Chị Phạm Thị Lý, con gái đầu của bác sĩ Giầu, bên cạnh di ảnh của người cha -Nguoi nha benh nhan dam bac si |
Đó là bác sĩ Phạm Đức Giầu, bị nạn khi vừa rời phòng cấp cứu, mồ hôi chưa kịp lau, đang lặng lẽ chia sẻ nỗi buồn cùng gia đình người bệnh đã tử vong. Ông bị em trai bệnh nhân đâm một nhát và mất sau đó chưa đầy một giờ.
Giết người vô cớ
Khoảng 23g ngày 15-8, Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Trung (20 tuổi, xã Hòa Bình, Vũ Thư) trong tình trạng sốc, thở ngáp cá (chưa rõ nguyên nhân), kết quả đo mạch 0, huyết áp 0. Sau hơn một giờ hồi sức tích cực, các bác sĩ xác định tình trạng chết lâm sàng từ lúc nhập viện của bệnh nhân không có cách nào cứu vãn.
Theo lời kể của các nhân chứng, ngay từ lúc nhập viện, bệnh nhân đã được “hộ tống” bởi một đoàn hàng chục thanh niên xăm trổ đầy mình, hung hăng la hét đòi phá tủ thuốc, đánh bác sĩ. Quá hoảng sợ, kíp trực đã gọi điện cầu cứu công an thị trấn. Đích thân trưởng Công an thị trấn Vũ Thư, một công an viên cùng một bảo vệ dân phố đến nơi, trực chiến tại đây nhưng rốt cuộc cũng không ngăn được hành động điên rồ của người nhà bệnh nhân. Không ai ngờ khi kíp bác sĩ trực gọi người nhà nạn nhân vào chia sẻ, trao trả thi hài thì em trai nạn nhân – Nguyễn Văn Dũng (18 tuổi) – đã xông vào, vớ lấy con dao gọt hoa quả để trên đầu giường một bệnh nhân đâm liên tiếp vào các bác sĩ tại bệnh viện, khiến bác sĩ Phạm Đức Giầu tử vong sau đó, bác sĩ Ngô Duy Hoàn (30 tuổi, khoa nhi) bị thương nặng.
Chiều 16-8, thượng tá Vũ Hữu Vĩnh – trưởng phòng công tác chính trị Công an tỉnh Thái Bình – cho hay ngay sau khi gây án, Nguyễn Văn Dũng đã bỏ trốn. Gần trưa 16-8, công an tỉnh đã vây bắt được Dũng. Ngoài Dũng còn có Nguyễn Đức Phương (19 tuổi, trú tại xã Tân Lập, Vũ Thư) – người dùng xe máy chở Dũng bỏ trốn – cũng bị bắt vì hành vi che giấu tội phạm.
Đồng nghiệp đến viếng bác sĩ Phạm Đức Giầu - Nguoi nha benh nhan dam bac si |
Hình ảnh bác sĩ Giầu về nhà là quáng quàng thay bộ quần áo cũ kỹ ra đồng cấy, gặt, làm đất, gieo mạ… đã không còn lạ đối với người dân thôn Đông An, xã Tự Tân, Vũ Thư.
“Ông bác sĩ nông dân” là tên mọi người đặt cho người bác sĩ già tận tụy, hiền lành. “Ông Giầu cứ rời bệnh viện là thành nông dân chính hiệu, không nề hà việc gì” – một người hàng xóm kể. Bác sĩ Giầu vốn là bộ đội của chiến trường miền Nam. Đất nước giải phóng, rời quân ngũ, ông thi đỗ vào khoa răng hàm mặt Đại học Y dược TP.HCM. Là bác sĩ chuyên khoa nhưng ở làng ông là bác sĩ đa khoa. Làng trên xóm dưới ai sốt, ai ho, ai đau bụng, đau chân… gọi một tiếng là ông Giầu lỉnh kỉnh bông băng, tai nghe… đến tận nơi, bất kể đêm hôm, mưa gió.
Cái chân chất “nông dân” của người bác sĩ làng khiến nhiều đồng nghiệp cũng phải ngỡ ngàng. “Là bác sĩ “xịn” nhưng công việc của điều dưỡng bác cũng thuần thục. Rửa dụng cụ y tế, thậm chí chăm sóc, lau rửa cho bệnh nhân… là việc bác Giầu vẫn làm thường ngày” – chị Nguyễn Thị Huệ, điều dưỡng trưởng khoa ngoại đa chuyên khoa, kể.
“Chuyện đau lòng không ai tưởng tượng được. Ông ấy lành như đất, làm toàn việc tốt. Cháu tôi ốm, vợ tôi đau cũng toàn ông ấy sang chữa không lấy tiền…” – ông Phạm Đức Nhiệm, một người cùng thôn với bác sĩ Giầu, chua xót.
Ở thôn Đông An, người dân nghèo có thói quen chữa khỏi bệnh mới… trả tiền. “Nhiều người trong thôn vẫn nợ tiền thuốc ông ấy. Hoặc vì chưa hết đợt để khỏi bệnh, hoặc vì nhà nghèo, phải vào vụ thu hoạch mới có tiền nên chưa trả được. Nhưng giờ ông ấy mất rồi, có ai biết ông ấy đã khám chữa cho ai mà không thu tiền đâu, nên việc trả lại cũng tùy tâm của từng người” – ông Nhiệm nói.
Một lá cờ Tổ quốc được đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư lặng lẽ mang đến, trùm lên quan tài của bác sĩ Giầu. “Chỉ còn mấy tháng nữa anh Giầu sẽ về hưu. Anh ấy mất khi đang làm nhiệm vụ. Đối với những bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, anh ấy là một liệt sĩ của ngành” – ông Bùi Xuân Thu, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, xúc động nói.
Trên di ảnh, bác sĩ Giầu gầy gò đang mặc bộ quân phục sờn cũ. Mẹ già hơn 80 tuổi sững sờ khi hay tin con ra đi đột ngột, như trở nên vô thức cứ gấp trầu têm cánh phượng, sắp hết vào đĩa lại nhặt ra, sắp vào… Người vợ hết khóc ngất lại nằm bẹp phía cuối thi hài người chồng quá cố. Hai cô con gái mặt mũi thẫn thờ, đứng bên linh cữu cha. “Hôm qua không phải ca trực của bố. Một bác sĩ bận việc, nhờ bố trực thay. Bố mất lúc đi làm nên chẳng dặn dò gì chúng em…” – Phạm Thị Lý, cô con gái đầu của bác sĩ Giầu, nức nở.
Chia sẻ với gia đình bác sĩ bị nạn
Bà Cao Thị Hải – phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – khẳng định đây là vụ việc đau lòng chưa từng có xảy ra tại Thái Bình. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành y tế tham mưu, đề xuất kế hoạch bảo vệ các bác sĩ để mọi người yên tâm công tác, phục vụ nhân dân.
Chiều tối 16-8, một đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi Thái Bình để chia sẻ với gia đình bác sĩ Phạm Đức Giầu. Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế Thái Bình đề nghị nhanh chóng chia sẻ với các gia đình bác sĩ bị hại, động viên đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ yên tâm công tác, duy trì tốt hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn. Bộ Y tế cũng đề nghị Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, Sở Y tế Thái Bình nhanh chóng làm việc với các cơ quan chức năng, giải quyết thỏa đáng chế độ chính sách cho các bác sĩ bị hại.