ChildLine, một đường dây nóng dành cho thanh thiếu niên tại Scotland trong tuần qua đã nhận được hàng trăm cú điện thoại bày tỏ nhu cầu muốn được “giải thoát” từ các bạn tuổi teen.
“Em muốn chọn cách chết nào?”
D.Rogerson (15 tuổi) gọi điện đến đường dây tư vấn ChildLine ngay buổi tối khi vừa chia tay bạn gái. Giọng nói của D như lạc đi, dường như cậu không thể kiểm soát được bản thân mình nữa: “… bạn gái em chia tay em mà không đưa ra một lý do nào cả. Cô ấy bảo chán yêu nên muốn chia tay. Em không hiểu, thực sự không hiểu, em phải làm gì để quên đi cô ấy? Bọn em đã yêu nhau được 1 năm rồi và chỉ có chết em mới hết đau khổ…”.
Theo như báo cáo tổng hợp và nghiên cứu của các nhân viên tư vấn cho biết, những cuộc điện thoại đòi “chết” với lý do như của D là không hiếm. Và nhiều trường hợp khác, các bạn trẻ muốn tự tử vì những lý do vô cùng ngớ ngẩn, ngốc nghếch như thấy mình quá béo, quá xấu, bị ám ảnh tội lỗi khi quan hệ với người yêu… Cách giải quyết của ChildLine cho các “ca khó” này là họ không cắt ngang khi các bạn trẻ muốn tâm sự hay cố gắng khuyên giải, ép các bạn phải vứt bỏ ý nghĩ đó ra khỏi đầu.
“Tôi để cậu bé nói như trút hết mọi sự bực dọc, phẫn nộ và uất ức vào ống nghe. Sau đó, tôi hỏi D là cậu muốn chọn cách chết nào? Tôi cảm thấy cậu bé im lặng một lúc lâu và tôi hỏi lại cậu rằng: em đã thực sự muốn và sẵn sàng để chết chưa?” - một nhân viên tư vấn của ChildLine kể lại.
Rõ ràng dù luôn miệng đòi tự tử, nhưng các bạn trẻ này chưa nghĩ đến việc mình sẽ chết bằng cách nào. Những nhân viên tư vấn đã khéo léo “đánh lạc hướng” để kéo các bạn về thực tại cuộc sống, giúp họ tự vấn lại bản thân bằng những câu hỏi “bạn muốn quyên sinh là vì cái gì?”, “điều đó có đáng không?”, “sau khi bạn chết, bạn có nghĩ đến gia đình và người thân của bạn sẽ sống thế nào khi thiếu bạn?” , “bạn đã hình dung ra đám tang của mình chưa”…
Các chuyên gia tâm lý sử dụng những câu hỏi này để hướng các bạn trẻ đến những suy nghĩ thực tế, tích cực khi nhắc đến cái chết, tách bỏ những cảm xúc mãnh liệt đang chi phối bạn, giúp bạn hình dung ra một tương lai tươi sáng, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Chỉ là những tâm hồn yếu đuối!
500 cuộc điện thoại với nhu cầu muốn… chết hay kể về những lần các bạn tuổi teen cố tự tử mà không thành được ChildLine thống kê những tháng qua đã gây sốc với nhiều vị phụ huynh, các nhà nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học tại Scotland. Những vụ tự tử ở độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi tăng lên 71% trong vài năm gần đây.
Cô Elaine Chalmers, người điều hành của ChildLine nói: “Thật đau lòng khi nghe bọn trẻ kể về những điều khiến chúng muốn tự kết liễu đời mình. Một vài em nói rằng họ làm vậy như một dấu hiệu của sự cầu cứu…”.
Một điều thực sự nguy hiểm là các bậc phụ huynh gần như không nhận ra được những chuyển biến, thay đổi trong tâm sinh lý của con họ.
Richel Portman kể về lần tự vẫn không thành của mình: “Em uống thuốc ngủ và nghĩ mình sẽ chết, nhưng sáng hôm sau, em thấy mình tỉnh dậy trên giường, cửa phòng vẫn khóa. Em đi sang phòng bố mẹ, họ đã đi làm từ lâu, không ai biết hay quan tâm em đã làm gì tối qua. Em luôn thấy buồn và lúc nào cũng muốn khóc, em không hiểu mình tồn tại trên đời này để làm gì nữa… và chắc chẳng ai nhận ra điều đó”.
Ở lứa tuổi có nhiều biến động về tâm sinh lý này, các em rất yếu đuối để chống đỡ những điều không hay hoặc rủi ro bất chợt xảy đến với mình. Dù có nhận được sự trợ giúp hay tư vấn từ những chuyên gia tâm lý thì các em cũng không dễ dàng trở về trạng thái cân bằng và xoá bỏ đi ý nghĩ muốn quyên sinh.
Điều cần thiết là sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình và những người thân, bạn bè sẽ là động lực để các bạn trẻ vượt qua được sự yếu đuối của bản thân, để không bao giờ là quá muộn cho một sự trở về.