[Kênh14] - Sắp học hết lớp 9 rồi mà Nhung vẫn “dấm đài” như em bé, có tuần “cao điểm” còn 2,3 lần báo hại mẹ phải đi giặt chăn, ga liên tục…
Ngày… tháng… năm…
Trời ơi đêm qua mình lại “xả nước” ra giường rồi!!! Khổ thân mẹ sáng nay phải mang chăn ga gối đệm đi giặt giũ phơi phóng. May mà trời nắng chứ như mấy hôm mùa đông thật là khổ quá! Bộ ga giường nhà mình cũng đến “tàn tạ” sớm mất thôi, tuần nào cũng bị cho vào máy vặn xoắn vài ba lần thế này… Mà sao mình hay “dấm đài” thế nhỉ, sắp vào cấp 3 đến nơi rồi. Thằng Bo em mình mới học lớp Mầm mà có cần tã giấy đâu. Thật là chán quá!!!
Mình đặt báo thức lúc 3h sáng để dậy đi tiểu nữa
Ngày… tháng… năm…
Hôm nay lớp bàn tán rủ nhau đi dã ngoại 2 ngày xả xì trét để có “sức chiến đấu” thi học kỳ, thế mà mình phải viện cớ đang dính “đèn đỏ” không đi được. Mình sợ mọi người biết mình vẫn “chưa lớn” lắm! Nhưng mà tiếc buổi đi chơi quá, huhu, chẳng bao giờ mình được đi cùng lớp cả. Cũng chỉ tại cái tật “tè dầm’ đáng ghét này. Hic, buồn ghê cơ!
Ngày.. tháng… năm…
Chiều nay mình vừa đi học về đã thấy mẹ bưng từ trong bếp ra 1 tô long nhãn khô nấu với gạo nếp. Trông ngon thật nhưng ăn hơi ngấy. Mẹ bảo nghe người ta nói đái dầm là do “âm thịnh dương suy”, nên mẹ nấu cháo long nhãn để “bổ nhiệt” cho mình. Hi vọng là biện pháp này có kết quả, lần trước đã ăn hết bao nhiêu tôm đồng rang rồi. Mấy bài thuốc của mẹ không khéo chưa kịp chữa khỏi “xả nước” đã làm cho mình béo phì ra cũng nên, hihi.
Mình phải điều chỉnh sau khi ăn tối hạn chế uống nước nè
Ngày… tháng… năm…
Trời ơi hôm nay là hết sạch gói long nhãn khô “to oạch” rồi mà “cái van xả nước” của mình vẫn bất trị như cũ! Huhu, chắc mình thành “tè dầm mãn tính” rồi, chết mất thôi, chết mất thôi! Hôm nay cái Trang mang ảnh dã ngoại lên lớp khoe, đẹp “ngất ngây con gà tây” luôn, làm mình thèm muốn chít mà không dám kêu. Oa oa oa, có ai khổ như tôi không?!!!
Ngày… tháng… năm…
Hôm nay mẹ quyết đưa mình đến Khoa Tiết niệu để khám, mẹ bảo “không còn tin vào mấy bài thuốc chữa bệnh truyền miệng nữa”. Phòng khám đông ghê, già trẻ lớn bé gái trai đủ cả, nhìn mọi người mình cứ thắc mắc: “Không biết trong số những người ngồi đây có ai là bị “tè dầm” như mình không nhỉ?” Mà nếu có thì mình cũng không thể biết được, trông ai cũng bình thường hết (như mình thui).
Đợi một lúc lâu mới đến lượt mình vào khám. Tiếp mình và mẹ là một chú bác sỹ còn trẻ mà đã hói đầu (hic, sao không phải là cô bác sỹ chứ, con trai khám thế này ngại chít đi được). Nhưng chú ấy nhẹ nhàng và “dịu dàng đến từng phút giây”, hỏi han mình rất tận tình. Đầu tiên chú ấy bảo: “Muốn chữa được bệnh đái dầm trước tiên cháu phải hiểu được cơ chế hoạt động của việc tiểu tiện đã”. Rồi chú ấy giảng giải một thôi một hồi: nào là khi bàng quang của chúng ta đầy nước tiểu, cảm giác “đầy” đó sẽ truyền đến trung khu thần kinh rồi truyền lên võ nào; nào là nước tiểu muốn ra ngoài thì phải có sự “cho phép” của đại não, khi nào đại não “chấp thuận” thì nước mới được chảy ra (đại não còn cân nhắc địa điểm và tính an toàn ý mà); rồi nào là ban ngày khi có cảm giác “mắc tiểu”, mọi người thường nhịn cho đến khi tìm được WC hay chỗ nào an toàn rồi mới bắt đầu “xả nước”, lúc này ý thức còn tỉnh táo nên việc điều khiển này dễ dàng hơn ban đêm khi ta đã ngủ sâu.
Mình phải cố đợi cho đến khi “mắc tiểu” xong mới đi ngủ
Lúc ấy mình đã hỏi:
- “Chú ơi vậy tại sao đại não của mẹ cháu hay em Bo có thể “kiểm soát” được “tè dầm” còn đại não của cháu thì không ạ?”. Và chú ấy đã trả lời thế này:
- Cháu phải hiểu là vào ban đêm, khi người ta ngủ, cảm giác “buồn tè” phải đủ mạnh để đánh thức người ta dậy (rồi sau đó người ta mới cố nhịn tiểu cho đến khi tìm được toilet). Nếu cảm giác bàng quang căng cứng nước này mạnh và kịp thời truyền đến đại não đánh thức người ta dậy thì họ sẽ không “tè dầm”. Còn nếu cảm giác này truyền đi chậm thì trung khu phản xạ bài tiết sẽ không thể đợi nổi đành phải “xả van”, dẫn đến đái dầm. Cho nên đa số các nguyên nhân dẫn đến đái dầm (và cả trường hợp của cháu) là do các cơ và dây thần kinh liên quan tới việc bài tiết phát triển chậm gây nên.
- Thế thì bao giờ “cái bài tiết” ấy của cháu mới “lớn” hả chú?
- À, 98% bệnh nhân đái dầm sẽ khỏi trước năm 18 tuổi. Và bệnh này có thể điều trị khỏi nên cháu hoàn toàn có thể yên tâm.
- Nhưng chú ơi, có phải là rất ít người bị “tè dầm” như cháu không? Vì bọn lớp cháu chả có đứa nào bị cả.
Nghe câu hỏi ý của mình chú bác sỹ đã cười ha ha:
- Đấy là do cháu không biết thôi, chứ nhiều người bị như cháu đến đây khám lắm. Có những trường hợp còn bị đái dầm do áp lực tâm lý (như phải vào trường điểm, bố mẹ sắp ra tòa,…). May mắn là đa phần các bệnh nhân đều được chữa khỏi.
Rồi chú ấy còn nói rất nhiều điều nữa về cách chữa tật “tè dầm” của mình làm mình và mẹ rất vui mừng. Có cách thoát khỏi “nỗi ám ảnh” bao lâu nay rồi!!!
Mình đã ngủ ngoài đồng 1 đêm với lũ em họ ở quê mà vẫn không “xả van” tí nào
Ngày… tháng… năm…
Mấy tháng vừa rồi mải học ôn thi học kỳ rồi lại nghỉ hè về quê không động đến Nhật ký thân yêu. Hị hị, bụi bám tùm lum hết rồi.
“Kỳ tích” mấy tháng qua của mình (và mẹ) là đã “trị” được “em tè dầm”. Mình phải điều chỉnh lại mọi thói quen ăn uống ngủ nghỉ: sau khi ăn tối hạn chế uống nước nè (mình còn bỏ luôn sở thích “chiến” sữa, trái cây trước khi đi ngủ); rồi mình cố đợi cho đến khi “mắc tiểu”, tè xong mới lên giường (việc này thì dễ thôi); mình còn đặt báo thức lúc 3h sáng để dậy đi tiểu nữa (vì mình hay “xả van” vào giờ đó mừ).
Mẹ còn hào phóng “đầu tư” cho mình cả một cái đệm lót cảm ứng với nước tiểu nữa chứ. Và giờ thì mọi chuyện ok rùi, may mà mình không phải uống thuốc điều trị hay dùng thuốc hít chưa hoomon chống lợi tiểu. Giờ thì mình đã tha hồ bay nhảy vui chơi rồi, hôm về quê còn đi trộm khoai ngủ ngoài đồng 1 đêm với lũ em họ ở quê mà vẫn không “xả van” tí nào. Thật là tuyệt zời!!!