Đương nhiên, tiếng đàn phừng phừng từ những sợi chăn con công bện lại cũng không rõ lắm nhưng nếu để ý kỹ thì nó vẫn có vần, có điệu để gã tù khác "hát cho ra hát. Sau sáng kiến có một không hai ấy, đám tù đàn em mới được yên thân. Vết xăm loang lổ và thân phận của “chuột bạch” Một khi đã bước chân vào tù và nhận được những bản án lên tới hai con số về năm tù, những tên tội phạm đã xác định trước được số quyển lịch mà mình phải … bóc chưa biết ngày nào mới hết. Xác định như vậy nhưng khi đối mặt với thực tế, không phải tên tù nào cũng đủ gan lỳ trước những trận đòn nhừ tử của đám tù cùng buồng dằn mặt, hay những “bài học nội quy” của trưởng buồng kèm theo “mưa đòn” vào mỗi đêm. Một khi đã là “lính mới” thì đại ca trưởng buồng bảo làm gì thì cũng phải làm. Không làm được cũng đồng nghĩa vỡi việc “chống lệnh” và đương nhiên sẽ có “hình phạt” còn ác hơn … thời trung cổ. Trở về sau những ngày tháng dài thụ án trong một trại giam ở Thanh Hóa, C. có đủ thừa sự lọc lõi và khôn ranh sau bản án 15 năm tù giam. Thân hình của gã vằn vện những hình xăm uốn lượn khắp người, cái đầu trọc hếu của một kẻ đầu trộm đuôi cướp có “số má”. Chẳng mấy ai biết rằng thân thể của gã chẳng khác nào một bản nháp để đám bạn tù tha hồ tung hoành xử lý mỗi khi chúng thấy “sướng” lên. Những tên tù đầu sỏ vẫn thường coi C. là “giấy nháp” khi chúng phát minh ra những trò mới cần có kẻ để thử nghiệm khẩn cấp, dù ở bất kì thời điểm nào trong ngày. Giải thích về cái gọi “giấy nháp” của mình, gã kể rằng, sau những ngày đầu vào tù cũng phải trải qua việc học nội quy ngầm của buồng với tiêu chí luôn được đặt lên hàng đầu: “Bạn tù là cha, là mẹ, phải tuyệt đối trung thành. Với cán bộ phải ăn gian nói dối…” cùng những trận đòn nhừ tử đến mức không thể đứng dậy nổi của đám tù cũ. Tuy nhiên, những trò đó chưa ăn thua với phát minh quái đản mà tên trưởng buồng đột nhiên nghĩ ra trong đêm, và gã bị dựng dậy để làm “vật thí nghiệm” ngay lập tức. Chỉ tay vào một hình xăm màu xanh lét trên cánh tay phải của mình, giọng nói của gã trùng xuống: “Ông biết cái thù xăm hình của đám bổ, báo, cáo, chồn chứ? Đám giang hồ đứa nào chẳng có chi chít các hình xăm”. Gã nhoẻn miệng cười nhạt: “Mấy cái lũ dó chỉ là 'con tép' thôi. Ông cứ để ý tên nào có hình xăm màu như tôi mới được gọi là… xăm. Trong tù, mỗi buồng là một tên trưởng buồng có máu mặt trước khi vào trại nên chúng thường có rất nhiều trò quái đản để dằn mặt tù mới, và cũng xem là hình thức 'giải khuây'. Ông thử nghĩ xem trong tù có thừa thời gian nên chuyện nghĩ ra nhiều trò cũng là dễ hiểu. Có điều thước đo ở đây chính là độ ác ôn và quái dị ở mức nào thôi. Nếu ông để ý kỹ sẽ thấy các hình xăm trên người tôi chẳng cái nào ra hình thù cụ thể và hầu hết đều có màu xanh”, vừa nói, gã vừa cởi áo ra cho tôi nhìn kỹ. Quả thực trên người gã vằn vện những hình xăm chẳng cụ thể cũng chẳng theo một logic nào. Đơn giản đó chỉ là một đống ký tự, hình thù nhằng nhịt xanh lè. Có chỗ còn đang lở loét có mù trắng sắp vỡ… Tôi rùng mình khi nhìn thấy những hình thù quái đản và vết sẹo chưa liền của gã. Gã cười, gương mặt hằn lên đầy sự căm hận đến tận xương tủy: “Đây là những hình xăm mà đám bạn tù 'tặng' lên thân thể tôi. Chúng xăm bằng mực bút bi và kim khâu chứ không phải dùng máy xăm nên khi nó ăn vào dưới da rất nguy hiểm, có thể bị bệnh và rồi mưng mủ lở loét như ông đang nhìn thấy đấy. Thành quả khiến tôi khốn khổ như thế này chính là 'phát minh' của gã trưởng buồng. Gã khi còn chưa xộ khám có 'máu nghệ thuật'. Đúng lúc tôi mới vào hắn 'phát minh' ra phương pháp xăm bằng kim khâu nên tôi được đem ra làm 'thí nghiệm' luôn. Có hôm người tôi toe toét máu vì cái trò quái đản ấy của hắn”. Giọng nói của gã nghèn nghẹn lửa căm thù khiến tôi cũng phải im lặng, chờ gã mở lời trước. Bỗng gã rút điện thoại gọi thêm “đồng đội” đến để … “tiếp” tôi. Theo lời gã, sẽ có thêm hai thằng đệ của gã cũng vừa mới ra tù với mức án cũng lên đến mức hai con số. Chỉ sau 15 phút, trước mặt tôi có thêm hai gã bặm trợn đầu cũng trọc lóc đội mũ lưỡi trai màu đen. Hai gã này có lẽ cũng đã đáng tuổi tầm… bố tôi ở nhà nên đương nhiên nhiều tuổi hơn C. là cái chắc. Tuy nhiên, “hai thằng đệ” theo lời của C. lại khúm núm khi gã lên tiếng: “Hai thằng này ở cùng trại với tôi. Bọn nó cũng từng trải qua chẳng khác tôi tý nào. Có điều cái bọn này gặp những tên trưởng buồng 'hiền' hơn trưởng buồng của tôi nên còn may”. Sau cái bắt tay làm quen, tôi được biết hai gã “đầu gấu, đầu mèo” tôi vừa làm quen cũng có cùng “tâm sự” như C. nên gã mới gọi ra để “chém gió”. Một gã tên H. mở lời: “Ông muốn biết về những 'phát minh' của đám tù như bọn tôi thì có mà mất vài trang giấy cũng chẳng viết hết”, nói đoạn gã cười khoái trá. Nhưng khi C. lừ mắt, gã này câm bặt để nhường lời cho tên còn lại tên T: “Bọn tôi trong đó thiếu gì trò. Những cái 'phát minh' ấy bản thân bọn tôi thằng nào mới nhập buồng đều được đem ra làm thí nghiệm như con chuột bạch ấy”. Quái chiêu dùng chăn làm đàn Theo lời của T., tên trưởng buồng của gã là một tên “lãng tử” nên rất thích nghe nhạc. Mà trong tù thì lấy đâu ra nhạc cho gã nghe. Biết ở trong buồng có một tên tù có năng khiếu ca hát, gã yêu cầu phải làm thế nào để tạo ra đàn, rồi bắt tên tù kia hát cho gã nghe đỡ buồn. Sau cái yêu cầu quái đản ấy, T. và đám bạn cùng buồng méo mặt vì gã nói nội trong một tuần mà không nghĩ ra sẽ “chết đòn”. “Cái khó ló cái khôn”, một gã tù cùng buồng với T. đã nhanh trí nghĩ ra một chiêu mà có lẽ không một nhạc sĩ nào có thể nghĩ ra. Gã tạo ra một loại đàn bằng sợi của loại chăn con công ngày xưa cùng cái mắc áo. Đương nhiên, tiếng đàn phừng phừng từ những sợi chăn con công bện lại cũng không rõ lắm, nhưng nếu để ý kỹ thì nó vẫn có vần, có điệu để gã tù khác "hát cho ra hát". Sau sáng kiến có một không hai ấy, đám tù đàn em mới được yên thân. Nói về những phát minh oái oăm của đám tù tội trong những ngày tháng “bóc lịch”, C. chen vào câu chuyện giữa tôi và T. như để chứng tỏ đẳng cấp đại ca của mình với hai tên “đệ tử cao tuổi”. “Ông biết cái chăn con công ngày xưa không. Chăn đó bọn tôi được người nhà gửi vào dùng nhưng buồn buồn nó lại thành công cụ để tạo ra nhiều thứ khác nhau”, C. nói. Cái “thứ khác” mà C nói đến với đầy vẻ “tự hào” đó là các con vật nhiều màu như con tô, con thỏ, con chuột và thậm chí thành hình các ngôi nhà để “làm quà” cho người thân mỗi lần vào thăm nuôi gã. Gã có thể bện các sợi chăn bông lại với nhau rồi đan. Để các con vật này giữ được lâu và không bị ẩm mốc, gã dùng cách nhỏ nến bọc lại. Chán dùng chăn bện lại thành hình các con vật, gã còn giấu những cây thước kẻ của học sinh vào buồng và rồi bắt đầu “chế tác” theo kiểu cắt gọt thành từng khúc rồi mài bằng thuốc đánh răng, tro để làm thành các viên ngọc nhựa tròn vo, nếu nhìn không kỹ nhiều người sẽ tưởng lầm là… ngọc trai. Để tạo ra một chiếc vòng “ngọc trai nhựa” gã chỉ cần tốn khoảng một tuần khâu cắt gọt đến mài bóng và dùng sợi chăn con công hoặc sợi chỉ đã được nhỏ nến luồn xuyên lỗ đeo. Tuy nhiên, mấy trò đó chưa được gọi là “phát minh đẳng cấp”. Gã tiết lộ đầy vẻ tự hào, gã và mấy tên bạn tù còn sáng tạo ra một loại cờ hoàn toàn mới, lai giữa cờ vua và cờ tướng. Để chơi món này, gã cùng bạn sử dụng các viên đa cuội nhỏ nhiều màu nhặt ở ngoài sân mang vào trong buồng rồi đặt tên cho từng viên. Đang kể rất hứng, C. và T. chợt thất thần, nét mặt nhợt nhạt. Có lẽ họ đang nhớ lại những ngày tháng hãi hùng phải làm “chuột bạch” để giải khuây cho trưởng buồng. Đột nhiên C. hỏi tôi: “Ông đã bao giờ đi vệ sinh mà không được… có mùi chưa? Đi nhẹ còn đỡ chứ 'đi nặng' thì đúng là ác mộng. Vốn dĩ nhà vệ sinh trong tù 'rất sạch sẽ' khiến lần nào đi vệ sinh cũng như gặp ác mộng, vậy mà khi trưởng buồng không cho thì cũng phải nhịn, hoặc trưởng buồng dễ dãi hơn chút cho phép đi thì phải … không mùi”, C. kể. Tôi tròn mắt ngạc nhiên vì không hiểu đi vệ sinh mà lại không có mùi thì sẽ như thế nào? T. hấp háy mắt: “Thế mới gọi là 'phát minh', ông hiểu không? Bọn tôi vào cái thế đó thì tự phải nghĩ ra cách thôi. Trước hết hòa xà phòng vào nước rồi đổ đầy bồn cầu. Sau đó nhúng cả 'bàn tọa' vào cái bồn cầu ấy rồi đi. Đảm bảo sẽ chẳng có mùi gì cả”. Thế giới trong tù vẫn là một thế giới bí ẩn với những người đang sống ngoài tự do. Nếu không được tiếp xúc với những tù nhân nhiều thể loại được mãn hạn tù hoặc đã hoàn lương, tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra được những tù nhân có thể nghĩ ra những “phát minh” quái đản như vậy để qua mặt cán bộ hoặc để “xả stress” trong suốt quá trình “bóc lịch”. |