Cường Vũ-Từ món quà thời thơ ấu…
Sinh ra ở Sài Gòn, sang Mỹ cùng gia đình khi mới sáu tuổi, Cường Vũ, như những đứa trẻ trong các gia đình Việt xa xứ khác, mang theo ước vọng phải khẳng định mình ở đất khách quê người. Vũ từng muốn trở thành một cầu thủ bóng đá nhưng cuối cùng anh không chọn con đường đó.
Ba anh cho rằng thể hình anh quá nhỏ nên khó có thể chen vai thích cánh cùng những đối thủ khổng lồ. Ước mơ lập nghiệp bằng nghề thể thao của anh không thành. Nhưng ước mơ của ba mẹ anh thì đẹp hơn và đã thành sự thật.
Món quà năm 11 tuổi mà ba mẹ tặng cho Cường Vũ là cây kèn trumpet, thứ nhạc cụ cực kén người chơi. Nó như một con ngựa bất kham mà nếu không kiên nhẫn, người ta khó có thể thuần phục.
Nhưng cùng với nó, anh đã tham gia vào ban nhạc ở trường, chơi jazz trong các buổi trình diễn để rồi từ đó, anh trở nên mê mẩn với fusion jazz, thứ jazz hiện đại và cũng đầy ngẫu hứng.
Sau khi rời trường Trung học Bellevue, Vũ vào học ở New England Conservatory of Music và nhận bằng cử nhân về jazz. Con đường của anh bắt đầu trải thảm đỏ từ đó khi tất cả những nghệ sĩ lừng danh giảng dạy tại ngôi trường ấy như Joe Maneri, Geri Allen và Dave Holland đều nhìn thấy ở anh một tài năng trình diễn xuất chúng. Chính Maneri, nhà sản xuất âm nhạc đồng thời là một nghệ sĩ saxophone, đã khuyến khích anh khám phá hơn nữa cây trumpet bé nhỏ. Sự khuyến khích ấy mở ra cho Vũ một chân trời khác lạ, tự do hơn, thoáng đãng hơn và sáng tạo hơn.
… đến “Phù thủy trumpet”
Năm 25 tuổi, Vũ đến New York City, thiên đường âm nhạc miền đông nước Mỹ, nơi mà người ta vốn dĩ rất mê chất “broadway lịch lãm thành thị”. Vũ lập tức tìm được tiếng nói trong cộng đồng nghệ sĩ Mỹ ở đó.
Những ai đã nghe anh trình diễn đều phải kinh ngạc.
Giới nghệ sĩ Mỹ không ngần ngại gọi anh là phù thủy trumpet hay “tay trumpet jazz sáng tạo bậc nhất đương đại”. Từ đó, anh cho ra mắt 5 album riêng và hàng trăm bản ghi âm với các tên tuổi lớn như Pat Metheny, Micheal Brecker, Mike Stern, David Bowie, Gerry Hemingway, Mark Helias, Laurie Anderson, Dave Douglas…
Trong dự án cùng Pat Metheny (Pat Metheny Group), một nhạc sĩ jazz hàng đầu thế giới hiện nay, Cường Vũ đã vinh dự cùng nhận được 2 giải Grammy cho album jazz đương đại hay nhất vào năm 2002 và 2006.
Hai album đó, Speak of Now (năm 2002) và The way up (năm 2006) được coi là hai album “phải nghe” đối với những ai mê jazz, đặc biệt là fusion jazz. Đáng nể hơn, Vũ không chỉ tham gia vào các dự án của Pat Metheny với tư cách nhạc công đơn thuần mà anh còn là người cùng Pat Metheny xây dựng nên những tác phẩm để đời ấy.
Với tất cả những thành tựu đó, Cường Vũ luôn được xếp hạng trong top 50 người thổi trumpet hàng đầu thế giới và thậm chí có những năm anh còn được bình chọn là một trong 5 nghệ sĩ trumpet jazz xuất sắc nhất.
Lối chơi của anh khiến người nghe như lạc vào mê cung của âm thanh và cảm xúc bằng cách solo chậm trên nhịp điệu nhanh (và ngược lại), một cách chơi đòi hỏi kỹ thuật, cảm nhận và sáng tạo phải cực kỳ mạnh mẽ và song song đó, các tố chất đó cũng phải kết hợp với nhau thực sự nhuần nhuyễn.
Cường Vũ chưa về Việt Nam trình diễn có lẽ bởi lịch lưu diễn và thu âm của anh dày đặc. Nhưng cũng có thể vì nhạc jazz còn quá kén người nghe ở Việt Nam, đặc biệt là jazz đương đại.
Cường Vũ sinh ngày 19.9.1969
* “Trọng tâm âm nhạc của Cường Vũ, vào lúc đỉnh điểm nhất, chỉ đơn giản là khiến người nghe lạc trong mê cung của nó” - Ben Ratliff (New York Times)
* “Những giai điệu phức tạp của Vũ được thể hiện đơn sơ đến mức chúng trở nên đơn giản, thuần khiết đối với người nghe” - Sam Prestianni (Jazziz)
* “Vũ không ngừng tìm tòi những ngôn ngữ mới lạ từ tất cả những ý niệm đơn sơ nhất của jazz, rock hay bất kỳ loại nhạc nào có thể truyền tải được sự tuyệt diệu của anh” - Jerry DSouza (All about Jazz)
Anh trình diễn các nhạc cụ như: Trumpet, guitar, xylophone, marimba…
Các album đã ra mắt:
1. Bound (2000, OmniTone)
2. Pure (2000, Knitting Factory)
3. Come play with me (2001, Knitting Factory)
4. It's Mostly Residual (2005, ArtistShare)
5. Vu-Tet (2007, ArtistShare)
Các nghệ sĩ đã cùng cộng tác: Pat Metheny, David Bowie, Laurie Anderson, Dave Douglas, Myra Melford, Cibo Matto, Mitchell Froom, Chris Speed…
Các giải thưởng: The Colbert Award for Excellence, The Downtown Arts Project Emerging Artist Award.
Được bình chọn là 1 trong 50 nghệ sĩ jazz trẻ xuất sắc nhất thế giới của Tạp chí Classic CD (Anh) và Nghệ sĩ jazz quốc tế xuất sắc nhất của Jazz Critics Society (Ý).
Album Its mostly residual được bình chọn trong top 10 album jazz xuất sắc nhất năm 2005 bởi các bảng xếp hạng uy tín về jazz.
Hiện anh đang thực hiện một số dự án âm nhạc với hai nghệ sĩ Stomu Takeisi và Ted Poor trong nhóm nhạc mang tên Cường Vũ trio.
Nguồn: Thanh Niên