[size=2]Tưởng niệm nhà thơ Hữu Loan[/size] March 21st, 2010 Leave a comment Go to comments
Nhà thơ Hữu Loan
Hữu Loan vĩnh viễn ra đi để lại biết bao hoài niệm về một giai đoạn dài của văn hóa và lịch sử dân tộc. Một giai đoạn điêu linh, tang tóc, chia ly, với ngút ngàn thống khổ mất mát, băng hoại. Chín mươi lăm năm dài một đời người, một khí phách, một con người!
Đối với tôi, thơ của Hữu Loan là một phản biện văn học có tính nhân văn cao cả, cuộc đời của Hữu Loan là một phản biện lịch sử có sức thuyết phục vào bậc nhất.
Hãy nghe ông bộc bạch:
“Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng… Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông… Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc?”
Té ra Hữu Loan chỉ đòi quyền làm người, làm người bình thường, làm nhà thơ chân thật, làm công dân chân chính xứng đáng!
Chỉ có thế ấy thôi mà ông đã phải trả giá cho đến tột cùng:
“Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi…”
Sau này trong giai đoạn đổi mới, chính sách có thay đổi, chế độ đối với các vân nghệ sỹ có cải tiến: văn tịch được phục hồi, cho giải thưởng vân vân… Nhưng tôi vẫn chưa bao giờ đọc được một lời sám hối chính thức… Ba mươi năm trù dập khủng bố chẳng có một lời phân trần xin lỗi dù có những điều kiện lịch sử để những lời xin lỗi này có chỗ để dân chúng cảm thông.
Và bởi vì chẳng có sửa sai từ lỗi hệ thống cho nên cơ chế vẫn duy trì và thỉnh thoảng những vụ trù dập lạm quyền cục bộ vẫn hiện về như những bóng ma ám ảnh của quá khứ: vụ “Cánh đồng bất tận” ở Cà Mâu, vụ giải thưởng tạp chí Văn Nghệ Quân Đội trao cho bài thơ “Thời đất nước gian lao” và mới đây vụ bài thơ “Trăng nghẹn” của cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long.
Ấy thế mà cứ than thở mãi: ta chưa có những tác phẩm văn học đạt giải thưởng quốc tế nói lên tầm vóc của hai cuộc kháng chiến!
Làm sao có được những tác phẩm lớn chuyên tải tính nhân văn chân chính, những giá trị bất biến tự nhiên của con người khi ngay từ trứng nước, những tác phẩm thuộc loại này, những tác phẩm không phục vụ lợi ích nhất thời và phe phái cục bộ, cứ liên tục bị trù dập phủ phàng, không thể có chỗ đứng rộng rãi trong lòng dân tộc…
Màu tím hoa sim
Hữu Loan
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)