Lần này chỉ là nguyệt thực một phần thôi, nhưng sẽ rất ngoạn mục vì Mặt Trăng bị che đến 81% khi nguyệt thực cực đại. Khác với Nhật Thực chỉ quan sát được trong phạm vi hẹp, nguyệt thực có khu vực quan sát được rộng lớn hơn, lần nguyệt thực một phần này quan sát được ở hầu hết các vùng trên thế giới trừ Bắc Mỹ.
Vì sao lại có Nguyệt Thực nhỉ?
Trái Đất được Mặt Trời chiếu sáng đồng thời cũng cản các tia sáng từ Mặt Trời tạo ra một vùng bóng tối trải dài trong không gian. Mặt Trăng chuyển động tròn quanh Trái Đất nên có lúc sẽ "đi" vào vùng tối này. Lúc này Mặt Trăng không còn được Mặt Trời chiếu sáng trực tiếp, ta sẽ thấy một Mặt Trăng "bất thường", chuyển từ màu vàng sang đỏ sẫm.
Điều kiện thứ nhất chỉ diễn ra vào các ngày trăng tròn, như vào dịp rằm tháng 7 này chẳng hạn.
Nếu như mặt phẳng chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời trùng với mặt phẳng chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất thì ngày rằm nào ta cũng nhìn thấy Nguyệt Thực nhưng do hai mặt phẳng này tạo một góc khoảng 5 độ nên chỉ đôi lúc điều kiện thẳng hàng mới diễn ra thôi.
Sao lúc Nguyệt Thực trăng lại có màu đỏ?
Màu đỏ của trăng khi nguyệt thực để lại ấn tượng rất đặc biệt, ngày xưa người ta hay liên tưởng đến chiến tranh và chết chóc. Ở Việt Nam ông bà ta lại cho là có một con gấu to đang nuốt mất Mặt Trăng, và thường đem xoong nồi ra gõ để đuổi gấu đi.
Ngày nay ta có thể lý giải theo khoa học:
Vùng bóng phía sau Trái Đất chia làm 2 vùng: vùng nửa tối và vùng tối.
Khi trăng đi vào vùng nửa tối ta sẽ có Nguyệt Thực bán dạ. Nguyệt thực bán dạ rất khó nhận biết ta chỉ thấy trăng tối hơn bình thường một chút thôi.
Vùng bóng ở trong gọi là vùng tối, nếu trăng đi vào trọn vùng này ta sẽ nhìn thấy Nguyệt Thực toàn phần, còn chỉ một phần vào vùng tối thì sẽ có Nguyệt Thực một phần như lần này chẳng hạn. Gọi là vùng tối nhưng thật sự nó không tối hẳn đâu.
Ánh sáng từ Mặt Trời có thành phần bao gồm đủ các màu. Khi ánh sáng Mặt trời đi xuyên qua lớp khí quyển Trái Đất sẽ bị khí quyển hấp thụ, chỉ còn bước sóng đỏ là bước sóng ánh sáng có khả năng đâm xuyên mạnh nhất đi qua. Đồng thời bầu khí quyển Trái Đất là một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính và ánh sáng này đã chiếu rọi Mặt Trăng. Do đó ta thấy Mặt Trăng khi Nguyệt Thực có màu đỏ sẫm.
Nguyệt thực vào rạng sáng chủ nhật này thì như thế nào nhỉ?
Sau đây là bảng thời gian diễn ra nguyệt thực vào rạng sáng 17/8 theo số liệu của NASA đã chuyển sang giờ của Việt Nam
+1h23' Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất. Nguyệt thực bán dạ bắt đầu, chuyển biến này rất khó nhận biết bằng mắt tuy nhiên nếu để ý kỹ sẽ thấy màu sắc của mặt trăng hơi tối.
+2h35' Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Nguyệt thực một phần bắt đầu, góc bị che sẽ chuyển sang màu sẫm đỏ.
+4h10' Nguyệt Thực cực đại, 81% đĩa mặt trăng sẽ có màu sẫm đỏ.
+5h44' Trăng hoàn toàn ra khỏi vùng tối. Kết thúc vùng sẫm màu trên mặt trăng.
+6h57' Trăng hoàn toàn ra khỏi vùng nửa tối. Kết thúc nguyệt thực .
Ảnh quả trình chuyển biến của mặt trăng khi diễn ra nguyệt thực (skyandtelescope)
Vào thời điểm Nguyệt Thực cực đại trăng vẫn còn khá cao khoảng hơn 20 độ ở hướng Tây, thuận lợi cho việc quan sát nếu không bị che chắn bởi các nhà cao tầng. Sáng chủ nhật nếu trời không mưa và mây nhiều hứa hẹn sẽ đem lại một ảnh tượng thú vị cho những người yêu bầu trời vì phải đến năm 2010 một lần nguyệt thực như vậy mới lại diễn ra cho những người quan sát ở Việt Nam.
Cũng không cần đến một loại kính hay một cách thức đặc biệt nào để bảo vệ mắt, teens nhà mình hoàn toàn có thể “chiêm ngưỡng” nguyệt thực bằng mắt thường đấy.