Cỗ quan tài kỳ lạ và độc đáo
Câu chuyện về một già làng Cơ Tu ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tự mình đục đẽo chiếc quan tài dành riêng cho mình cứ thế lan nhanh đến từng buôn làng, thôn nóc khắp núi rừng Đông Giang. Có người cho rằng ông rất kỳ lạ nhưng cũng có không ít người đồng cảm và lấy làm tự hào trước những trăn trở của một vị già làng về sự mai một của nền văn hoá Cơ Tu. Và tất cả đều có chung một niềm ngưỡng mộ về bàn tay điêu khắc tài hoa của một nghệ nhân già.
Chúng tôi đến thăm già làng Y Kông khi ông đang tiếp chuyện vài người khách đến tham quan những mô hình, kiến trúc độc đáo được chính ông chạm khắc. Thấy có khách lạ, ông cười mừng như thể gặp lại người quen sau bao ngày xa cách.
“Mấy ngày ni khách đến tham quan mô hình kiến trúc văn hóa Cơ Tu nhiều nên già khá bận rộn. Đa phần khách là người đồng bào Cơ Tu mình, đến xem chiếc quan tài mà già vừa mới hoàn thành” - già Y Kông nói như giới thiệu. Nói rồi, ông dắt tay kéo chúng tôi ra tận nơi khoe cỗ quan tài mà ông đã kì công đục đẽo suốt gần 5 tháng trời, được đặt ở một góc nhà do chính ông tự làm cho mình.
Cỗ quan tài được đẽo gọt từ nguyên một thân cây, xẻ đôi thân cây rồi khoét rỗng ở giữa với đường kính gần 3 người ôm, mà theo ông phải nhờ 30 thanh niên kéo từ rừng về, và phải mất hơn 1 tháng mới đưa được về đến nhà. Ông gọi chiếc hòm của ông là “T’rang Ch’ríh”, nghĩa là chiếc hòm kỳ lạ, vì theo lời ông kể, từ trước đến nay chưa có ai chạm khắc công phu trên chiếc hòm của mình bao giờ.
Già làng Y Kông tự hào khoe tác phẩm của mình
Già làng Bh’riu Prăm (86 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên ĐBQH khóa VI,VII,VIII), sống tại thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam xác nhận: “Từ trước đến nay, chưa có một nghệ nhân Cơ Tu nào có được công trình độc đáo như thế đâu! Đây là công trình rất mới lạ và cũng rất truyền thống mà già Y Kông là người Cơ Tu đầu tiên làm nên”. |
“Dù người Cơ Tu không có tục tôn thờ con rồng (Zéc Hoo) nhưng trong một số tác phẩm điêu khắc, con rồng vẫn luôn được sử dụng như là biểu tượng của sự phò trợ, hộ mệnh. Hai con rồng hai bên chiếc quan tài sẽ phò trợ “chiếc thuyền” đưa già về thế giới bên kia” - già Y Kông giải thích thêm về hoạ tiết hai con rồng được ông chạm khắc trên thân quan tài.
Cỗ quan tài này là thành quả sau gần 5 tháng trời một mình ông cặm cụi đục đẽo từ thân cây gỗ kiền kiền mà không cần ai giúp sức. “Từ việc khoét rỗng đến điêu khắc, chạm trổ từng chi tiết nhỏ tôi cũng đều tự thân làm, vì không muốn nhờ vả ai” - ông cho biết.
Ngày xưa, những người đàn ông Cơ Tu khoẻ mạnh đều tự đẽo chiếc quan tài cho riêng mình, phòng lúc “ra đi” không phiền họ hàng, bà con lối xóm. Ngoài ra, quan tài còn được coi là vật quý, được người Cơ Tu dành tặng cho nhau trong mỗi dịp lễ hội. Tuy nhiên, văn hoá tự đẽo quan tài cho mình gần trăm năm nay đồng bào Cơ Tu không còn lưu giữ nữa. Việc già làng Y Kông tái hiện lại tập tục này khiến cộng đồng Cơ Tu cảm động.
Chân dung già làng Y Kông
Già Y Kông bảo: “Tự đẽo quan tài cho mình là một văn hoá truyền thống lâu đời. Ngày xưa, các cụ muốn mình được thảnh thơi khi về thế giới bên kia nên khuyên nhủ con cháu phải tự làm quan tài cho riêng mình. Bây giờ lớp trẻ không còn gìn giữ được nữa, già tái hiện như một việc làm để nhắn nhủ với con cháu thôi!”.