Tin tức - pháp luật 2010-08-19 08:47:22

Những cú lừa ngọt ngào giữa đường


Đang đá bóng tại sân vận động Phú Thọ (TP HCM), Tuấn Anh tá hỏa khi phát hiện ba lô đựng giấy tờ, thẻ xe (vé) và tiền của mình đã không cánh mà bay, thêm vào đó là sự biến mất của một cầu thủ lạ mặt trong đội bạn.

“Do đội bóng đối phương còn thiếu một người nên tụi em đồng ý cho một thanh niên lạ mặt tham gia. Người này tỏ thân mật với mọi người nên cả 2 đội đều nghĩ là bạn trong nhóm còn lại. Sau khi đá một lúc, hắn kêu mệt và xin ra sân nghỉ ngơi. Em không ngờ chính lúc ấy hắn đã nẫng mất chiếc ba lô đựng giấy tờ, tiền bạc và cả thẻ xe của em”, Tuấn Anh, sinh viên năm nhất trường Đại học Kinh tế kể với VnExpress.net.

Cùng với đồ đạc, Tuấn Anh phát hiện chiếc Air Blade trị giá 40 triệu đồng của mình đang gửi ở bãi giữ xe cũng "bốc hơi". Các nhân viên bảo vệ ở sân vận động Phú Thọ cho biết đã nhìn thấy một thanh niên mặc đồ cầu thủ dắt chiếc Air Blade ra ngoài và trình giấy tờ một cách tự nhiên nên không có ai nghi ngờ gì.

“Tên đó trắng trợn quá mà đóng kịch cũng đạt, nên ai cũng bị gạt. Giờ mỗi lần đi đâu bọn em cũng phải dè chừng cảnh giác không thể tin ai được”, Linh, một cầu thủ trong nhóm nam sinh Đại học Kinh tế đúc kết.

Sự việc được trình báo công an. Đại diện công an phường 15, quận 11, cho biết lâu nay rất hiếm khi xảy ra vụ nào tương tự. “Song một phần cũng do sự bất cẩn của các sinh viên này nên mới để kẻ gian lợi dụng. Vì thế mọi người khi đến nơi công cộng cần cảnh giác và cẩn trọng với đồ đạc tư trang. Đôi khi sự sơ hở của mình sẽ là cái cớ để kẻ tham ra tay”, đại diện công an phường 15 nói.

Nhiều người đi đường trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo giữa ban ngày.
Ảnh minh họa: Ngoan Ngoan.
Thời gian gần đây, nhiều người đi đường do nhẹ dạ đã "sập bẫy" của nhiều nhóm lừa, với các chiêu dụ khị ngọt ngào và ngoạn mục.

Như trường hợp của chị Trang, quê Đồng Nai làm nghề bán rau ở chợ. Mới đây, đang trên đường về nhà, chị gặp một người phụ nữ đi chiếc Dream từ phía sau chạy lên hỏi: "Có phải vàng của chị bị rơi không?". Chị Trang trả lời không, người phụ nữ này gợi ý chia cho chị một phần vàng vừa nhặt được coi như làm phước. Do xung quanh không có tiệm vàng nào để bán nên "nữ quái" đề nghị nạn nhân đưa cho bà ta chiếc đồng hồ đeo tay, còn tất cả vàng thuộc về chị.

"Lúc ấy mừng quá, tưởng vớ được cơ hội đổi đời nên đưa luôn chiếc đồng hồ mới mua trị giá gần 500 nghìn đồng. Ai ngờ lúc về nhà mở ra xem mới biết chiếc dây chuyền 5 chỉ kia là giả. Nghĩ lại cũng chỉ tại mình tham nên mù quáng đến dại dột", chị Trang chép miệng xót của.

Kịch bản gần giống cũng xảy ra với nam sinh Nguyễn Tấn Kính, khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Tôn Đức Thắng TP HCM. Kính kể, trên đường về nhà, đến ngã tư Phan Văn Trị giao với Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, cậu gặp một thanh niên trạc 27 tuổi chạy chiếc Wave xanh, dáng vẻ thất thần hỏi thăm có nhặt được tiền và vàng của anh ta bị rơi không.

Sau đó một thanh niên khác đến nói vừa nhặt được 2 cây vàng với 5 triệu đồng và đề nghị trả lại Kính. Cậu sinh viên từ chối vì không phải tài sản của mình, anh ta bèn yêu cầu giữ bí mật và gợi ý chia cho Kính 5 triệu đồng tiền mặt, còn mình giữ 2 cây vàng. Vừa lúc "người bị mất của" khi nãy quay lại đòi tài sản. Hai thanh niên bày ra màn cãi cọ rồi quyết định chia 3 số tài sản "nhặt được" cho mỗi người một phần (kể cả Kính), đồng thời yêu cầu chàng trai mang vàng đi bán với điều kiện phải để lại điện thoại di động và laptop làm tin.

Nhận ra đây là trò bịp bợm, cậu sinh viên giả vờ không đồng ý và đề nghị cả 3 người cùng đi bán để tìm cách tố cáo hai tên này với công an. Đi được một đoạn, hai kẻ lừa đảo biết kế hoạch đã bị lộ liền quay đầu tháo lui kèm theo những tiếng chửi rủa tục tĩu đầy tức giận.

"Bọn này đóng kịch đạt đến không thể chê được. Ban đầu mình cũng động lòng tham tưởng bở, nhưng may sao đến lúc bọn nó kêu để điện thoại và laptop lại, mình nhận ra ngay đây là trò lừa đảo", Kính tường thuật.

Vài ngày sau cậu sinh viên bắt gặp hai tên lừa đảo ở quận 4 cũng với bộ dạng tương tự. Sau thời gian theo dõi, nam sinh này kết luận, bọn lừa có 2 tên đi chung một xe máy mang biển số 60 (Đồng Nai) xuất phát từ quận 4, địa bàn hoạt động là quận Gò Vấp. Tuy nhiên khi hành nghề, chúng tản ra thuê xe máy khác mang biển số 50 (TP HCM).

Quốc Hân, sinh viên năm 2, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cũng cho biết, trong nhiều khu phố hiện xuất hiện rất nhiều nhóm giả làm thợ điện đi bán máy khoan nhưng thực chất là lừa đảo. Những tên này thường nhắm đến đối tượng là sinh viên hoặc dân lao động.

Có lần Hân gặp một thanh niên tự xưng là thợ điện đang làm ở điện lực quận Tân Bình. Anh ta gợi ý nhờ Hân bán những chiếc máy khoan công nghiệp mà "anh vừa chôm được ở công ty" với số tiền lời mỗi chiếc lên đến 700 nghìn đồng. Điều kiện là Hân phải để lại điện thoại di động "làm tin". Nam sinh viên lập tức nhận ra đây là trò bịp.

"Tuần trước trong phòng trọ mình cũng có một bạn vừa bị lừa vố tương tự. Bạn ấy đã mang chiếc máy khoan đi bán nhưng không ai mua, thế là mất cả chì lẫn chài", Hân cho biết.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)