Chú ý Địa chỉ này vần có hiệu lực trước 23:59:59
Liên nghĩ mình cũng thuộc dạng “đàn chị”, chẳng ai dám qua mặt, ai dè vớ phải những đối thủ còn “cao tay” hơn nhiều: Tiền không trả, bị đòi liên tục nên mấy “con nợ” bực mình rủ nhau cùng kéo đến tận trước cửa trường học.
Ảnh minh họa |
Đã là teen, thì chuyện đôi lần… hết tiền là điều dễ hiểu. Và khi hết tiền, nhưng lại cần chi tiêu một việc gì đó, thì tất nhiên, giải pháp rất phổ biến đó là vay tạm bạn bè.
Tại lớp 11 (trường X, HN), T.Phong nổi bần bật vì “chất” công tử con nhà giàu của mình. Được cái, giàu là thế, nhưng Phong lại rất thân thiện, dễ gần, nên được bạn bè yêu quý và đặc biệt là… vay tiền thường xuyên. Không cho vay thì sợ mang tiếng keo kẹt, mà cho vay liên tùng tục như vậy thì Phong cũng hơi… ấm ức: “Mình chẳng khác nào cái ngân hàng đi phục vụ không công cho tụi nó”. Trong một lần trêu cậu bạn: “Sao vay hoài vậy, tao tính lãi đấy nhé”, không ngờ lại được gật đầu cái rụp: “Ừ, cứ tính đi. Vay nhiều của mày cũng ngại mà”.
Từ đó, Phong quyết định tính lãi bạn bè, mà cũng quy ra % rất đàng hoàng: vay bao nhiêu cũng thế, cứ mỗi ngày lại tính thêm 10% tổng số tiền để làm lãi. Những người vay tiền của Phong, chủ yếu là những lúc lỡ quên ví ở nhà, thiếu tiền ăn sáng… Số tiền cũng chỉ 5 nghìn, 10 nghìn, cao hơn là 20 nghìn đồng, nên hôm sau trả thêm cho Phong 10% cũng chẳng có gì khó khăn. Dần dần, cô bạn cùng lớp thích cái áo mới ngoài shop nhưng chưa đến lúc được phát tiền tiêu vặt cũng í ới: “Phong ơi”, cậu bạn thiếu nợ chủ quán game bao nhiêu ngày cũng: “Cho vay một ít”…
Thấy nhu cầu của bạn bè ngày càng tăng, Phong cứ nâng dần số % lên, và sung sướng thấy kiếm tiền sao mà dễ dàng thế.
Đến vay cao, vay nặng lãi
Từ chỗ vài chục nghìn đồng, nâng lên hàng trăm, rồi thậm chí, có người còn hỏi vay Phong tiền triệu. Để “mở rộng làm ăn”, Phong về nài nỉ mẹ cung cấp “vốn” cho mình. Phạm vi không chỉ là ở trong lớp, mà còn mở rộng ra cả trong trường, rồi những người quen biết. Người vay thì sử dụng vào đủ những mục đích khác nhau, nào là “kết” con điện thoại đời mới quá, cứ vay để mua cho “nổ” với bạn bè đã, chuyện trả tính sau, rồi “nướng” vào lô, đề, vào những chiếu bạc, càng thua càng vay tiền để “cày”, mong một ngày… trúng lớn.
Đến lúc ấy, Phong tự hào rằng mình không còn kiểu làm ăn “lặt vặt” như xưa, mà thực sự đã trở thành một “chủ nợ” lớn. Tất nhiên, số lãi không còn dừng lại ở những con số mà Phong cho là bé tí bé tẹo, mà nặng hơn nhiều. Ấy vậy mà, “khách hàng” của Phong vẫn cứ “cắn răng mà chịu”. Phong lý giải: “Bí quá chứ sao. Hơn nữa, không bắt đặt cọc cái gì, phải chịu lãi cao là đúng rồi”.
Hình thức cắm đồ, mà người “cầm hộ” là bạn bè cũng chẳng hề hiếm. H.Việt (lớp 12, trường Y, HN) khoe mình đã có “thâm niên” trong “nghề” này gần hai năm nay. Từ điện thoại, laptop, Mp3… Việt đều “cầm” cả. Ngược đời một cái, đó là số tiền Việt đưa cho người đem đến cầm đôi khi còn… nhiều hơn giá trị món đồ mà họ đem đặt. Thay vào đó, tiền lãi cũng ở mức ngất ngưởng, và nếu trường hợp người đi cầm, không trả đủ được cả gốc lẫn lãi để chuộc đồ về đúng thời hạn, thì ngay lập tức, món đồ ấy sẽ có giá trị còn “bèo” như… đi cho, và đương nhiên, mất đồ, và tiếp tục mang nợ một khoản lớn!
Tổ chức chơi “hụi” (hay còn gọi là chơi họ: nhiều người đóng tiền theo định kì, mỗi người lấy một lượt, hết lượt lại quay lại), thành chủ hụi rồi cũng thành luôn “chủ nợ” là chân dung của K.Liên. Những người muốn chơi, đăng ký với Liên, sau đó cô bạn xếp nhóm, hàng ngày hoặc hàng tuần thu tiền, sau đó đến kì người nào được lấy tiền thì đưa cho người đó, và nhận % gọi là “hoa hồng”. Đặc điểm những nhóm hụi do Liên lập ra là hầu hết đều “chơi tiền to” cả. Liên nắm trúng tâm lý của những teen hám số tiền lớn khi đến lượt mình nhận tiền hụi, nhưng không phải lúc nào cũng có tiền để hàng ngày, hàng tuần đóng. Khi ấy, chủ hụi Liên sẽ “tốt bụng” cho vay tạm, nhưng tất nhiên số tiền phải trả lại gấp 3,4 lần. Chưa trả được lần này đã đến lần sau, lãi mẹ lại đẻ lại con, nhiều cô nàng thành “con nợ” của Liên với số tiền lên đến mấy triệu đồng.
Nỗi niềm “chủ nợ”
Đã cho vay nợ, thì nỗi lo lắng lớn nhất là bị… quỵt tiền. Chẳng hạn như Phong, một lần dồn hết sạch tiền cho 2 cậu bạn vay, vì được hứa sẽ trả lãi cao hơn bình thường. Tuy nhiên, sau khi bị “cháy” sạch vì lô đề, thì quay ra dùng đủ chiêu, từ lì đến “chai mặt”. Khổ hơn, họ toàn thuộc dạng “đàn anh, đàn chị”, chỉ mới nhìn thấy Phong cũng đã đủ chết khiếp, nên đành ngậm ngùi với lời hứa: “Thư thư tao trả”, mà cũng không biết cái “thư thư” ấy sẽ đến bao giờ.
Bi hài hơn nhiều là chuyện của Việt. Để “lấy le”, không ai dám quỵt tiền của mình, Việt đi thuê hẳn mấy cậu cao to chuyên đi… đòi nợ giúp mình, chủ trương dùng “vũ lực” cho tụi nó khiếp! Việt cùng mấy cậu “đàn em” liên tục gây ra những vụ ẩu đả, đánh nhau, mấy lần bị gọi lên ban giám hiệu, mời phụ huynh và suýt thì bị… đuổi học.
Tương tự như thế là trường hợp của Liên. Tưởng mình cũng thuộc dạng “đàn chị”, chẳng ai dám qua mặt, ai dè vớ phải những đối thủ còn “cao tay” hơn nhiều: Tiền không trả, bị đòi nên mấy “con nợ” rủ nhau cùng kéo đến tận trước cửa trường học, xông vào đánh túi bụi, xé cả áo “chủ nợ” để: “Xem mày còn dám đòi bà nữa không”.
Với những chủ nợ tuổi teen, kiếm tiền tưởng “dễ như ăn kẹo”, nhưng cuối cùng thì mải “tính kế”, quên cả học hành, lại toàn thấy chuốc vạ vào thân!
Theo Zing!