[justify]Bộ rùa hóa thạch 100 con này của ông sẽ được UBND tỉnh Nghệ An đưa ra chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhân duyên hiếm có
Mở đầu câu chuyện về bộ sưu tập độc đáo này, nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Quyết Thắng (TP.Vinh, Nghệ An) chia sẻ: "Suốt 30 năm gắn bó với niềm đam mê cổ vật, cũng có vài lần tôi mua được rùa hóa thạch nhưng đều không rõ hình hài. Đây là những con rùa mà người dân vô tình đào được trong lòng đất.
Tuy nhiên chỉ được ít ngày là có người biết tin tìm đến gặp tôi hỏi mua lại ngay. Rùa hóa thạch rất hiếm nên giới sưu tầm cổ vật đánh giá rất cao. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, tôi từng được biết đến một chiếc bát men ngọc mà ở giữa đáy bát có 1 con rùa hóa thạch nổi lên bằng nửa hạt lạc nhưng có giá đến 1.000 USD.[/justify]
[justify]
Ông Nguyễn Quyết Thắng. |
[justify]Trong khi đó, những chiếc bát men ngọc tương tự mà không có con rùa thì chỉ có giá khoảng 200 USD. Chính vì quý và hiếm như thế nên trong cuộc đời sưu tầm cổ vật, tôi luôn chú ý đến loài vật đứng thứ 3 trong bộ "tứ linh" long, ly, quy, phụng này".
Như một nhân duyên hiếm gặp trong đời, đúng vào năm cả nước nô nức hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì có một người dân từ vùng giáp biên của tỉnh Nghệ An đem đến chào bán cho ông Thắng một bộ rùa hóa thạch vừa đủ trăm con.
Nâng niu những con rùa màu nâu đất bằng đầu ngón tay cái nhưng nhìn rõ cả mai, chân, cổ, đầu…, ông Thắng mừng đến trào nước mắt. Trong số 100 con rùa hóa thạch này, có nhiều con vẫn còn giữ được những họa tiết trên mai, sống động như rùa còn sống.
Cùng với bộ 100 con rùa, người đến chào hàng còn cho ông Thắng xem 2 quả trứng rùa chưa kịp nở cũng bị chôn vùi dưới tầng tầng nham thạch từ thuở hồng hoang. Không cần phải suy nghĩ, ông Thắng vét sạch tiền trong nhà để mua lại bộ rùa và 2 quả trứng hóa thạch.
Niên đại hàng triệu năm
Nói về niên đại, ông Thắng khẳng định dù chưa có thời gian đưa đi xác định nhưng theo ông, ổ rùa hóa thạch này đã có niên đại hàng triệu năm. Theo tìm hiểu của ông thì các nhà cổ sinh vật học trên thế giới đã từng phát hiện ra một con rùa hóa thạch khoảng 75 triệu năm tuổi.
Con rùa hóa thạch này được tìm thấy vào năm 2006 tại phía nam Utah (Hoa Kỳ) và khi các nhà nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng đã nhận ra con rùa này đang mang thai. Ít nhất 3 quả trứng được nhìn rõ từ bên ngoài của hóa thạch.[/justify]
[justify]Một tài liệu khác cho thấy các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian ở Panama và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở bang Florida (Hoa Kỳ) đã tìm thấy hóa thạch "rùa mai dày" tại mỏ than Cerrejón ở Columbia với niên đại khoảng 60 triệu năm tuổi. Vì thế ông Thắng tin tưởng rằng, 100 con rùa mới nở hóa thạch mà ông có là một ổ rùa được sinh ra cách đây hàng triệu năm.
Từ khi mua được quý vật, đêm nào khi cả nhà đã yên giấc ngủ, ông đều nín thở chong đèn lên ngắm nghía từng con một cho đến khi thuộc lòng đến từng đặc điểm của mỗi con.
Một vài con rùa bị mẻ chút mai do người dân dùng cuốc xẻng đào đất cũng làm cho ông xót xa như vết thương trên chính cơ thể mình.Có một số chủ thầu xây dựng, không biết lấy thông tin từ đâu, đến hỏi mua một số con rùa hóa thạch để về chôn dưới móng công trình theo niềm tin tâm linh nhưng ông đều từ chối.[/justify]
[justify]
8 trong số 100 con rùa hoá thạch của ông Thắng. |
[justify]
Tâm nguyện của ông là đưa được nguyên vẹn bộ sưu tập có một không hai này ra chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Con rùa, cũng như cây vạn tuế, là biểu hiện của sự trường tồn, trường thọ. Chính vì thế nó rất có ý nghĩa khi được xuất hiện ở đất kinh đô trong ngày kỷ niệm nghìn năm có một này. Nó đem lại cho người dân Việt Nam niềm tin là đất nước và Thủ đô sẽ trường tồn mãi mãi cùng sông núi.
Hơn nữa, "quý vật tầm quý nhân", không phải ai cũng có đủ cơ duyên để sở hữu những cổ vật quý. Nếu gặp được người am hiểu ý nghĩa và giá trị của bộ sưu tập, ông sẵn sàng nhượng lại vì biết đâu họ có thể gìn giữ và phát huy được giá trị của vật quý hơn ông.
Phục dựng mô hình xã hội người Việt cổ
Nói đến thú đam mê cổ vật của mình, ông Thắng kể: "Tôi mê cổ vật từ khi còn nhỏ. Ngày bé, chưa có tiền, cứ thấy cái gì cũ kĩ cho là cổ vật là tôi xin hoặc nhặt về chất trong nhà. Được mẹ cho đồng nào là tôi ra hiệu sách lùng mua bằng được những cuốn sách nói về đồ cổ. 12 tuổi có cụ già ở cách nhà tôi khá xa đã hỏi đường đến bán cho tôi 1 chiếc lư hương để lấy tiền lo việc gia đình.
Tôi đã nằn nì mãi mẹ tôi mới đồng ý cho tiền mua. Đó có lẽ cũng là món đồ cổ đích thực đầu tiên mà tôi có được. Khi trưởng thành, tôi không ngừng đi khắp nơi để săn tìm đồ cổ. Mọi nguồn thu nhập mà tôi có được đều dành đầu tư cho thú đam mê tốn kém này. Sau mấy chục năm sưu tầm, tôi đã có trong tay hàng nghìn cổ vật có giá trị từ vài triệu đến vài trăm triệu".
Sau 10 năm vào nghề, để chứng minh cho nhận định của ông rằng một trong những cái nôi của loài người chính là ở Nghệ An và một số tỉnh thành lân cận, ông Thắng đã bán đi cả kho cổ vật gồm nhiều món quý như thạp hoa nâu thời Lý, đồ men ngọc thời Lý - Trần, đồ men ánh trăng thời Tống… để dồn tiền thực hiện bộ sưu tập 500 đồ Việt cổ độc đáo.
Trong suốt 20 năm trời, cứ nghe thấy dân ở đâu khai quật được đồ Việt cổ là ông lại lặn lội đến tìm mua. Ông đã mua được rất nhiều đồ vật quý tại làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Đến nay, trong tay ông Thắng đã có rất nhiều vật dụng của người Việt cổ xưa, đủ để dựng lại hình ảnh một xã hội của hàng nghìn năm trước. Nhìn kho cổ vật từ đồ đất gốm cao, rìu đồng, rìu đá cho đến đồ trang sức gốm, vòng đeo tay, hạt cườm mã não… của ông không nhà sưu tầm nào không khỏi ước mơ và thán phục.
Chìa cho chúng tôi xem một viên đá bóng loáng là công cụ săn thú ngày xưa vẫn còn in hằn vết nắm của bàn tay người Việt cổ, ông Thắng bày tỏ sự tin tưởng về những nhận định của ông về loài người mà ông đang dày công nghiên cứu.[/justify]