Tin tức - pháp luật 2013-07-28 01:59:01

Nhân cách không thể trát bằng vàng


Chuyện con cháu rút dao đâm ông bà, cha mẹ; "hôi của" từ người bị tai nạn; thấy việc xấu nhưng làm ngơ… là biểu hiện sinh động của "văn hóa bị xuống cấp", nhân cách bị suy đồi.
 
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, ông "chẳng lấy làm lạ" vì những chuyện đó…
Đọc báo bây giờ tôi phát sợ!
Thưa ông, bận rộn với công việc nghiên cứu, viết sách, viết báo, làm giám khảo cho cuộc thi sáng tác… không biết ông có thời gian để theo dõi thông tin từ báo chí?
Có chứ. Tôi vẫn theo dõi đấy!
Tôi đến gặp ông sau những chuyện mà báo chí đã phản ánh thời gian qua: Từ chuyện cháu giết bà vì không xin được tiền đánh điện tử, chuyện "hôi của" của người bị nạn… Tôi muốn biết cảm nhận của ông khi tiếp cận những thông tin ấy?
Những thông tin kiểu đó, báo chí phản ánh liên tục, đến nỗi đọc báo bây giờ tôi phát sợ. Đương nhiên, vẫn có những thông tin theo kiểu giật gân, câu khách và những người có hành vi như thế chỉ là cá biệt thôi nhưng rõ ràng nó cũng phản ánh phần nào bộ mặt xã hội hiện nay. Vì thế, những người lương thiện như tôi còn cảm thấy xót xa lắm!
Ông xót cho điều gì? 
Vì xã hội bây giờ có một bộ phận còn thờ ơ, vô cảm, mất nhân tính quá! Tôi không thể tưởng tượng được cảnh khi thấy người ta bị tai nạn nằm giữa đường, chẳng những không cứu vớt họ mà nhiều người còn tranh thủ lấy điện thoại, túi xách… thậm chí trong đó có chứa giấy tờ tùy thân. Tôi cho đó là những người không có tính người và chắc chắn, họ sẽ phải cắn rứt lương tâm suốt đời.
Ông tin vào Luật Nhân - Quả?
Có. Tôi ngẫm rằng, ở đời cái gì cũng thế thôi, gieo gió ắt sẽ gặt bão. 
Nhưng có vẻ như, chẳng phải ai cũng nghiệm ra điều ấy, bởi thực tế chuyện "hôi của" vẫn diễn ra? 
Đó thực sự là một chuyện rất đáng xấu hổ.
Thử cắt nghĩa hành vi của họ, theo ông thì vì sao?
Vì lòng tham chứ còn gì nữa. Nên nhớ, chính những người đi "hôi của" từ người bị nạn cũng chẳng thể giàu lên nhờ bán được những đồ nhặt được ấy đâu. Tôi trách họ một thì tôi trách những người xung quanh mười vì đã để chuyện "hôi của" ấy diễn ra.
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân. 


Khơi dậy lòng tham ở người khác
Có người bảo, đó là dấu hiệu của văn hóa đã xuống cấp trầm trọng?
Cần nhớ rằng, số người hành xử như thế chỉ là cá biệt. Song dẫu sao, nhận định ấy cũng có cơ sở.
Văn hóa xuống cấp, ông nghĩ là do đâu?
Do nền tảng giáo dục của ta không tốt, gồm giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội. Không có đứa trẻ nào vừa mới sinh ra đã có bản tính hư hỏng, có máu giết người cả. Một gia đình mà cha rượu chè cờ bạc, mẹ buôn gian bán lận thì không thể nào giáo dục đứa con là phải ngoan hiền, lễ phép, thật thà. Rồi khi đi học, muốn được điểm cao thì phải có phong bì cho thầy cô… Lý thuyết chúng ta dạy trẻ một đằng nhưng thực tiễn chúng ta làm lại khác xa. Thêm nữa, đó cũng là mặt trái của kinh tế thị trường. Người ta cứ lao vào làm giàu, thậm chí làm giàu bằng mọi cách nên để quên, làm rơi vãi mất văn hóa rồi.
Nhưng họ sẽ lập luận: Trước đây cần phải lo cho có đủ cơm ăn, áo mặc. Bây giờ, phải hướng tới ăn ngon, mặc đẹp cho bằng người thì dĩ nhiên phải cố gắng làm giàu. Cứ làm giàu đi đã rồi sau đó trau dồi văn hóa…
Đó là quan điểm thiển cận. Chính vì thế mà đẻ ra những lớp người "tư sản mới nổi", coi xã hội chả ra gì.
Nhận diện lớp "tư sản mới nổi" ấy thế nào, thưa ông?
Là những người hợm của, gắn trên mình đủ loại vàng bạc châu báu, coi đồng tiền hơn tất cả và chính vì thế mà họ đã khơi dậy lòng tham ở người khác, sinh ra nạn cướp giật đấy!
Ý ông là chính những người này cũng là mầm mống sản sinh ra tội ác?
Đúng vậy.
Nhưng họ bảo, họ làm ra của thì họ phải hưởng thụ?
Xin nhớ cho, văn hóa, bản chất, nhân cách của mỗi người không phải là trát lên mình nào nhẫn, nào vòng vàng. Không ai đánh giá con người qua những cái đó cả.
Và phải chăng, kinh tế càng phát triển thì lớp người đó càng nhiều lên?
Trên thực tế, tôi thấy điều đó là đúng.
Làm việc tốt dễ lắm!
Ông nghĩ sao khi có người cho rằng, bây giờ muốn làm người tốt khó quá khi người ta sống mà cứ phải nghi kị nhau, đề phòng lẫn nhau, thậm chí làm việc tốt như trả lại của rơi thì lại bị cho là tên ăn trộm và bị đánh đập?
Tôi nghĩ điều đó hơi cực đoan. Vì muốn làm người tốt hãy bắt đầu từ những việc tốt, mà việc tốt thì đâu phải là chuyện lớn lao. Có cái chai vỡ nằm giữa đường, bạn ra quét rồi cho vào thùng rác để xe qua lại không bị thủng lốp; gặp người già cả bán rau ngoài chợ, mua giúp họ một mớ… Đấy, làm việc tốt dễ lắm và quanh ta, người tốt cũng nhiều lắm chứ, có điều mình có chịu để ý không thôi. Còn chuyện người ta cứ phải đề phòng lẫn nhau thì như tôi nói, đó là mặt trái của kinh tế thị trường khiến con người thực dụng hơn.
Và chính vì thế mà nhiều người có xu hướng hoài niệm những cái đã qua, cái của thời cách đây vài chục năm về trước, dù có khốn khó về mặt vật chất nhưng con người sống với nhau chan hòa hơn?
Chuyện hoài niệm là tâm lý chung của con người. Đúng là, thời tôi còn trẻ, cái "Tôi" ít thể hiện ra lắm mà chủ yếu là tính tập thể. Ví như vụ đế quốc Mỹ ném bom B52 ở Khâm Thiên, nhà cửa đổ nát, đồ đạc văng vãi tứ tung nhưng chẳng ai mất một con gà hay một cái tem phiếu vì bị người khác lấy mất cả. Nhưng bây giờ thì sểnh ra một tí là mất. Tuy nhiên, có tiếc thì cũng chẳng làm được gì. 
Tôi nghe có sự bất lực thì phải?
(Cười) Thì sự thực những cái xấu nó vẫn hiện hữu trong đời sống, tôi muốn thay đổi cũng có làm được ngay đâu.
Người ta chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực
Có người bảo, người Việt chẳng thể phát triển được vì có quá nhiều thói xấu. Ông thấy sao?
Tôi nghĩ, đó là góc nhìn của mỗi người. Chỉ có điều, đừng nên cóp nhặt cái xấu ở người này, ở nơi này với cái xấu của người kia, ở nơi kia rồi tổng hợp nó thành thói xấu của người Việt. Người Việt mình, đức tính tốt cũng nhiều lắm chứ, sao không nói cái tốt đi mà cứ đẩy cái xấu lên, trầm trọng hóa nó thêm?
Nhưng "không có lửa làm sao có khói"?
Tôi không phủ nhận có những thói xấu vẫn tồn tại hằng ngày trong đời sống nhưng tôi cảm tưởng, người ta chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực mà không chịu nhận ra mặt tích cực. Người Việt mình chịu thương chịu khó, đoàn kết, tương thân tương ái… lắm chứ không phải chỉ có giết người, cướp của, ăn trộm ăn cắp… đâu. Những người có thói xấu đó ít lắm và những cái xấu ấy chắc chắn sẽ bị đào thải theo thời gian, không có gì là bất biến cả.
Đợi nó tự đào thải thì biết đến bao giờ?
Tôi e là lâu lắm. 
Vậy sao ta không làm gì đi thay vì để thói xấu tự đào thải?
Chẳng gì khác hơn ngoài việc phải làm tốt công tác giáo dục. Khi giáo dục không đến nơi đến chốn thì không thể mong đào tạo ra những con người tốt được. Nhưng cũng cần nhớ, vai trò của chính quyền không hề nhỏ trong việc dẹp cái xấu đó đâu!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Kính chúc ông sức khoẻ!

[size=3] [/size]
"Tôi chẳng lấy làm lạ khi con cháu rút dao đâm ông bà, cha mẹ. Đương nhiên, không phải ai cũng như thế nhưng đó là sản phẩm của giáo dục. Tôi cũng không lấy làm lạ khi vẫn có chuyện thấy việc xấu mà quay đi làm ngơ bởi chính quyền địa phương chưa đủ lực lượng để áp đảo cái xấu, để giám sát, ngăn ngừa tội phạm đã khiến người ta chọn giải pháp im lặng".
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân 


 
Vũ Thủy (Thực hiện)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)