Tuổi xuân phơi phới của Bình qua đi trong những đau đớn, tuyệt vọng. Bao chàng trai đến ngỏ lời, Bình đều phải chối bỏ và chạy trốn. Vào cái tuổi căng tràn sức sống của thì con gái, cũng là lúc Bình cảm nhận được sự khác thường trong cơ thể.
Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật.
Một phần nào đó của người đàn bà có hình dạng của người đàn ông! Sự nhầm lẫn của tạo hoá đã làm lỡ dở cả cuộc đời con gái như Bình…
Cho tới tận tháng 12/2007, lúc tròn 35 tuổi Bình mới tới bệnh viện Phụ sản Trung ương khám. Nhận kết quả siêu âm của bác sĩ mà Bình không còn muốn tin vào sự éo le này: không tử cung, không buồng trứng và không có cả âm đạo. Như vậy, hy vọng điều trị vô sinh là không còn nữa. Bác sĩ khám còn cho cô biết, bộ phận sinh dục của Bình lại kết hợp cả của nam và nữ.
“Tôi chỉ nghĩ mình bị chứng vô kinh chứ không nghĩ bệnh tật lại phức tạp đến thế. Cũng đã xác định, thôi thì chẳng lấy chồng nữa, ở vậy với mẹ. Nhưng sau bao năm suy nghĩ vậy, mẹ tôi cũng động viên lên bệnh viện khám, vì bản thân tôi cũng muốn có người chia sẻ. Càng nhiều tuổi càng thấy cần lắm một người đàn ông bên mình. Nhưng không ngờ, số phận tôi lại thế này”, nằm trên giường bệnh sau ca mổ 5 ngày, ca mổ thành công với sức khoẻ tốt nhưng nước mắt Bình cứ trào ra, những dồn nén trong lòng lâu ngày như muốn được giải thoát.
Khi xem ảnh của Bình trước ca mổ, những bức hình chụp lại từng phần cơ thể, cho thấy một cơ thể phụ nữ khoẻ mạnh và căng tràn nhựa sống. Bình quê ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) trong một gia đình nhà nông. Theo như lời cô kể, nhà cũng có một chị gái có hiện tượng vô kinh và cũng phải điều trị dài ngày ở bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Suốt thời gian dài, gia đình Bình cũng chỉ mua đông dược điều trị chứng vô kinh cho cô. Gia đình thì hoàn toàn không hề biết những dị tật về giới tính của Bình. Một cô gái nông thôn suốt ngày cặm cụi bán hàng, may vá không có đủ thông tin về chứng bệnh kỳ lạ đang mang trong người.
“Tôi hoàn toàn không biết gì về việc cơ thể thiếu bộ phận cần thiết của người phụ nữ. Chỉ cách đây 4 năm, tình cờ xem phim về vấn đề này, tôi mới nhận thấy cơ thể mình giống như vậy và đến giờ tôi quyết tâm đi phẫu thuật tạo hình lại”, Bình nói.
Cơ thể Bình chứa đựng sự mâu thuẫn về giới tính. Qua siêu âm, ngoài những thiếu sót của người phụ nữ thì Bình lại mang thêm hai tinh hoàn và có thêm một đoạn “cái ấy” của người đàn ông. Ca phẫu thuật tạo hình lại thêm nhiều phức tạp. Theo các bác sĩ, cơ thể của cô hoàn toàn là nữ nhưng có sự khiếm khuyết của bộ phận sinh sản và sinh dục nên việc tạo hình trả lại đúng giới tính là việc cần làm.
Phó giáo sư, bác sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, bệnh viện Xanh Pôn trước khi nhận bệnh nhân Bình từ bệnh viện Phụ sản Trung ương chuyển sang cũng nhiều trăn trở. Vì cũng đã có đồng nghiệp của ông trước đó thực hiện ca phẫu thuật tạo hình âm đạo, nhưng chưa thể gọi là thành công vì phần da tạo hình sau đó bị co kéo. Vậy lựa chọn một phương pháp hoàn toàn mới, chưa từng được áp dụng trong tạo hình âm đạo cũng được cân nhắc và tính toán kỹ.
Trong những trường hợp này, các bác sĩ chuyên khoa thường sử dụng phương pháp kinh điển tạo hình âm đạo bằng cách ghép da (lấy từ cánh tay hay ở bụng dưới) và tạo đường hầm (tạo âm đạo) bằng khuôn. Đây là kỹ thuật của giáo sư Lansac (Pháp), các bác sĩ sẽ tạo ra một âm đạo (dưới sự kiểm soát của nội soi ổ bụng), đặt vào đó một khuôn định hình, sau 7 ngày thì tháo khuôn và chăm sóc vết mổ cho tới khi lành hẳn. Nhưng phương pháp này cũng có nhược điểm là dễ làm co kéo phần da tạo hình, làm biến dạng âm đạo mới và không có cảm giác.
Theo hồ sơ bệnh án của bệnh viện Phụ sản Trung ương chuyển sang có ghi rõ: “Bệnh nhân Bình bị chứng nữ hoá tinh hoàn”. Trước ca phẫu thuật được tiến hành, một lần nữa kết quả siêu âm cho thấy: Hai tinh hoàn của Bình nằm ở hai bên háng, bị xơ hoá, người bình thường sẽ tưởng là khối hạch háng. Sau ca bóc tách 2 khối này, kết quả sinh thiết khẳng định, đây chính là hai tinh hoàn, kích thước to như người đàn ông trưởng thành.
Theo giải thích của bác sĩ Phương Lan, Khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn, người tham gia kíp mổ này, bình thường hai tinh hoàn phải nằm trong bìu, nhưng vì Bình là phụ nữ nên không có bìu để chứa nên xảy ra tình trạng tinh hoàn lạc lối.
Ngày 8/5 ca phẫu thuật được tiến hành làm 2 giai đoạn: Tạo hình khoang âm đạo và tạo hình ống âm đạo. Thực hiện chính trong việc tạo hình khoang âm đạo là Thạc sĩ Đỗ Trường Thành, Khoa Tiết niệu, bệnh viện Việt Đức. Song song với kíp này, các bác sĩ cũng tiến hành cắt hai tinh hoàn cho bệnh nhân.
Sau đó, kíp 2 được thực hiện lấy vạt da đùi ngoài của bệnh nhân để tái tạo thành âm đạo. Mảng da được lấy cuộn lại thành ống dài 7cm và đường kính 4cm. “Chúng tôi chọn phương pháp lấy vạt da đùi ngoài, chính bởi sự hiệu quả của phần da đó trong việc tạo hình. Trên thế giới, vạt da đùi đã được sử dụng rất nhiều và cho những kết quả tốt hơn so với các vạt da khác trên cơ thể. Mảng da đùi này khi lấy, chúng tôi giữ nguyên cuống động mạch, xoay qua tạo hình đưa thẳng vào khung âm đạo. Bên cạnh đó, mảng da đùi này còn có rất nhiều dây thần kinh cảm giác đi theo, nên sau này bệnh nhân có cảm giác như người bình thường”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, bệnh nhân Bình sau khi ra viện cũng sẽ không phải điều trị bằng hormone vì theo kiểm tra, Bình chỉ chứa lượng hormone nam rất thấp. Cơ thể của Bình chỉ sai lệch bộ phận sinh dục chứ ngoại hình cũng như tâm tính hoàn toàn là phụ nữ.
Cũng theo bác sĩ Sơn, theo nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới về chứng bệnh này cho thấy, trong các dạng của lưỡng giới giả nam, hội chứng tinh hoàn nữ tính hoá (Testicular feminization syndrome) được mô tả cho các trường hợp rối loạn theo kiểu di truyền lặn liên kết giới X ở các bệnh nhân nam có tinh hoàn.
Kiểu hình có thể biểu hiện ở các mức độ khác nhau như: Cơ quan sinh dục ngoài hoàn toàn là nữ, hoặc cơ quan sinh dục ngoài mơ hồ về giới tính, hoặc cơ quan sinh dục ngoài là nam, có dương vật, có khả năng sinh sản. Các trường hợp này là do khuyết tật về số lượng và chất lượng của thụ cảm androgen đã được xác định là nằm trên locus gen thuộc nhánh dài của nhiễm sắc thể giới tính X. Bệnh di truyền theo kiểu lặn liên kết trên nhiễm sắc thể X.
Có hai loại là hội chứng kháng androgen hoàn toàn và không hoàn toàn, tương đương với hai loại hội chứng tinh hoàn nữ tính hóa hoàn toàn và hội chứng tinh hoàn nữ tính hóa không hoàn toàn. Loại kháng androgen hoàn toàn còn gọi là hội chứng tinh hoàn nữ tính hóa hoàn toàn gặp ở 1/20.000 - 1/64.000 trẻ sơ sinh nam.
Bệnh nhân loại này có rối loạn nặng nề cả về số lượng và chất lượng của thụ cảm androgen. Bệnh nhân có kiểu hình là nữ, loạn sản sinh dục, không có âm đạo (như bệnh nhân Bình) hoặc âm đạo cụt, tinh hoàn nằm trong ổ bụng, trong ống bẹn hoặc ở môi lớn, vô kinh nguyên phát và hay gặp thoát vị bẹn trước tuổi dậy thì, phát triển tâm sinh lý hoàn toàn là nữ.
Trường hợp tinh hoàn trong ổ bụng hoặc ở ống bẹn sâu thì nguy cơ bị ung thư hóa rất cao nên cần phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, nhất là trường hợp gây biến chứng thoát vị bẹn. Người nữ dị hợp tử có biểu hiện bình thường nhưng khoảng 20% có hiện tượng chậm kinh. Khoảng 2% nữ thoát vị bẹn là do hội chứng này.
“Với trường hợp của bệnh nhân Bình, ngày 19/5 chúng tôi sẽ cho bệnh nhân ra viện. Sau ca mổ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, vạt da tạo hình sống tốt, vết mổ liền và khô. Bệnh nhân Bình có thể lấy chồng nhưng không thể có con”, bác sĩ Sơn cho biết.
Lời nói của Bình mãi ám ảnh về thân phận một người phụ nữ thiếu may mắn: “Tôi cũng tưởng sẽ an phận, nhưng đến tuổi này cũng mong có một người đàn ông chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Mong sẽ có người tốt đến với tôi”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hinh, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản TW, trường hợp không có tử cung và âm đạo bẩm sinh (còn gọi là hội chứng Rokitansky Kuster Hauser): Đến tuổi dậy thì, cơ thể những bệnh nhân này vẫn nảy nở với biểu hiện ngực và hông nở, eo thon…
Tuy nhiên, do không có tử cung nên họ không bao giờ có kinh nguyệt. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ phát hiện bệnh nhân vẫn có 2 buồng trứng bình thường, nhưng 2 vòi trứng chỉ là một đoạn ngắn, không hoàn chỉnh.
Tên nhân vật đã được đổi.