Các nguồn tin cho biết, Thủ tướng Noda và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ nhất trí thiết lập một diễn đàn song phương giữa các quan chức cấp cao nhằm thảo luận về vấn đề an ninh ở Biển Đông khi hai vị nguyên thủ có cuộc gặp vào ngày 16/11 tới.
Thủ tướng Noda cũng sẽ đề xuất Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản(MSDF) và Hải quân Ấn Độ tổ chức các cuộc diễn tập chung ở Ấn Độ Dương bên cạnh các cuộc diễn tập hiện nay hai bên tiến hành ở vùng biểnNhật Bản.
Những sáng kiến trên là một phần trong chiến lược của Tokyo nhằm thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với các nước lo ngại về sự gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc.
Nhật bắt tay Ấn Độ đối phó Trung Quốc. |
“Chúng ta sẽ phản ứng với thái độ điềm tĩnh và sáng suốt. Nếu làm căng vấn đề trước lãnh đạo các nước trên thế giới sẽ không có lợi cho chúng ta", ông Noda phát biểu với phóng viên tờ Asahi Shimbun và giới truyền thông ngày 2/11.
Giới chức Nhật Bản cho biết, vấn đề Senkaku/Điếu Ngư có bối cảnh lịch sử phức tạp và không dễ nhận được sự ủng hộ từ các nước khác đơn thuần bằng cách nhấn mạnh lập trường của Nhật Bản.
Nhật Bản quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông hồi tháng 9 vừa rồi. Trung Quốc, cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này, đã liên tục điều nhiều tàu đến khu vực tranh chấp nhằm đáp trả động thái trên của Tokyo. Các tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc được cho là nhiều lần xâm phạm một phần lãnh hải Nhật Bản ở khu vực xung quanh quần đảo tranh chấp.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố những hành động trên của Trung Quốc "rõ ràng vi phạm chủ quyền của Nhật Bản". Các quan chức ngoại giao Nhật Bản cho rằng, Bắc Kinh đang cố gắng gây sức ép để Tokyo thừa nhận có tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa hai nước và đồng ý cùng kiểm soát quần đảo này.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg hôm 1/11, ông Noda nhấn mạnh tầm quan trọng phải giải quyết vấn đề Senkaku trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các quan chức Nhật Bản cho rằng, việc ông Noda nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế là lời cảnh báo với Trung Quốc.
Yutaka Yokoi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố, việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền bằng cách điều tàu đến lãnh hải Nhật Bản là “không thỏa đáng”. Đây được coi là biện pháp "vũ lực". Tokyo muốn tạo sự khác biệt với Bắc Kinh bằng thái độ điềm tĩnh hơn. “Chúng tôi sẽ thực thi trách nhiệm của mình bằng cách xây dựng một trật tự quốc tế", Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba nói.