho người mua cứ thế mà ngậm ngùi ra về.
Bánh đúc Phan Đăng Lưu
Bánh đúc Phan Đăng Lưu được mệnh danh “chảnh” đúng nghĩa đen. Vì mức độ hiếm của thức quà này ở Sài Gòn cùng sự bí quyết chế biến riêng mà độ nổi tiếng của bánh đúc bà Hồng ngày càng lan rộng. Trong vài tiếng mở bán lúc xế chiều, “đội ngũ” bán hàng của quán phải làm việc luôn tay để phục vụ một lượng khách đông đảo người đến ăn cũng như mua về.
Vì áp lực quán khá đông, người mua phải xếp hàng đợi nên hối liên tục, khiến cho người bán luống cuống nên đôi khi sinh ra cáu bẳn. Khách quen đến ăn đã không còn xa lạ với những mẩu hội thoại chất chứa bực bội: “ Mua có một hộp mà đưa nhiêu đó tiền hả?” khi khách đưa tiền có mệnh giá lớn hay "Đi chỗ khác chụp nha, chụp ở đây tui lấy máy nha” nếu khách đưa máy lên chụp ảnh.
Khách mới đến lần đầu chắc chắn sẽ không quen với điều này, thậm chí còn ít nhiều khó chịu, nhưng quả là khó tìm được nơi đâu bán bánh đúc nóng ngon bằng ở đây. Bánh đúc của bà nổi tiếng bởi cách kết hợp lạ: bánh đúc ăn cùng nước mắm ngọt. Mọi thứ từ bánh đến nước mắm, thịt xào, hành phi đều được làm tỉ mỉ nên rất chất lượng. Đây có lẽ là lý do vì sao phải đợi chờ mòn mỏi và đôi khi phải nghe những điều khó chịu, lượt khách kéo đến quán này chưa bao giờ giảm. Mà đôi khi, khách đến ăn cũng vì tò mò về độ… chảnh của quán nữa.